Sẵn sàng ứng phó sóng thần

Tại Hội nghị Đại dương của LHQ diễn ra ở Lisbon (Bồ Đào Nha) từ ngày 27/6 tới ngày 1/7, Tổng Giám đốc Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa LHQ (UNESCO) Audrey Azoulay đã công bố một chương trình toàn cầu mới, nhằm bảo đảm 100% cộng đồng ven biển có được các kỹ năng sẵn sàng ứng phó với sóng thần từ nay đến năm 2030. 

Tập huấn ứng phó với sóng thần cho trẻ em ở đảo Fiji. Ảnh: UNDP
Tập huấn ứng phó với sóng thần cho trẻ em ở đảo Fiji. Ảnh: UNDP

Theo thông cáo của UNESCO, Hội nghị Đại dương diễn ra vào thời điểm quan trọng khi thế giới đang tìm cách giải quyết những vấn đề sau đại dịch Covid-19 và đề ra giải pháp gắn liền với các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Hội nghị cũng thúc đẩy các hành động sáng tạo cần thiết dựa trên khoa học nhằm bắt đầu một chương mới cho kế hoạch hành động đại dương toàn cầu. Trong đó, nổi bật là kế hoạch “Thập kỷ khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững của LHQ”, cho giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030. Trong đó, Tổng Giám đốc UNESCO đã công bố cam kết triển khai chương trình toàn cầu có tên “Sẵn sàng ứng phó sóng thần”, nhằm đào tạo tất cả các cộng đồng ven biển có nguy cơ bị sóng thần vào năm 2030.

Hiện nay, hệ thống cảnh báo sóng thần toàn cầu do UNESCO quản lý có hiệu quả trong việc phát hiện sóng thần rất nhanh. Song, việc hệ thống này chỉ báo động bằng âm thanh là không đủ khi rơi vào tình huống khẩn cấp cần phải cứu hộ. Do vậy, các cộng đồng ven biển cũng phải được huấn luyện để ứng phó đúng cách. UNESCO đang cam kết tài trợ việc đào tạo cho 100% cộng đồng dân cư ở các vùng biển có nguy cơ sóng thần trên toàn thế giới vào năm 2030. Theo bà Audrey Azoulay, để trở thành cộng đồng “sẵn sàng trước sóng thần”, các địa phương phải ý thức được giảm rủi ro do sóng thần gây ra; liệt kê và lập bản đồ các khu vực nguy hiểm sóng thần; triển khai tài liệu giáo dục cộng đồng và thiết kế kịch bản sơ tán sóng thần một cách dễ hiểu và dễ thực hiện cho người dân; cũng như công khai thông tin về sóng thần.

Người đứng đầu UNESCO cho biết, kế hoạch “Sẵn sàng trước sóng thần” đã được triển khai thí điểm tại 40 cộng đồng ở 21 quốc gia, trên khắp các khu vực Caribe, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trong những năm tới, chương trình này sẽ được mở rộng trên toàn cầu cho hàng nghìn cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương. Chương trình đưa ra 12 chỉ số bao gồm tất cả các bước, từ đánh giá mối nguy hiểm đến chuẩn bị và ứng phó, phù hợp nhu cầu của địa phương. UNESCO cũng khuyến nghị giáo dục người dân địa phương về những việc cần làm trong trường hợp xảy ra sóng thần, chẳng hạn như các lối thoát hiểm, hành lang an toàn, khu vực sơ tán khẩn cấp…

Các chuyên gia của UNESCO đã chỉ ra rằng, sóng thần tác động đến các cộng đồng khác nhau và không có một kế hoạch chung nào phù hợp cho tất cả. Giờ đây, thông qua chương trình mới này, tất cả cộng đồng có thể dựa vào kiến ​​thức chuyên môn của UNESCO để xây dựng một chiến lược phù hợp các yếu tố rủi ro của địa phương. “Để thực hiện cam kết đầy tham vọng này, chúng tôi sẽ huy động các nguồn tài chính đáng kể bằng cách tận dụng những mối quan hệ đối tác quan trọng”, bà Audrey Azoulay khẳng định. Các đối tác chính đã hỗ trợ UNESCO trong cam kết này có Chương trình quốc tế về giảm nhẹ thiên tai (UNDRR) của LHQ và Liên minh châu Âu (EU), cũng như các nước tài trợ chính như Australia, Nhật Bản, Na Uy và Mỹ. 

Ông Vladimir Ryabinin, Giám đốc điều hành của Ủy ban Hải dương học liên chính phủ của UNESCO đánh giá rằng, sóng thần có thể xảy ra thường xuyên hơn và là một mối đe dọa ở tất cả các khu vực trên thế giới. Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương đã cảnh báo 125 trận sóng thần, trung bình bảy trận mỗi năm. Mặc dù phần lớn sóng thần tác động đến các quần thể ven biển ở các khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nhưng tất cả các khu vực đại dương đều có nguy cơ bị ảnh hưởng. Thống kê cho thấy, xác suất xuất hiện đợt sóng thần cao hơn 1m ở Địa Trung Hải trong 30 năm tới là gần 100%; 78% sóng thần là do hoạt động địa chấn, 10% do hoạt động núi lửa và lở đất và 2% do hoạt động khí tượng.