Sản xuất thức ăn cho nghề nuôi biển

Với mục tiêu "phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững" theo định hướng lớn của Chính phủ, việc phát triển các công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, công nghiệp nghiên cứu, áp dụng khoa học- công nghệ vào sản xuất dinh dưỡng, thức ăn phục vụ nghề nuôi hải sản công nghiệp đóng vai trò then chốt.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại huyện Cái Nước (Cà Mau) rất cần thức ăn công nghiệp.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại huyện Cái Nước (Cà Mau) rất cần thức ăn công nghiệp.

Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi biển. Ðiều kiện tự nhiên và môi trường khá thuận lợi cho phát triển nuôi biển công nghiệp, quy mô hàng hóa lớn; đối tượng nuôi phong phú như: Các loài cá biển có giá trị cao như cá chim, cá chẽm, cá song, cá giò; tôm hùm, nhuyễn thể, rong biển... Ðến năm 2021, diện tích nuôi biển đạt 75 nghìn héc-ta và 8 triệu mét khối lồng. Nhờ chính sách nuôi biển đang ngày càng được xem trọng, công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam: Hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung; công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi); công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên, phát triển nghề nuôi biển ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là phát triển nuôi biển công nghiệp như: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch nuôi biển chưa tốt, hoạt động nuôi tự phát, phá vỡ quy hoạch còn phổ biến dẫn đến ô nhiễm môi trường, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, khó phát triển đồng bộ; lĩnh vực sản xuất và cung cấp thức ăn chuyên cho nghề nuôi cá biển vẫn chưa phát triển mạnh; khó kiểm soát giá thành, chất lượng, nguồn gốc của thức ăn... Việc sử dụng thức ăn công nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển nuôi biển bền vững, góp phần giải quyết môi trường, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, ngay cả ở "cái nôi" nuôi biển như Khánh Hòa cũng chỉ có một vài cơ sở nuôi cá biển ứng dụng công nghệ nuôi hiện đại sử dụng 100% thức ăn công nghiệp, gồm: Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, Trung tâm Nuôi biển công nghệ, và Công ty cổ phần Phương Minh... Còn hầu hết các vùng nuôi lồng bè ở nước ta vẫn sử dụng các loại thức ăn có nguồn gốc không rõ ràng, thậm chí sử dụng các loài cá tạp, giáp xác để làm thức ăn cho tôm, cá biển... Ðiều đó dẫn tới hậu quả đẩy chi phí đầu tư nuôi tăng cao, các loài cá tạp không bảo đảm chất lượng, dư thừa lượng thức ăn dẫn đến gây ô nhiễm nguồn nước vùng nuôi... Những cản ngại này đã đặt ra nhiều thách thức lớn cho công nghiệp sản xuất dinh dưỡng, thức ăn cho nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam hiện nay.

Tại hội thảo "Thực trạng và giải pháp về dinh dưỡng, thức ăn trong nuôi biển công nghiệp Việt Nam" do ngành nông nghiệp tổ chức tại thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) giữa tháng 9/2022, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Ðức Tiến nhấn mạnh: "Ðề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" với quan điểm đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, bảo quản, chế biến hải sản, công nghệ phụ trợ (có thức ăn) tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ðể đạt được mục tiêu nêu trên, nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới mà ngành thủy sản và công nghiệp sản xuất dinh dưỡng, thức ăn phục vụ nuôi biển cần hướng tới là: Thứ nhất, nghiên cứu, phát triển các công thức thức ăn, nguyên liệu chế biến thức ăn phù hợp với từng loài và giai đoạn phát triển, nhất là giai đoạn con non, con giống của các đối tượng nuôi biển. Thứ hai, xây dựng các khu sản xuất thức ăn tập trung, gắn với khu dịch vụ hậu cần nghề cá và vùng nuôi biển tập trung; tiến tới chủ động sản xuất trong nước, đủ số lượng, bảo đảm chất lượng phục vụ sản xuất giống và nuôi thương phẩm. Thứ ba, xã hội hóa công tác nghiên cứu về thức ăn phục vụ nuôi biển, trong đó chú trọng việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư vào công tác nghiên cứu, phát triển sản xuất thức ăn phục vụ nuôi biển. Thứ tư, vừa tiến hành nghiên cứu, vừa nhập công nghệ, thiết bị và công thức thức ăn cho các đối tượng nuôi để chuyển giao, nghiên cứu và từng bước làm chủ công nghệ sản xuất thức ăn phục vụ sản xuất con giống và nuôi thương phẩm. Thứ năm, tổ chức đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên nghiên cứu về dinh dưỡng, thức ăn cho các đối tượng nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi biển để có đủ nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển sản xuất. Cuối cùng là thu hút nguồn lực trong và ngoài nước phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi biển có công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến, liên kết chặt chẽ với các trại nuôi biển; bảo đảm sản phẩm thức ăn có chất lượng cao và giá thành hợp lý... ■