Tiềm năng và thách thức trong phát triển điện gió ở Việt Nam

NDO -

Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, điều đó đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng năng lượng của người dân ngày càng tăng cao. Trong vòng 20 năm trở lại đây, tốc độ tăng trung bình của sản lượng điện năng đạt mức 12-13%/năm, gấp hai lần tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế. 

Nhà máy điện gió Ninh Thuận.
Nhà máy điện gió Ninh Thuận.

Đứng trước nguy cơ các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang khai thác ngày càng cạn kiệt, thâm hụt, Chính phủ Việt Nam đã quyết định sử dụng và thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo nhiều hơn nữa, trong đó, phải kể đến năng lượng gió. Với nhiều chính sách ưu đãi, nhưng đến nay, năng lượng gió vẫn phát triển một cách khiêm tốn.

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đường bờ biển trải dài hơn 3.000 km, vì vậy tiềm năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam vô cùng lớn.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước có tiềm năm gió lớn nhất trong bốn nước của khu vực, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65 m, tương đương công suất 512 GW.

Tiềm năng gió của Việt Nam ở độ cao 65 m:

Tốc độ gió trung bình Thấp < 6m/s Trung bình 6-7m/s Tương đối cao 7-8m/s Cao 8-9m/s   Rất cao > 9m/s
Diện tích (km2) 197.242 100.367   25.679 2.178 111
Tỷ lệ diện tích (%) 60,6 30,8 7,9 0,7 >0
Tiềm năng (MW) - 401.444 102.716 8.748 482

Cũng theo nghiên cứu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về “Đánh giá tài nguyên gió cho sản xuất điện (2007)”, đã xác định được các điểm thích hợp cho sản xuất điện gió tương đương, với công suất 1.785 MW. Trong đó, miền trung có tiềm năng gió lớn nhất với 880 MW, tập trung chủ yếu tại hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định, tiếp đến là miền nam, với hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Hiện nay, trên cả nước có gần 50 dự án về điện gió đăng ký với tổng công suất gần 500 MW. Tuy nhiên, các dự án đã đi vào vận hành còn chưa nhiều, chỉ có bảy dự án đang vận hành với tổng công suất 190 MW. Tiêu biểu có thể kể đến các dự án như: Tuy Phong - Bình Thuận, Phú Lạc, Mũi Dinh, Bạc Liêu, Đầm Nại... Số còn lại đang triển khai khá chậm, nhiều trường hợp còn đang trong quá trình xin giấy phép hoặc rơi vào giai đoạn khó khăn của việc tìm nhà đầu tư.

Vì sao điện gió với “tiềm năng lớn” vẫn không đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước? Thông qua các cuộc hội thảo, bàn luận, nhiều lý do được đưa ra tập trung vào các quyết định hành chính, chính sách ưu đãi, nguồn vốn, hạ tầng... Trong kết quả tính của Quy hoạch điện 8, dự kiến đến năm 2030 sẽ có khoảng 19.5 GW điện gió, trong khi hiện nay mới chỉ có 400 MW. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tạp Chí Năng lượng Việt Nam (Bộ Công thương), nhìn nhận, tính khả thi của quy hoạch được lý giải như sau: “Do tác động của dịch Covid-19, công tác triển khai xây dựng gặp khó khăn về nhập khẩu các thiết bị, thiếu chuyên gia nước ngoài phối hợp kỹ thuật, dẫn đến nhiều dự án không kịp tiến độ theo cơ chế FIT, mạng lưới truyền tải chưa đáp ứng, khối lượng lưới chưa đủ lớn để truyền tải, nhu cầu đất đai cho các dự án điện gió trên bờ cần khoảng 28.000 ha, vấn đề mất đất trồng trọt và kế sinh nhai của người dân đang là mối quan tâm sâu sắc”.

Ngoài những thách thức nêu trên, điện gió ngoài khơi cũng đang là một thách thức lớn đối với ngành năng lượng Việt Nam, khi các nước trên thế giới đang chạy đua lắp đặt với nhiều đặc điểm ưu việt, lợi ích. Ở Việt Nam, điện gió ngoài khơi vẫn được coi là công nghệ mới, khi triển khai chắc chắn sẽ gặp nhiều vấn đề về công nghệ cũng như chi phí phát triển.

Theo PGS, TS Bùi Huy Phùng, Viện Khoa học Năng lượng (Bộ Công thương): “Giá điện gió trên thế giới những năm gần đây đã giảm nhiều, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sử dụng các nguồn năng lượng này. Ở Việt Nam, giá điện gió và điện mặt trời cũng đang giảm nhanh, không còn đắt như những năm trước và hoạt động phát triển nguồn điện này cũng bắt đầu khởi sắc. Chính phủ cũng đang tạo các điều kiện để đẩy nhanh việc phát triển nguồn năng lượng sạch này”.

Được xem là nguồn năng lượng sạch vì không tạo ra phát thải các loại khí gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên trong thực tế có thể thấy, để phát triển nguồn năng lượng sạch này ở Việt Nam vẫn đang là một thách thức khá lớn đối với Nhà nước, cũng như các doanh nghiệp.