Sẵn sàng cho các kịch bản xấu

Những đợt nắng nóng gay gắt, đặc biệt gay gắt, có nơi hơn 39 độ C xảy ra trên diện rộng, dài ngày tại Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước vừa qua, và sự loay hoay của nhiều nước châu Âu trong việc đối phó đợt nắng nóng bất thường đang diễn ra, cho thấy, Việt Nam cũng cần chuẩn bị sẵn sàng cho các kịch bản xấu về thời tiết cực đoan trong tương lai gần.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân lưu thông trên đường phố Hà Nội trong thời tiết nắng nóng gay gắt. Ảnh: Ngọc Mai
Người dân lưu thông trên đường phố Hà Nội trong thời tiết nắng nóng gay gắt. Ảnh: Ngọc Mai

Thời tiết sẽ cực đoan hơn

Tại Hà Nội và 14 tỉnh, thành phố miền bắc, miền trung ghi nhận ngày 18/7, mức nhiệt 36-38 độ C. So với các đợt nắng nóng trong tháng 6,

mức nhiệt trên không quá cao, tuy nhiên trời đặc biệt oi bức. Các chuyên gia lý giải, thời tiết khó chịu vừa qua do độ ẩm không khí thấp, dao động 45-65%, thời gian nhiệt độ hơn 35 độ C kéo dài từ 11 đến 17 giờ. Ngoài ra, ban đêm trời nhiều mây, khả năng phát xạ mặt đất giảm, lượng nhiệt được giữ lại ở lớp sát mặt đất nhiều hơn.

Cơ quan khí tượng tiếp tục cảnh báo, do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió tây nam gây hiệu ứng phơn nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Nguy cơ cao xảy ra cháy rừng ở khu vực Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Theo bản tin cập nhật xu thế thời tiết dài hạn (từ tháng 8/2022 tới tháng 1/2023) của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ không gay gắt và kéo dài như năm 2021. Trong tháng 8/2022 khả năng xuất hiện nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày hơn 37 độ C với xác suất 70-80%. Tây Nguyên và Nam Bộ nhiệt độ tháng 7-9 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm 0,5 độ C.

Trong khi đó, đợt sóng nhiệt cực đoan tại châu Âu được dự báo có thể kéo dài tới ngày 30/7/2022 với nhiệt độ khí tượng cực đại dao động từ 39-41 độ C do sự tương tác giữa áp suất cao ngẫu nhiên và lốc xoáy Alex (bức xạ mặt trời cao của mùa hè khắc nghiệt, và một khối không khí đến từ Bắc Phi). Dự báo đợt sóng nhiệt này ít có khả năng ảnh hưởng tới châu Á, nhưng việc hình thành sóng nhiệt ngẫu nhiên do áp suất khí quyển cao là hoàn toàn có thể xảy ra với nước ta trong các năm có El Nino. Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và giảm rủi ro thiên tai, các số liệu khí quyển và khí tượng cho thấy khả năng cao (95%) sẽ có một năm nắng nóng và hạn hán kỷ lục chưa từng thấy vào giai đoạn 2023-2025, đòi hỏi cần chuẩn bị cho kịch bản có nhiều hạn hán hơn trong thập niên tới đây.

Các giải pháp ngắn hạn và bền vững

Những năm gần đây, việc chuyển pha giữa các hiện tượng El Nino (gây thời tiết hạn hán) và La Nina (gây nhiều mưa bão) trở nên đột ngột hơn và các pha trung tính (ENSO) ngắn nên cứ hết hạn hán thì chuyển qua mưa bão và lụt, khí hậu biến đổi. Thời tiết không còn hiền hòa, phá vỡ các quy luật.

Đối diện với nắng nóng cực đoan có thể sẽ xảy ra khi El Nino quay lại, theo các chuyên gia, việc chống nắng, chống nóng cần nhiều giải pháp cụ thể. Ưu tiên trước mắt, theo TS Nguyễn Ngọc Huy đề xuất, mô hình nhà tránh nắng nóng là cần thiết để tạm thời làm nơi tránh trú nắng nóng cho người dân trong các tình huống khẩn cấp. Theo ông, các tình huống khẩn cấp có thể có, như: Nắng nóng kết hợp hạn hán và đẩy tình trạng thiếu nước uống đến khủng hoảng. Trạm tránh nắng sẽ là nơi cấp nước tạm thời. Nắng nóng thường đi kèm với việc quá tải về nhu cầu sử dụng điện và dẫn đến phải cắt điện luân phiên. Nếu trong điều kiện nắng nóng gay gắt đến 45 độ C và nhiệt độ môi trường cao hơn 50 độ C thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều gia đình không có máy điều hòa, hoặc thành phố mất điện thì có thể đến các trạm tránh nắng trú qua đợt khủng hoảng. Trạm tránh nắng nên có máy phát điện và nước uống. Ngay cả khi không bị mất điện thì không phải tất cả người dân ở thành phố đều có điều hòa. Những lúc nhiệt độ vượt ngưỡng chịu đựng của cơ thể thì cần đến điểm tránh trú tạm thời. "Việc thiết lập và xây dựng phải có kế hoạch và thông qua nhiều bước phê duyệt. Chúng ta lập kế hoạch và có nguồn kinh phí, cơ sở vật chất từ bây giờ để tránh bị động về sau. Nên tận dụng các nhà thi đấu thể thao, trường học làm các nơi tránh trú tạm thời. Muốn vậy cần có đàm phán với trường học và nhà quản lý từ bây giờ", TS Nguyễn Ngọc Huy nêu quan điểm.

Về lâu dài, theo kiến trúc sư Nguyễn Trần Đức Anh, giải pháp quy hoạch đô thị hiện đại trong những điều kiện có thể phải tối ưu hóa hướng cho công trình. Với những cụm công trình hay tổ hợp công trình phải thiết kế tổng mặt bằng hợp lý, ưu tiên hướng tốt cho những công trình chủ đạo, công trình có yêu cầu chống nóng cao hơn như nơi sinh hoạt, làm việc. Về giải pháp môi trường, yếu tố sinh thái cần được thiết lập vị trí quan trọng hơn trong quy hoạch. Cây xanh, mặt nước luôn là những yếu tố không thể thiếu, song hành cùng công trình kiến trúc, là những nhân tố hữu hiệu cho việc chống nóng ở quy mô tổng thể, có phạm vi ảnh hưởng lớn. Chính vì vậy chúng ta cần cụ thể hóa bằng cách tăng cường trồng cây xanh, hưởng ứng mạnh mẽ chương trình 1 tỷ cây xanh.

Và để hạn chế nhiệt độ không gia tăng quá ngưỡng 1,5 độ C vào năm 2030, theo giới chuyên gia, đòi hỏi chúng ta phải giảm lượng phát thải khí nhà kính bằng nhiều cách khác nhau. Trong đó biện pháp khả thi nhất là ngưng sử dụng nguồn nguyên liệu carbon hóa thạch, bởi trong quá trình khai thác và sử dụng để sản xuất, nguồn nguyên liệu hóa thạch này có khả năng phát thải ra rất nhiều khí thải độc hại gián tiếp gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu.

Ứng phó hiệu quả và bền vững còn là nên lựa chọn những giải pháp dựa vào thiên nhiên, nâng cao sức chống chịu của con người. Sức chống chịu có thể được hiểu là những thích ứng cá nhân dựa trên sự hiểu biết về các rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra. Dựa vào đó có thể lập các kế hoạch thích ứng và nâng cao ngưỡng chống chịu.