Sẵn sàng tình nguyện trong mọi hoạt động

Chọn một trong những địa bàn đặc biệt khó khăn là huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), nơi cần đến sức trẻ tình nguyện trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2023 do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động đã khơi gợi tinh thần dấn thân vì Tổ quốc trong các hoạt động tình nguyện.
0:00 / 0:00
0:00
Trao quà cho thanh niên dân tộc thiểu số tại lễ ra quân Chiến dịch.
Trao quà cho thanh niên dân tộc thiểu số tại lễ ra quân Chiến dịch.

Nhiều điểm mới

Sau hơn 20 năm tổ chức, lần đầu tiên T.Ư Đoàn tổ chức Lễ ra quân chiến dịch tại địa điểm cực nam của Tổ quốc. Đây cũng là một trong những địa bàn đặc biệt khó khăn cần đến sức trẻ tình nguyện trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, quốc phòng, an ninh.

Diễn ra từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm, năm nay, Lễ ra quân Chiến dịch đã được tổ chức với một số điểm mới. Đây là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII với chủ trương “3 liên kết” tạo ra tính bền vững cho các công trình, phần việc của thanh niên tình nguyện chia sẻ vì cộng đồng. Trong đó, lần đầu tiên kết nối hoạt động hưởng ứng từ cực bắc (Lũng Cú, Hà Giang) đến cực nam (mũi Cà Mau) của Tổ quốc, “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước”, tập trung vào các nhóm nội dung hoạt động như tuyên truyền về lịch sử, trồng cây, tặng quà cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số, tặng quà cho cựu thanh niên xung phong tại địa phương, dọn vệ sinh môi trường, rác thải trên bãi biển, các hoạt động tình nguyện của đoàn viên, thanh niên...

Theo Ban tổ chức, năm 2023, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè tiếp tục được triển khai với một Chương trình và bốn Chiến dịch nhánh. Cụ thể, Chương trình “Tiếp sức mùa thi” triển khai từ tháng 4 đến tháng 10; Chiến dịch tình nguyện “Mùa hè xanh” triển khai từ tháng 6 đến tháng 8; Chiến dịch tình nguyện “Hoa phượng đỏ” triển khai từ tháng 6 đến tháng 8; Chiến dịch tình nguyện “Kỳ nghỉ hồng” và Chiến dịch tình nguyện “Hành quân xanh” với lực lượng tham gia là thanh niên khối lực lượng vũ trang sẽ triển khai từ tháng 6 đến tháng 8.

Địa bàn trọng tâm của Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè tập trung tại 33 Làng Thanh niên lập nghiệp do T.Ư Đoàn đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2001-2020 và sáu đảo Thanh niên gồm: Đảo Trần (Quảng Ninh), đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), đảo Cù Lao Xanh (Bình Định), đảo Hòn Chuối (Cà Mau), đảo Thổ Chu (Kiên Giang). Bên cạnh đó, Chiến dịch còn đến với các thôn, bản, ấp khó khăn được lựa chọn tại các địa phương để hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới trở thành “Làng quê đáng sống” với nhiều nội dung đa dạng, phong phú gắn với nhiệm vụ chính trị, nhu cầu thực tế của từng địa phương.

Đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số

Đẩy mạnh chuyển đổi số đồng bộ trên tất cả các mặt công tác của Đoàn, phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia tích cực công cuộc chuyển đổi số và trong hoạt động tình nguyện là chỉ đạo của Ban Bí thư T.Ư Đoàn trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2023.

Nội dung trên được thể hiện trong một số định hướng chỉ đạo, cụ thể như: Tổ chức các đội hình trí thức trẻ tình nguyện phối hợp với “Tổ công nghệ số cộng đồng” tại địa phương nhằm chỉ dẫn địa lý với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương. Tổ chức các đội hình tình nguyện “Chuyển đổi số cộng đồng” truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân. Triển khai các hoạt động tình nguyện tham gia xây dựng đô thị văn minh gắn với đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ số. Tuyên truyền về xây dựng Chính phủ điện tử và tổ chức tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, các thủ tục hành chính tại nhà. Tổ chức chương trình “Chiến sĩ tình nguyện vì đô thị văn minh và hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến” đồng loạt triển khai trên toàn quốc tới 100% Đoàn cơ sở, khu vực địa bàn dân cư và khu vực hành chính sự nghiệp vào ngày 11/8.

Được biết, T.Ư Đoàn xác định mục tiêu trong năm 2023 sẽ có 60% thanh, thiếu nhi được tiếp cận các hoạt động nâng cao năng lực số do tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp triển khai thực hiện, 40% thanh niên sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 50% thanh niên sử dụng tài khoản thanh toán điện tử mà trọng tâm là phát triển đề án “Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030”, đề án “Thành lập Quỹ Hỗ trợ sáng kiến vì cộng đồng”… Qua đó, nâng cao nhận thức, kiến thức, trình độ cho cán bộ, đoàn viên thanh niên trở thành lực lượng tiên phong trong chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị, địa phương.