Sập bẫy đầu tư

Lại vừa có thêm một vụ sập sàn đầu tư rúng động! Hàng nghìn người đứng đơn trình báo công an về việc họ trở thành nạn nhân của sàn FXTradingMarkets-“song sinh” với Uktrade. Bỏ hàng tỷ đồng đổi tiền ảo, rồi khi sàn sập, họ chỉ biết than với nhau “tiền đi trong nốt nhạc, có ai biết bọn chúng ở đâu không?”. 

Đúng một tháng, trước thời điểm 26/6, ngày mà lãnh đạo nhóm Lion Group (Lion Teams) gửi “tâm thư” thông báo dừng hoạt động của sàn FXTradingMarkets, Công an TP Hồ Chí Minh đã cảnh báo người dân không tham gia các sàn kinh doanh ngoại hối (Forex) trái phép bởi đây là phương thức đầu tư gây nhiều rủi ro về kinh tế, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Nhưng số lượng người đổ tiền thật vào các sàn ảo vẫn gia tăng.

Điều đáng nói, trong thời gian gần đây, các vụ sập sàn đầu tư tài chính hay đầu tư ngoại hối xảy ra nhiều, số tiền các nhà đầu tư mất đi đã lên đến hàng trăm tỷ đồng. Điển hình là vụ bốn sàn giao dịch Rforex.com, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss lừa 12.000 tài khoản nạp 4,3 triệu USD, sau đó dùng thủ thuật chiếm đoạt tiền, hay app Coolcat, Busstrade đã khiến 500 tỷ đồng của hàng chục nghìn người trên cả nước bốc hơi. Câu hỏi đặt ra ở đây, vai trò của quản lý Nhà nước thể hiện như thế nào trong việc ngăn chặn và xử lý các sàn biến tướng đang mọc lên như nấm sau mưa? 

Đã đành, trong một không gian mạng quá phức tạp, việc quản lý đầu tư tài chính tránh các hình thức biến tướng thật sự là thách thức lớn, bởi tính ẩn danh của các chủ thể tham gia giao dịch càng khiến việc điều tra, truy xét khó khăn. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, chính việc chúng ta chưa có quy định pháp lý đối với mua bán, trao đổi tiền ảo, tiền kỹ thuật số đã tạo lỗ hổng quản lý lớn. Vẫn tồn tại nghịch lý, Ngân hàng Nhà nước không cho phép người dân dùng tiền kỹ thuật số làm phương tiện thanh toán cho các hoạt động mua sắm, nhưng lại không cấm các hoạt động giao dịch. Đã mấy năm trôi qua, chưa có động thái điều chỉnh chính sách từ cơ quan quản lý, dù thị trường trông đợi. 

Thị trường tiền điện tử đang bùng nổ, tác động mạnh vào tâm lý người dân, hơn lúc nào hết, cơ quan quản lý cần làm rõ được định nghĩa đồng tiền kỹ thuật số là gì, có thể được xem như một đồng tiền lưu thông hay một loại tài sản không? Tiếp nữa, dù được định nghĩa là tiền hay tài sản thì đều cần có quy định về phạm vi sử dụng, mức độ giao dịch đến đâu. Được biết, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo để thiết kế chính sách, cơ chế quản lý tài sản mã hóa trên thị trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, các quy định đề ra cần hết sức chặt chẽ nhưng cần hướng tới cân bằng giữa mục tiêu sáng tạo, tăng trưởng kinh tế với mục tiêu bảo đảm an toàn, an ninh cho thị trường tài chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư cũng như các thành viên khác trên thị trường.

Cho đến khi những lỗ hổng pháp lý được lấp đầy, những cuộc điều tra, trấn áp, phá án hàng loạt các sàn giao dịch tiền ảo được trông đợi phần nào giúp thiết lập được kỷ cương thị trường. Hy vọng, những chuyên án sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh kịp thời cho những người ôm mộng đổi đời một cách mù quáng, bất chấp quy định pháp luật.