Sách Trắng Quốc phòng hay Sách màu Abe

NDO -

NDĐT-Khác với những tuyên bố của Trung Quốc trong Sách Trắng Quốc phòng công bố ngày 17-4-2013, hay của Nga khi Tổng thống Putin đưa ra trong buổi tiếp các học viên tốt nghiệp Học viện và Đại học Quân sự ngày 26-6, ngay sau khi chính phủ Nhật Bản công bố hôm 9-7, Sách Trắng Quốc phòng nước này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Onoder và cuốn Sách Trắng Quốc phòng 2013 (góc trái)
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Onoder và cuốn Sách Trắng Quốc phòng 2013 (góc trái)

Điều này thật bất ngờ, bởi rõ ràng, trong so sánh với các cường quốc khác, với khả năng hiện có, Nhật Bản khó có thể tạo ra đột biến trong khu vực.

Hơn nữa, nếu có tham vọng như vậy, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe vẫn bị ràng buộc bởi cam kết “là quốc gia hòa bình” ghi trong Điều 9, Hiến pháp cũng như những quy định trong Hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ.

Có thể là do cách nhìn nhận môi trường an ninh của chính quyền Abe được truyền tải trong Sách Trắng Quốc phòng 2013 không có những câu từ “êm tai” nên đã tạo ra phản ứng mạnh mẽ tại Đông- Bắc Á, trước hết là từ phía Trung Quốc và Hàn Quốc.

Chính phủ Shinzo Abe đã không hề né tránh những vấn đề bị coi là khá “nhạy cảm” trong bối cảnh khu vực vẫn hết sức căng thẳng bởi những gì xảy ra trên bán đảo Triều Tiên cũng như trên biển Hoa Đông suốt mấy tháng qua. Và chính những phản ứng của một số nước trong khu vực đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại Sách trắng quốc phòng của Nhật Bản, có thể là khởi nguồn cho những cơn bão mới trong quan hệ giữa Nhật Bản với các nước trong khu vực.

Trên thực tế, sự quan ngại này hoàn toàn có cơ sở.

Trước hết, quan hệ Nhật – Trung đã xấu đi rất nhiều kể từ năm 2010 đến nay không chỉ bởi đơn thuần vì những tranh chấp trên biển Hoa Đông (quần đảo Senkaku/Điếu Ngư) mà còn vì Nhật Bản đã mất vị trí cường quốc kinh tế số 2 thế giới vào tay Trung Quốc. Việc chính quyền Abe công khai trong Sách Trắng coi Trung Quốc “là một trong những nguy cơ hàng đầu” và cần có những biện pháp đáp trả kiên quyết, chẳng khác gì “đổ thêm dầu vào lửa”.

Ngay khi Sách Trắng Quốc phòng của Nhật Bản được công bố, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh lên tiếng mạnh mẽ: “Nhật Bản gần đây đã phóng đại mối đe dọa từ Trung Quốc, gây căng thẳng và đối đầu. Cộng đồng quốc tế lo ngại liệu Nhật Bản sẽ đi tới đâu. Bắc Kinh sẽ xem xét lại chính sách đối với Nhật cũng như có biện pháp điều chỉnh chính sách quốc phòng theo ý đồ của Tokyo”.

Phản ứng của Trung Quốc cho thấy, nguy cơ căng thẳng trong quan hệ Nhật – Trung sẽ tiếp tục, thậm chí có khả năng leo thang. Hệ quả rõ ràng đầu tiên sau khi hai cuốn Sách Trắng Quốc phòng của Trung Quốc và Nhật Bản được công bố là việc tăng cường binh bị của hai cường quốc.

Những rạn nứt trong quan hệ Nhật – Hàn đã có từ thời Tổng thống Lee Myung-bak, đặc biệt là sau chuyến thăm đảo Dokdo (người Nhật gọi là Takeshima) hồi tháng 8-2012 của ông này. Cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên đầu năm 2013 đã phần nào xoa dịu những tranh chấp do cả hai nước cùng phải đối mặt với chính sách cứng rắn của chính quyền Triều Tiên. Chính vì thế mà việc trong Sách Trắng chính quyền Abe tái khẳng định chủ quyền đối với quần đảo đang tranh chấp Takeshima/Dokdo thực sự lại “hâm nóng” những mâu thuẫn có sẵn.

Ngay lập tức, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Đại tá Wi Yong-seop cảnh báo: “Nếu Nhật Bản không rút lại đòi hỏi chủ quyền đối với đảo Dokdo, hai nước khó có thể giao lưu quân sự hay hợp tác quốc phòng”.

Tất nhiên, do hai bên còn có nhiều lợi ích lớn hơn ràng buộc nên quan hệ Nhật – Hàn sẽ khó có khả năng xấu đi như quan hệ Nhật – Trung, nhưng dù sao Sách Trắng cũng đã tạo điều kiện cho những mầm mống xung đột tái sinh.

Việc chính phủ Nhật Bản chỉ rõ chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là một nguy cơ đe dọa đến an ninh khu vực cũng khiến cho Bình Nhưỡng không thể ngồi yên. Chính phủ Triều Tiên khẳng định sẽ đáp trả xứng đáng nếu Tokyo có ý can thiệp sâu vào tình hình bán đảo Triều Tiên, đồng thời mang lại mối nguy cho nước này, đại diện Bộ Quốc phòng Triều Tiên cho biết, “chúng tôi sẽ coi họ như nước Mỹ nếu những động thái gây hấn không chấm dứt thông qua Sách trắng Quốc phòng của nước này”.

Nhìn chung, Sách Trắng Quốc phòng của Nhật Bản đúng là đang tạo ra một làn sóng mới tại Đông - Bắc Á thể hiện qua phản ứng gay gắt của một số nước trong khu vực.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch trình hoạt động của ông Abe từ lúc ra tranh cử lần hai cho đến thời điểm hiện tại, có lẽ điều khiến Sách Trắng Quốc phòng 2013 thu hút được sự quan tâm không hoàn toàn nằm ở những nội dung có tính chất động chạm tới một số nước láng giềng.

Bởi lẽ, những câu chuyện đại loại như liên quan tới tranh chấp lãnh thổ hay các mối quan hệ căng thẳng của Nhật Bản với một số nước trong khu vực đã không còn mới, có chăng chỉ là được công khai tái khẳng định và được thể hiện bằng những ngôn từ mạnh mẽ hơn trong Sách trắng mà thôi. Hơn nữa, dường như các bên liên quan đều thấu hiểu việc đụng binh trong thời điểm khó khăn kinh tế như hiện tại sẽ khó có được kết quả khả quan.

Khi nắm quyền, Thủ tướng Shizo Abe đặt trọng tâm vào mục tiêu chấn hưng kinh tế vì chính sự trì trệ kéo dài hơn hai thập kỷ là nguyên nhân khiến ông trong nhiệm kỳ đầu năm 2007 và những người tiền nhiệm phải rời bỏ chính trường. Chính vì thế, Thủ tướng Abe đang phải đặt cược toàn bộ uy tín chính trị của mình vào chương trình cải cách kinh tế, còn gọi là Abenomic. Nhưng rõ ràng, sự thành công của chương trình Abenomic phụ thuộc vào việc người Nhật có được một môi trường hòa bình hay không. Hơn thế, việc phải tăng chi tiêu quốc phòng cũng sẽ trở thành gánh nặng đối với chương trình chấn hưng đất nước. Như vậy, nếu nhìn dưới góc độ này, rõ ràng Sách trắng quốc phòng 2013 bất cập đối với chương trình Abenomic cả về nội dung lẫn thời điểm công bố.

Để lý giải sự bất cập này, có lẽ cần viện dẫn tới tư tưởng chủ đạo mà ông Abe theo đuổi trong suốt sự nghiệp chính trị của mình – Đưa nước Nhật trở lại trạng thái bình thường.

Những thành công về kinh tế mà người Nhật đạt được trong thời kỳ Chiến tranh lạnh đã không được tận dụng hoặc chưa đủ khả năng giúp nước Nhật trở lại bình thường. Có lẽ do quan niệm, chính tình trạng bất bình thường này đã dẫn tới sự trì trệ của Nhật Bản trong hơn 20 năm qua, nên ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên ông Abe đã cố gắng tìm biện pháp khôi phục lại nguyên trạng cho nước Nhật. Dấu ấn rõ nhất ông để lại trong thời gian chưa đầy một năm làm Thủ tướng hồi năm 2007 là việc Bộ quốc phòng Nhật được tái lập năm 2007. Việc đắc cử lần này dường như lại càng tạo điều kiện để ông Abe tái thực hiện khát vọng này. Những khó khăn về kinh tế, đặc biệt là việc Nhật Bản mất vị trí cường quốc kinh tế thứ hai thế giới lại được cộng hưởng bởi những mối nguy cơ an ninh trong khu vực, chính là những lý do không thể hợp lý hơn để ông Abe thuyết phục Quốc hội chấp nhận tăng ngân sách quốc phòng.

Đương nhiên, khi lực lượng vũ trang Nhật Bản có trong tay những vũ khí hiện đại, tất yếu chức năng, quyền hạn vốn đang bị Hiến pháp hạn chế cũng cần phải thay đổi tương xứng. Khi nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tăng cường hơn nữa hợp tác quân sự với Mỹ, Sách trắng cũng mở đường cho khả năng hợp tác nghiên cứu sản xuất cũng như xuất khẩu vũ khí, điều mà Hiến pháp đang cấm.

Như vậy, việc công bố Sách Trắng Quốc phòng 2013 càng chứng tỏ, ông Abe luôn tận dụng từng cơ hội, dù là nhỏ hay lớn, để hướng tới cái đích “trở lại bình thường cho nước Nhật”.

Và nếu đúng như vậy thì Sách Trắng Quốc phòng 2013 nên phải gọi là Sách màu Abe.