Sân khấu đang đứng ngoài trào lưu đổi mới

Sự chênh lệch giữa số lượng vở diễn về chủ đề lịch sử so với các vở diễn về đề tài hiện đại, đương đại là vấn đề tồn tại từ nhiều chục năm nay của sân khấu Việt. Thực trạng này phần nào khiến cho đời sống nghệ thuật trở nên nghèo nàn, quen nói chuyện xưa mà ngại đề cập chuyện nay. Có cách nào để khắc phục?
0:00 / 0:00
0:00
Một cảnh trong vở Kiều-một kiếp đoạn trường (Nhà hát kịch Hà Nội công diễn tháng 8/2022). Ảnh: LINH CẦM
Một cảnh trong vở Kiều-một kiếp đoạn trường (Nhà hát kịch Hà Nội công diễn tháng 8/2022). Ảnh: LINH CẦM

"Trốn" trong đề tài lịch sử

Tại Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019, trong số 26 vở diễn tham dự, chỉ có tám vở mang chủ đề hiện đại, chiếm một phần ba. Tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021, trong 18 vở diễn tham dự, chỉ có năm vở đề cập những câu chuyện của ngày hôm nay, nhưng đều tập trung đề tài chống tham nhũng (!).

Đề tài lịch sử, dã sử vốn là sở trường của các loại hình sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương… và dù là đề tài lịch sử hay hiện đại, để viết một kịch bản hay đều rất khó. Tuy nhiên, số lượng quá lớn các vở diễn lịch sử, dã sử được dàn dựng lại đặt ra cho sân khấu ngày nay những vấn đề cần bàn luận. Đáng nói là với sân khấu kịch, một loại hình có thế mạnh đề cập các vấn đề xã hội và con người trong cuộc sống hiện thời song cũng đang "trốn" trong lịch sử, dã sử.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Trắc tỏ ra tiếc nuối trước thực trạng nhiều năm qua, nghệ thuật sân khấu gần như đứng ngoài trào lưu đổi mới và nghiêng về sáng tạo theo khuynh hướng hoài cổ. Nghĩa là, các tác phẩm thường mang đề tài lịch sử, dã sử, huyền thoại với mục tiêu ăn khách, thu hồi vốn nhanh, chi phí ít mà xa rời cuộc sống đương thời, bỏ quên nhân vật trung tâm của hiện thực cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế.

Cùng đồng tình với nhận xét này của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Trắc, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cho rằng, nhiều tác phẩm hiện nay chưa đi vào những vấn đề lớn, cấp thiết của đời sống hiện đại, chỉ chạy theo những câu chuyện nhỏ nhặt, tầm thường, thiên về tính giải trí, hạ thấp chức năng giáo dục của nghệ thuật nên chưa đạt hiệu quả.

Những bất cập cần tháo gỡ

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do đội ngũ sáng tác kịch bản, những người tạo nên linh hồn của vở diễn, đã tỏ ra lười biếng trong suy nghĩ.

So với viết kịch hiện đại, dựng kịch bản lịch sử dễ hơn rất nhiều bởi đã có sẵn tích truyện, tuyến nhân vật, tác giả chỉ cần biến hóa, cho thêm lời thoại... là thành một kịch bản. Còn viết kịch hiện đại là bắt đầu từ con số 0, nhiều khi viết không khéo lại "đụng chạm" và khó đưa lên sàn diễn. Chưa kể, do áp dụng khung chi phí chung cho thù lao viết kịch bản nên viết kịch hiện đại tuy khó mà nhuận bút lại chỉ ngang ngửa với kịch bản lịch sử, dã sử. Đây là một bất cập của sân khấu Việt Nam cần được khắc phục sớm mới mong thúc đẩy đội ngũ sáng tạo dấn thân vào đề tài hiện đại.

Bên cạnh đó, một lý do chủ đạo khác khiến cho sân khấu chưa dám bước ra ngoài vòng an toàn của chủ đề kịch mục là các nhà hát cũng có nhu cầu dựng vở "mượn xưa nói nay". Chuyện đã xảy ra, được ghi thành sách, có khung, có đáp số sẽ dễ dàng được hội đồng nghệ thuật thẩm định, còn những vở đề cập tới vấn đề cuộc sống hôm nay nhiều khi "đúng-sai" chưa rõ. Trong khi, công chúng có nhu cầu thưởng thức các vở diễn phản ánh không khí của ngày hôm nay và mang tính dự báo tương lai, sân khấu lại chưa đáp ứng được.

Theo Nghệ sĩ Nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, cần phải thay đổi tư duy làm sân khấu mà trước hết là tư duy về những vấn đề liên quan kịch bản sân khấu. Cần chọn lọc và thẩm định được những người viết trẻ có khả năng để đầu tư, bồi dưỡng, nếu có điều kiện thì gửi đi học nước ngoài để họ trở thành những nhà viết kịch tài năng. Mỗi nhà hát, đoàn nghệ thuật nên chú trọng tìm kiếm và đầu tư cho một số tác giả kịch bản phù hợp quan điểm, hướng đi của mình.

Để có chất liệu sống trong sáng tác kịch bản hiện đại, theo Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ, cơ quan chức năng và các tác giả cần tăng cường tổ chức đi thực tế cơ sở, bám sát đời sống thực tiễn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của khán giả để sáng tác kịch bản có chất lượng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân. Đồng thời, chế độ trả nhuận bút cũng cần công bằng hơn với các tác giả sân khấu. Có như thế mới thúc đẩy các cây bút trẻ dấn thân vào các đề tài gai góc của cuộc sống.

Từ góc độ quản lý, Nghệ sĩ Nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, cho rằng, khi tiếp cận và dàn dựng những kịch bản có đề tài hiện đại, ban lãnh đạo của các đơn vị nghệ thuật cần có một cái nhìn rộng và bao quát về cuộc sống hiện đại, mạnh dạn sử dụng và xử lý một cách tinh tế, linh hoạt trên sân khấu biểu diễn. Như thế mới tạo cơ hội được cho các kịch bản có đề tài hiện đại xuất hiện nhiều hơn trên sàn diễn, tạo động lực cho đội ngũ sáng tác tích cực và chuyên tâm đầu tư thời gian, chất xám cho các kịch bản mang hơi thở cuộc sống đương đại.