Quá trình nghiên cứu, sản xuất nhang sinh học từ lá quao nước của cô giáo Ngô Song Đào, sinh năm 1971 (giáo viên dạy môn Sinh học, Trường Tiểu học-Trung học cơ sở Phước Hiệp, xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) trải qua hơn 5 năm để đạt sản phẩm  OCOP hạng 4 sao. Từ đó, đã tạo việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi ở địa phương.

Từ dự án khởi nghiệp
đến sản phẩm OCOP hạng 4 sao

Suốt nhiều năm dạy môn sinh học, hướng dẫn học sinh nghiên cứu, cô giáo Đào luôn trăn trở việc người dân sử dụng loại nhang truyền thống làm từ mùn cưa, hóa chất gây hại cho sức khỏe. Năm 2013, cô bắt đầu nghiên cứu loại nhang sinh học từ cây quao nước mọc quanh vườn nhà, bờ mương. Cô Đào kể lại: “Hồi nhỏ mình thấy người dân hay dùng lá quao nước chà lên da để không bị con bù mắt, muỗi đốt nên bắt đầu nghiên cứu loại lá này để làm nhang xua muỗi. Tuy nhiên, lá quao không có tinh dầu nên khó cháy, tôi phải nghiên cứu dùng hai loại thuốc bắc, thảo dược để phối trộn nhằm có tinh dầu, mùi thơm. Sau hơn 3 năm nghiên cứu với hơn chục lần thất bại phải thay đổi công thức tôi mới thành công để thực hiện dự án khởi nghiệp”. Năm 2017, dự án khởi nghiệp này dự thi cấp quốc gia và đoạt giải khuyến khích.

Cô giáo Ngô Song Đào với sản phẩm nhang sinh học là sản phẩm OCOP hạng 4 sao.

Cô giáo Ngô Song Đào với sản phẩm nhang sinh học là sản phẩm OCOP hạng 4 sao.

Từ thành công ban đầu, cô giáo Đào mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Sản phẩm Thiên Phúc để sản xuất sản phẩm lấy tên: nhang sinh học Thiên Phúc và đăng ký độc quyền sáng chế. Mẫu sản phẩm cũng gửi lên Trung tâm dịch vụ phân tích xét nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh kiểm nghiệm và được xác định là an toàn.

Nhân công phơi nhang tại cơ sở của cô Đào.

Nhân công phơi nhang tại cơ sở của cô Đào.

Tuy nhiên, để được thành công thì gặp không ít khó khăn, thất bại tưởng chừng không thể vượt qua. Từ một cô giáo chỉ quen với công việc giảng dạy, giờ công Đào phải học mọi thứ từ vận hành máy móc, phối trộn nguyên liệu, đóng gói thành phẩm, kiến thức thị trường, tiếp thị…

Cô Đào kể lại: “Nếu không nhờ sự giúp sức của phòng Hạ tầng-Kinh tế huyện Mỏ Cày Nam rồi Trung tâm xúc tiến đầu tư thì không thể có sản phẩm nhang sinh học đạt chuẩn 4 sao như ngày hôm nay. Tất cả mọi thứ liên quan đến chất lượng sản phẩm, bao bì, đóng gói, máy móc thiết bị đều nhờ cơ quan chức năng giúp đỡ. Trong đó, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp tỉnh Bến Tre kết nối với nguồn vốn từ Dự án AMD (Dự án phát triển đa dạng sinh kế và thích ứng biến đổi khí hậu) nên cơ sở dự án được hỗ trợ trên 500 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng, máy móc phát triển sản xuất”.

Từ nguyên liệu là quao nước tại địa phương được cô giáo Đào nghiên cứu để làm ra nhang sinh học.

Từ nguyên liệu là quao nước tại địa phương được cô giáo Đào nghiên cứu để làm ra nhang sinh học.

Sản phẩm làm ra được thị trường chấp nhận, tiêu thụ tại Hà Hội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh xung quanh. Thế nhưng dịch Covid-19 bùng phát suốt hơn 1 năm từ 2020 đến 2021 khiến việc sản xuất, kinh doanh của cơ sở gần như đình trệ. Khi dịch bệnh được kiểm soát, mọi thứ trở lại bình thườnng thì cô giáo Đào gần như phải làm lại từ đầu để sản xuất trở lại rồi tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Nhang sinh học Thiên Phúc được Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre cấp giấy chứng nhận là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) đạt hạng 4 sao.

 Thay đổi cuộc sống
của phụ nữ nghèo ở nông thôn

Việc sản xuất nhang sinh học không chỉ thay đổi cuộc sống của cô giáo vùng sâu này mà còn của rất nhiều phụ nữ nghèo ở nông thôn. Điều đặc biệt tại cơ sở của cô Đào chỉ có 1 lao động nam và có tới 8 lao động nữ, chủ yếu là người lớn tuổi tại  địa phương. Ngoài ra, còn khoảng 10 hộ dân ở xung quanh cũng có thêm thu nhập từ nghề đi hái lá quao về phơi khô bán cho sơ sở để làm nguyên liệu sản xuất nhang sinh học.

Bà Nguyễn Thị Đôi, 75 tuổi (ngụ ấp 5, xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) thu hoạch lá quao để phơi phô bán cho cô Đào làm nguyên liệu sản xuất nhang sinh học.

Bà Nguyễn Thị Đôi, 75 tuổi (ngụ ấp 5, xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) thu hoạch lá quao để phơi phô bán cho cô Đào làm nguyên liệu sản xuất nhang sinh học.

Gần 5 năm  cơ sở sản xuất nhang của cô Đào hoạt động cùng là ngần ấy năm bà Nguyễn Thị Đôi (75 tuổi, ngụ ấp 5, xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) có thêm thu nhập nhờ bàn lá quao khô. Trước đây, cây quao nước mọc tự nhiên khắp các bờ kênh, liếp dừa tại huyện Mỏ Cày Nam. Người dân xem đây là cây hoang dại, chủ yếu giữ cho đất không bị sạt lở. Giờ đây, loại lá cây này giúp ít cho nhiều người, đặc biệt là người nghèo kiếm thêm thu nhập.

Bà Đôi cho biết: “Vợ chồng tôi trên 70 tuổi không còn làm thuê, làm mướn được nên từ khi bán lá quao khô chỗ cô Đào gia đình kiếm thêm thu nhập hơn 1 triệu đồng/tháng. Hiện tại, mấy đứa con đã lập gia đình, hai vợ chồng già chỉ trông chờ vào 5 công vườn dừa và trồng xen cây quao nước để thu hoạch lá bán. Nhờ vậy mỗi tháng đều cóthu nhập, khỏi phải nhờ con cháu lo”. Hàng ngày, bà Đôi bơi xuồng dọc các bờ kênh để hái lá quao tươi rồi đem về nhà phơi khô. Ngoài ra, ở những liếp dừa giờ đây được gia đình bà trồng thêm cây quao để thu hoạch lá đem bán.

Bà Nguyễn thị Lũy, 60 tuổi (ngụ ấp Hòa Hưng, xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) có thêm thu nhập khi làm việc tại cơ sở của cô Đào.

Bà Nguyễn thị Lũy, 60 tuổi (ngụ ấp Hòa Hưng, xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) có thêm thu nhập khi làm việc tại cơ sở của cô Đào.

Bà Nguyễn thị Lũy (60 tuổi, ngụ ấp Hòa Hưng, xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày Nam) cho biết: “Từ khi doanh nghiệp của cô Đào đi vào hoạt động tôi xin vào làm se nhang, phơi khô, đóng gói cũng có thêm thu nhập. Công việc nhẹ nhàng nên người lớn tuổi, phụ nữ đều làm được với thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng. Trước đây, gia đình khá khó khăn chủ yếu trông chờ vào mấy công vườn dừa, giờ đi làm có thêm thu nhập tuy không nhiều nhưng cũng trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình”.

Đa dạng hóa sản phẩm
để mở rộng thị trường

Với những thành tích đạt được, cô Đào vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiều bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, các ngành. Ước mơ của cô giáo vùng sâu này sẽ tiếp tục nghiên cứu nhiều sản phẩm nhang sinh học mới để giúp phụ nữ nghèo tại địa phương có việc làm ổn định.

Dự án phát triển đa dạng sinh kế và thích ứng biến đổi khí hậu hỗ trợ máy móc trên 500 triệu đồng để cô Đào phát triển sản xuất.

Dự án phát triển đa dạng sinh kế và thích ứng biến đổi khí hậu hỗ trợ máy móc trên 500 triệu đồng để cô Đào phát triển sản xuất.

Năm nay, cô Đào đang nghiên cứu sản phẩm nhang khoanh, nhang núm cùng với sản phẩm nhang cây truyền thống để phục vụ nhu cầu của thị trường. Cô Đào tâm sự: “Sản phẩm nhang của mình là sản phẩm sinh học, không hóa chất nên  khó làm. Đặc biệt đối với nhang khoanh hiện đang nghiên cứu nhưng tỷ lệ độ tắt lên đến 10% nên tiếp tục làm thí nghiệm, sử dụng giải pháp vật lý để giúp nhang cháy đều hơn. Sắp tới  khi thành công, sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, không chỉ làm giàu mà giúp tạo nhiều việc làm cho lao động ở nông thôn”.

Nhân công phơi nhang tại cơ sở của cô Đào.

Nhân công phơi nhang tại cơ sở của cô Đào.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết: “Cô giáo Song Đào là tấm gương phụ nữ tiêu biểu của tỉnh Bến Tre không chỉ hoàn thành xuất sắc trong giảng dạy mà còn tham gia chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nghèo tại địa phương. Năm 2020, cô còn vinh dự nhận giải thưởng phụ nữ Việt Nam do quỹ giải thưởng tài năng nữ Việt Nam trao tặng”.

Hiện tại, ngoài việc giảng dạy, cô giáo vùng sâu này vẫn tiếp tục mày mò, nghiên cứu để tạo nhiều sản phẩm nhang sinh học phục vụ thị trường. Sản phẩm OCOP này không chỉ giúp cô giáo Đào có thêm thu nhập, thay đổi cuộc sống của chính bản thân mà còn của nhiều phụ nữ nghèo ở nông thôn.

Item 1 of 3

Ngày xuất bản: 05/12/2022
Chỉ đạo thực hiện: HÀ QUỐC VIỆT
Nội dung: HOÀNG TRUNG
Trình bày: DIỆU THU