Giải pháp đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả, công khai minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước. Từ đó, sẽ làm giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Cán bộ UBND phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến. (Ảnh: MINH HÀ)
Cán bộ UBND phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến. (Ảnh: MINH HÀ)

THỜI gian qua, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước đã được đẩy mạnh và đạt được một số kết quả bước đầu. Theo thống kê của Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), đến nay, tất cả các bộ, ngành, địa phương trên cả nước đã có Cổng dịch vụ công để cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hơn 97,3% dịch vụ công đủ điều kiện đã được cung cấp dưới mọi hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/5/2022, tổng số lượt truy cập nhiều nhất là Bộ Y tế (10.688.901 lượt), Bộ Giáo dục và Đào tạo (2.572.059 lượt), Bộ Thông tin và Truyền thông (2.224.681 lượt); truy cập ít nhất là các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư (783.964 lượt); Tài nguyên và Môi trường (323.307 lượt) và Lao động-Thương binh và Xã hội (249.666 lượt). 

Tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến cao nhất là Bộ Ngoại giao (đạt 100%), Bộ Nội vụ (đạt 98,71%); xử lý trực tuyến thấp nhất là: Bộ Khoa học và Công nghệ (đạt 53,98%), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đạt 25,68%), Bộ Xây dựng (đạt 13,81%). Còn tại các địa phương, số lượng truy cập nhiều nhất là: Tỉnh Thừa Thiên Huế (5.367.824 lượt), Bắc Giang (4.823.334 lượt); hai địa phương có lượt truy cập ít nhất là tỉnh Tây Ninh (152.930 lượt), Ninh Thuận (142.615 lượt). Tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến cao nhất là các tỉnh: Hòa Bình (đạt 71,36%), Ninh Bình (đạt 59,46%); thấp nhất là các tỉnh: Nghệ An (đạt 5,62%), Quảng Bình (đạt 2,64%). 

Thống kê trên cho thấy, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao, mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ và đề xuất các giải pháp thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến tại các đơn vị. Đến hết tháng 5/2022, tính trung bình trên cả nước, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ mới đạt khoảng 30%, tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến mới đạt khoảng 32%. Vì vậy, nếu không có những giải pháp căn cơ, quyết liệt, mục tiêu đặt ra khó có thể đạt được. 

Để thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, cần tập trung vào giải pháp đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, nhất là trong việc xử lý các hồ sơ thủ tục hành chính. Xây dựng môi trường pháp lý cần được quan tâm, các văn bản luật liên quan tới thanh toán điện tử cho các dịch vụ công trực tuyến cần được minh bạch nhằm bảo đảm môi trường giao dịch tin cậy và an toàn cho thanh toán phí dịch vụ. Đồng thời, khâu bảo mật trong đường truyền, dữ liệu cần được chú ý nhằm bảo vệ người tham gia giao dịch trước các rủi ro tài chính.

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết: Các cơ quan nhà nước phải xuất phát từ nhu cầu, lợi ích, trải nghiệm của người dân. Người dân, doanh nghiệp sẽ sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi được tiếp cận dịch vụ dễ dàng, khi có những kỹ năng cơ bản, thiết bị kết nối internet, hay động lực sử dụng. 

Trong thời gian tới, cơ quan nhà nước cần thực hiện các nội dung như: Rà soát các thủ tục hành chính, điều kiện bảo đảm để cung cấp trực tuyến mức độ 4 các thủ tục hành chính đủ điều kiện, tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thực hiện các chỉ tiêu nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, như là tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến; tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân dễ dàng truy cập, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nhằm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để giảm các giấy tờ, thời gian, người dân chỉ phải cung cấp dữ liệu một lần khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến... 

Ngoài ra, cần có các chính sách khuyến khích, tạo động lực cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho người dân để người dân chủ động, tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến phục vụ cho chính phủ điện tử trong quá trình xây dựng chính phủ số.