Sáng tác mẫu mới để “lấp kín” 70 năm thất truyền

Là người đề xướng và làm chủ dự án “Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng” từ năm 2015, nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội vừa cho ra mắt cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng” (NXB Thế giới). Thời Nay đã có cuộc trò chuyện cùng chị.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa (ngoài cùng, bên phải) giới thiệu với người xem về tranh dân gian Kim Hoàng.
Nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa (ngoài cùng, bên phải) giới thiệu với người xem về tranh dân gian Kim Hoàng.

Phóng viên (PV): Trải qua bảy năm, dự án đang ở giai đoạn nào và đã có một số thành quả gì, thưa chị?

Nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa (NTTH): Dự án có ba giai đoạn thì hiện nay chúng tôi đang ở giai đoạn thứ ba - giai đoạn phát triển. Tranh cổ Kim Hoàng có 93 mẫu nhưng đã bị thất truyền. Hiện nay, chúng tôi đã khôi phục được 40% để phục vụ cho các nhà sưu tập và các bảo tàng. Thật ra tranh cổ, như bộ tranh Kiều, tranh Tam quốc diễn nghĩa rất “kén” người mua. Để nghệ nhân sống được với nghề, phải sáng tạo. Hiện nay, chúng tôi đã sáng tạo được khoảng 40 mẫu mới phù hợp thị hiếu của khách hàng.

Mỗi năm cứ đến con giáp nào, chúng tôi lại chuẩn bị những bức tranh về con giáp ấy và có thêm sự sáng tạo nữa. Như năm Tuất, chúng tôi đã chọn mẫu nghê ở đền Vua Đinh ở Ninh Bình và đền Vua Lê ở Thanh Hóa. Còn như năm Nhâm Dần này, chúng tôi đã “đặt hàng” họa sĩ Xuân Nam sáng tác hai mẹ con “ông hổ”. Từ giờ đến Tết Nguyên đán 2023, chúng tôi đang tất bật chuẩn bị ba mẫu tranh mèo, là mẫu của nghệ nhân Lê Đình Nghiên, họa sĩ Xuân Nam và nghệ nhân làng Kim Hoàng Đào Văn Chung.

Điều mà tôi hạnh phúc nhất và coi đó là thành công lớn nhất cho đến thời điểm này là đã đào tạo được anh Đào Văn Chung - một người làng Kim Hoàng chưa biết về dòng tranh, chưa biết vẽ, có thể tự sống với nghề, không còn nhận kinh phí từ dự án. Chúng tôi hy vọng từ đốm lửa này sẽ thắp lên ngọn lửa phát triển cho làng tranh.

PV: Chị đánh giá thế nào về thái độ, tình cảm, sự thay đổi của các cấp chính quyền và người dân trong làng Kim Hoàng từ khi chị bắt tay nghiên cứu, phục hồi tranh đến nay?

NTTH: Phải nói từ các cấp chính quyền đến người dân đều rất ủng hộ dự án của chúng tôi. Ngay những buổi đầu, các cụ cao niên trong làng đã cho chúng tôi mượn phòng truyền thống rồi kể cho chúng tôi quy trình sản xuất tranh ngày xưa, cho chúng tôi được “mục sở thị” những bức tranh cổ. Cụ Liên đã kể cho chúng tôi nghe lúc hơn 10 tuổi đã cùng gia đình đi bán tranh ở chợ Vân Canh và lần cuối bán tranh là vào năm 1947. Cụ Duệ đã cho chúng tôi xem mộc bản chữ “Đức Lưu Quang” và “Phúc Mãn Đường” với niên đại khoảng trên 50 năm. Rồi cụ Nuôi đã cho xem bức đại tự tranh chữ mầu đen, bên trong có họa tiết được in trên nền mầu đỏ sen đã bạc mầu. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái chiều khi nhiều cụ cho rằng giá tranh quá đắt hay là chúng tôi có lợi ích gì ở đây. Nhưng rồi nghe chúng tôi giải thích và xem quá trình chúng tôi làm, các cụ đã hoàn toàn bị thuyết phục. Việc khôi phục tranh Kim Hoàng có ý nghĩa về mặt văn hóa - xã hội, người được lợi về mặt kinh tế chính là những nghệ nhân của làng.

PV: Để được thành quả như ngày hôm nay, hành trình bảy năm qua chứa đựng rất nhiều khó khăn, thử thách?

NTTH: Thật sự khó khăn, thử thách khó có thể nói hết bằng lời. Ban đầu tất cả gần như là con số 0 và chúng tôi đã phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều để có được một chút tự hào như ngày hôm nay. Việc nghiên cứu qua sách vở đến việc làm ra một bức tranh đã khó nhưng khi làm ra một bức lại phải nghĩ đến việc sản xuất đại trà mà giá thành phải vừa với túi tiền người mua lại khó hơn rất nhiều. Chúng tôi đã đào tạo sáu nghệ nhân của làng với bao nhiêu công sức, tiền bạc nhưng rồi cuối cùng chỉ còn mỗi anh Đào Văn Chung theo được. Vấn đề mang tính lâu dài là phải làm thế nào để nghệ nhân sống được với nghề.

PV: Để nghệ nhân sống được với nghề, dự án đã có những kế hoạch, dự định gì cho thời gian sắp tới?

NTTH: Tranh Kim Hoàng cũng là một loại hàng hóa, mà muốn hàng hóa bán được ra thị trường thì phải hiểu được thị trường, phải nắm bắt được thị hiếu của khách hàng. Bên cạnh việc vẽ những mẫu cổ thì các nghệ nhân phải không ngừng sáng tạo ra những mẫu mới với chủ đề, họa tiết bắt mắt, phù hợp xu thế của thời đại để “lấp kín” thời gian 70 năm dòng tranh này bị thất truyền. Đồng thời, nghệ nhân cũng cần phải có kỹ năng của một họa sĩ, tức là cần có chuyên môn kỹ năng in khắc gỗ, tô mầu để sản phẩm có thể “thuyết phục” được khách hàng.

PV: Xin cảm ơn chị!