Tặng quy trình độc quyền canh tác cà-phê arabica hữu cơ vùng núi Langbiang

NDO -

Khi thực hiện “quy trình độc quyền canh tác cà-phê arabica hữu cơ vùng núi Langbiang” sẽ tạo đột phá, thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nhà nông, hạn chế phá vỡ cảnh quan trong canh tác nông nghiệp.

Tiến sĩ Phạm S (thứ hai, bên phải) trao “Quy trình độc quyền canh tác cà-phê arabica hữu cơ vùng núi Langbiang” tặng huyện Lạc Dương.
Tiến sĩ Phạm S (thứ hai, bên phải) trao “Quy trình độc quyền canh tác cà-phê arabica hữu cơ vùng núi Langbiang” tặng huyện Lạc Dương.

Chiều 15/6, Kỷ lục gia thế giới, Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, trao “Quy trình độc quyền canh tác cà-phê arabica hữu cơ vùng núi Langbiang” và nhận diện thương hiệu tặng huyện Lạc Dương, địa phương có diện tích cà-phê arabica chiếm hơn 40% diện tích loại cà-phê này tại Lâm Đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Tiến sĩ Phạm S cho biết, quy trình trên đã được ông nghiên cứu liên tục trong hơn 5 năm qua và được Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp chứng nhận quyền tác giả vào tháng 5/2022.

“Với trách nhiệm là nhà quản lý, nhà khoa học, tôi đã nghiên cứu 5 năm liên tục tại huyện Lạc Dương và nhận thấy, tốc độ chuyển đổi cây cà-phê quá nhanh để sản xuất cây ngắn ngày; quá trình sản xuất đã tác động gây xói mòn đất, phá vỡ cảnh quan; cùng tình trạng người dân xâm lấn đất rừng làm nông nghiệp, do đó tôi đã nghiên cứu quy trình và trao tặng cho địa phương”, Tiến sĩ Phạm S chia sẻ.

Quy trình được tác giả trình bày cụ thể từng khâu, từng cách triển khai thực tế từ khâu sản xuất đến định hướng thị trường, để trở thành cẩm nang cho nhà nông trong quá trình sản xuất cà-phê hữu cơ arabica dưới chân núi Langbiang. Trong đó, đáng chú ý là tạo vườn cà-phê giá trị đa chức năng cảnh quan, canh tác hoàn toàn bằng sinh học, trồng những cây họ đậu để cung cấp dinh dưỡng và trồng cây cảnh quan (phượng tím) để ngăn cản sương muối, cung cấp phân xanh và che bóng mát…

Sản xuất hữu cơ là xu hướng tất yếu toàn cầu và Lâm Đồng là một trong những địa phương sớm thực hiện đề án nông nghiệp hữu cơ. Tiến sĩ Phạm S kỳ vọng, năm 2024, sẽ tạo được sản phẩm cà-phê hữu cơ arabica Lạc Dương và sẽ có sản phẩm OCOP cà-phê hữu cơ arabica đầu tiên của huyện. Đồng thời, tạo điều kiện tổ chức lại sản xuất quy mô hợp tác xã và liên kết sản xuất, lấy doanh nghiệp làm hạt nhân, giúp nông dân giảm chi phí; xây dựng Lạc Dương trở thành huyện có diện tích cà-phê arabica chứng nhận hữu cơ lớn nhất cả nước.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương Hoàng Xuân Hải, khoảng thập niên 80 của thế kỷ trước, cây cà-phê arabica bắt đầu định canh khoảng 60ha dưới chân núi Langbiang và xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương. Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, địa phương phát triển cà-phê arabica trở thành cây chủ lực, với diện tích hơn 5.050ha, chiếm hơn 40% diện tích cà-phê arabica toàn tỉnh Lâm Đồng, sản lượng mỗi năm hơn 80 nghìn tấn cà-phê tươi (15 nghìn tấn nhân). “Cà-phê arabica Langbiang” cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu. 

Tiến sĩ Phạm S đề nghị, huyện Lạc Dương cần phổ biến nội dung quy trình độc quyền trên để trở thành cẩm nang cho nhà nông trong quá trình canh tác cà-phê hữu cơ arabica vùng núi Langbiang. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất, hình thành hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất cà-phê; từng bước thay đổi nhận thức của nhà nông trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tạo điều kiện cho các tổ chức đến khảo sát để cấp chứng nhận hữu cơ cho các nhà nông, doanh nghiệp.

“Tôi tặng toàn bộ quy trình, nhận diện mang tính toàn cầu cho huyện có gần 70% đồng bào dân tộc sinh sống nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, cùng với kỳ vọng mở cửa thị trường đối với cà-phê hữu cơ arabica Lạc Dương trong tương lai. Dự báo, khoảng hai năm tới, thương hiệu cà-phê hữu cơ arabica Lạc Dương sẽ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, Kỷ lục gia thế giới, Tiến sĩ Phạm S thông tin.

TS Phạm S vừa là nhà quản lý, nhà khoa học và nhà giáo.
Gần 30 năm nghiên cứu khoa học, ông đã công bố hơn 165 công trình khoa học, bài báo khoa học tại hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế; tác giả 21 cuốn sách, 1 giáo trình đại học; sở hữu hơn 50 giống cây trồng, nguồn gene thực vật quý hiếm…, được Liên minh Kỷ lục Thế giới WorldKings vinh danh Kỷ lục gia Thế giới ngày 22/2 vừa qua, từ tham chiếu những cống hiến khoa học cho quốc gia và quốc tế.