Mỗi dân tộc, quốc gia trên thế giới đều có truyền thống đón năm mới khác nhau tùy theo văn hóa, tín ngưỡng, nhưng tất cả đều chung mong muốn bỏ lại những điều không may ra đi cùng năm cũ, để đón những phấn khởi và may mắn đến trong năm mới cũng như cầu chúc sức khỏe, hạnh phúc, bình an cho tất cả mọi người. Nhân dịp xuân mới, hãy cùng Báo Nhân Dân đến đất nước Cuba xa xôi để khám phá cuộc sống bình dị, tươi vui và nồng nhiệt của con người trên hòn đảo tự do vùng Caribe, cũng như sắc màu năm mới độc đáo của người dân nơi đây.
 

bên kia bán cầu, quốc đảo Cuba là nơi tiếp thu và hòa nhập của nhiều nền văn hóa trên thế giới, cũng vì thế, đón năm mới ở đất nước anh em có nhiều nét khác biệt, mang đặc trưng riêng của văn hóa Mỹ Latinh đa dạng, nhiều màu sắc.

Sự du nhập về văn hoá, tín ngưỡng từ châu Âu và châu Phi có sức ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Cuba. Công giáo được đưa tới bởi người Tây Ban Nha hồi đầu thế kỷ XVI và hiện là tôn giáo lớn nhất ở đây. Hiện có đến 70% người dân Cuba theo Công giáo Roma hoặc Tin lành. Một số ít còn lại theo đạo Yoruba - một tôn giáo có nguồn gốc từ châu Phi nhưng lại được pha trộn thêm một chút của đạo Thiên chúa.

Vì vậy, mọi hoạt động ở Cuba đều theo lịch Thiên chúa, họ cũng tổ chức lễ Giáng sinh và đón năm mới vào đêm giao thừa 31/12 dương lịch hằng năm.

KHÔNG KHÍ ĐÓN NĂM MỚI

Kỳ nghỉ lễ ở Cuba bắt đầu từ ngày 22-23/12, kéo dài đến hết quốc khánh (1/1), nhưng sự chuẩn bị cho 2 tuần lễ quan trọng nhất trong năm của người dân Cuba bắt đầu từ rất sớm, thậm chí từ một tháng trước đó. 

Những hàng người xếp hàng trước các siêu thị dường như dài hơn trong những ngày này, bởi ai cũng muốn sắm đồ ăn, thức uống đầy đủ cho những ngày lễ cuối năm. Các bà nội trợ cũng tất tả đặt sẵn thịt lợn quay hay gà tây để không phải lo lắng cho bữa cơm truyền thống dịp cuối năm. Bất kể hoàn cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng người dân Cuba vẫn luôn cố gắng dành sự chuẩn bị chu đáo nhất cho gia đình mình trong những ngày cuối năm. Nhiều người còn phải vay tiền để có được mâm cơm đủ đầy trong những ngày này. Vì, với nhiều gia đình, đây là khoảng thời gian hiếm hoi mà cả nhà có thể quây quần bên bàn ăn.

Càng gần các ngày lễ, thì các khu phố càng trở nên tươi sáng và rộn ràng hơn. Đó là niềm hân hoan được đón người con đi làm xa trở về nhà, là tiếng trẻ em nô đùa trên phố, là tiếng nói cười vang vọng ở những bàn domino từ trong nhà ra tới ngoài đường, và tất nhiên không thể thiếu âm nhạc. Nếu như thường ngày âm thanh bị hạn chế để tránh ảnh hưởng tới hàng xóm chung quanh, thì giờ đây tiếng nhạc có thể vang lên khắp các ngõ ngách, nẻo đường của bất kỳ khu phố nào, thay cho lời mời của gia chủ đến tất cả mọi người cùng đến tham gia những vũ điệu sôi động đón chào Giáng sinh và năm mới.

Những người đàn ông Cuba vui vẻ bên bàn domino những ngày cuối năm.

Những người đàn ông Cuba vui vẻ bên bàn domino những ngày cuối năm.

Khoảng thời gian này cũng là lúc tất cả quên đi những bất hòa, để lại tiến đến gần nhau bên những giai điệu lôi cuốn, để cùng thưởng thức vị ngọt của rượu Rhum, vị giòn tan của món da heo chiên và quên đi hết sầu lo của năm cũ.

Khi nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ, tủ lạnh chứa đầy đồ ăn là lúc tất cả nghỉ ngơi và thư giãn, đợi chờ thời khắc trao cho nhau cái ôm ấm nồng cùng những lời chúc tốt đẹp nhất.

NHỮNG PHONG TỤC
ĐÓN NĂM MỚI ĐỘC ĐÁO

Quốc đảo xinh đẹp ở vùng Caribe luôn được biết đến với những bãi biển tuyệt đẹp, không khí dễ chịu, người dân thân thiện và một nền văn hóa đa dạng, đặc sắc, giao thoa của văn hóa châu Mỹ, châu Âu và châu Phi.

Sự đa dạng đó cũng mang đến rất nhiều phong tục độc đáo trong dịp năm mới. Nếu như vào đêm giao thừa người Việt Nam cúng gia tiên với mâm cỗ đủ đầy, đi hái lộc và ra chùa rút thẻ cầu may, thì ở bên kia quả địa cầu người Cuba lại mong ước điều may mắn bằng việc đốt hình nộm “năm cũ”, ăn 12 quả nho hay cất tiền vào túi, ví hoặc nhét đồng xu dưới lót giày cầu mong một năm mới sung túc. Một số người cũng thực hiện nghi thức xách vali đi dạo khắp khu phố với hy vọng có điều kiện để đi du lịch đó đây.

Đổ nước qua cửa sổ


Cũng như nhiều nước ở khu vực Mỹ Latinh, người Cuba coi nước là chất xúc tác mạnh mẽ cho sự thay đổi và đổi mới. Bởi vậy, "El Cubazo", tức là đổ xô nước qua cửa sổ là 1 phong tục không thể thiếu vào thời điểm cuối năm.

Tục lệ cổ cho rằng hắt nước là cách tốt nhất để xua đi vận rủi, mở ra “một con đường sáng sủa” trong năm mới. Vì vậy, ngày cuối năm và đêm giao thừa, nước được đổ ào ào qua các ô cửa sổ để lấy may mắn.

Đốt hình nộm “năm cũ”


Tại nhiều tỉnh, thành phố trên quốc đảo Caribe, tục đốt hình nộm được người dân duy trì hằng trăm năm nay như 1 truyền thống không thể thiếu vào đêm giao thừa. Trong tiếng Tây Ban Nha, phong tục này có tên là “Año viejo” - nghĩa là “Năm cũ”. Tục này bắt nguồn từ Ecuador và Colombia, sau đó lan rộng ra hầu hết các nước Mỹ Latinh từ Mexico cho tới Uruguay.

Vài tuần trước ngày 31/12, nhiều gia đình bắt đầu chuẩn bị các nguyên vật liệu cần thiết để làm hình nộm, đó là một bó vải vụn, quần áo cũ, miếng xốp hình người, rơm và các vật liệu dễ cháy… Sau đó họ đặt các hình nộm trước cổng và sẽ đem đốt vào đêm giao thừa. Thời điểm hình nộm bốc cháy cũng là lúc mọi thứ cũ kỹ, không may mắn và tiêu cực cũng đi theo ngọn lửa cháy rực.

Những hình nộm có kích thước khác nhau phỏng theo các sự kiện, nhân vật, từ chính trị gia, cầu thủ bóng đá, các nhân vật hoạt hình cho đến các ngôi sao điện ảnh… thường mang sắc thái tiêu cực đã diễn ra trong năm cũ. 

Phong tục này thường đi kèm với các "viudas”-“góa phụ", những người đàn ông sẽ đóng vai các “góa phụ” của những nhân vật hình nộm, trang điểm lòe loẹt, đội tóc giả, và nhảy múa trên đường để xin tiền làm lễ tang cho các “ông chồng” bị đốt kia.

Ở nhiều nơi, sau khi đốt, người ta đọc “di chúc” của "người quá cố", kể lại những sự việc tiêu cực đã diễn ra trong năm cũ với lời lẽ và giọng điệu châm biếm, mỉa mai, và đưa ra lời khuyên, răn dạy cho các nhân vật chính trong từng câu chuyện.

Vào thời khắc chuyển giao, mọi người tham dự lễ đốt “Ngài năm cũ” cũng thực hiện các nghi lễ khác như đốt pháo hoa, ăn mười hai quả nho tương ứng với 12 tiếng chuông đêm giao thừa, tiệc tùng năm mới.

Ăn cơm đỗ đen vào đêm giao thừa


Tuy mỗi gia đình sẽ có cách riêng để đón chào năm mới, nhưng một bữa ăn cuối năm với món thịt lợn quay, cơm đỗ đen (el congrí), salad, chuối chiên ròn, sắn luộc ăn với nước sốt mojo và món tráng miệng, bánh buñuelo, là một nghi thức không thể thiếu. Một mâm cơm thịnh soạn, giàu dinh dưỡng và ngon miệng không chỉ là phần thưởng cho những cố gắng, nỗ lực của cả gia đình sau 1 năm, mà cũng để tiếp năng lượng đầy đủ cho toàn thể các thành viên tham gia các hoạt động đón năm mới sôi nổi sau đó.

Và trên mâm cơm sum vầy ấy, luôn luôn có sự hiện diện của bát cơm đỗ đen (el congrí). Người Cuba quan niệm ăn cơm đậu đen vào đêm giao thừa sẽ mang lại sự sung túc, sức khỏe và tài lộc trong năm mới.

Xách vali đi dạo khắp khu phố


Đa số người Cuba đều rất muốn đi du lịch nước ngoài. Để ước mơ đó thành hiện thực trong năm mới, sau thời khắc chuyển giao giữa năm cũ năm mới, họ sẽ kéo vali ra ngoài đường như đi du lịch thật. Nhiều khi họ còn đi thành từng đoàn, có người phía trước mở đường cầm chiêng trống gõ tưng bừng, theo sau là một hàng người xách vali cứ thế dạo khắp phố, cười nói tưng bừng, tràn đầy hứng khởi.

Cho dù phổ biến hay ít được biết đến, tất cả các nghi lễ này đều chung đích đến là hướng tới một năm mới may mắn, thịnh vượng và an lành, mỗi người đều mang theo những ước cầu của riêng mình, từ sức khỏe, tiền bạc, tới tình yêu và hôn nhân. Bên cạnh đó, cũng có người thực hiện các phong tục chỉ đơn giản là để hòa mình vào không khí rộn ràng của năm mới và tận hưởng niềm vui bên những người thân.

TẾT TA TRONG MẮT NGƯỜI CUBA

Những phong tục đón năm mới ở Cuba dường như thực sự khác biệt so với Tết Nguyên đán của người Việt hay nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Mông Cổ… Là một người may mắn được trải nghiệm không khí năm mới ở hai quốc gia cách nhau nửa vòng trái đất, Yohan đã chia sẻ với Báo Nhân Dân thêm về phong tục đón năm mới ở Cuba cũng như cảm nhận của mình về Tết ở Việt Nam.

Theo Yohan, tại Cuba, trong những cận kề năm mới, cả nhà sẽ cùng giúp nhau chuẩn bị những món ăn truyền thống như cơm đỗ đen (congrí), thịt lợn quay và salad. Tùy vào điều kiện của từng gia đình, người dân Cuba có thể tổ chức riêng hoặc tổ chức chung trong họ hàng, để những ai còn gặp nhiều khó khăn cũng có thể trải nghiệm những giây phút ấm no trong năm mới. Đây là thời gian của âm nhạc, của rượu Rhum, của các bước nhảy salsa và cả bàn domino ngay trên đường phố, trước mỗi cửa nhà trong khu phố.

Tiếng trẻ con chơi đùa, tiếng ồn ào của âm nhạc và thậm chí là tiếng tranh cãi “kịch liệt” là những âm thanh đặc biệt trước năm mới ở Cuba. Tranh cãi có thể xuất phát từ bàn domino, từ môn bóng chày yêu thích của người Cuba hay bất cứ vấn đề gì trong cuộc sống, bởi đây chính là cách mà nhiều người thể hiện để giải tỏa áp lực trước khi đón chào năm mới.

Trong đêm giao thừa, các gia đình sẽ chuẩn bị đốt quần áo cũ và đổ nước ra ngoài đường. Đây đều là những phong tục truyền thống ở Cuba, với mong muốn xua đi vận rủi và đón chào may mắn. Việc đốt quần áo cũ là để “làm sạch” mỗi con người, còn việc lau dọn và đổ nước ra trước nhà là để mang đến không khí tích cực cho ngôi nhà của mình. Một số gia đình cũng có truyền thống ăn 12 quả nho với mong muốn có thêm nhiều may mắn trong năm mới. Và cả gia đình, từ ông bà cho đến các cháu sẽ cùng thức đến 12 giờ đêm để cùng đếm ngược và gửi lời chúc mừng năm mới sớm nhất tới những người thân yêu nhất của mình.

Trong suốt khoảng thời gian sinh sống ở Cuba, Yohan không cảm nhận có nhiều thay đổi trong phong tục đón Tết của người Cuba. Những năm gần đây, Cuba đã có những đổi thay tích cực hơn, với sự phổ cập rộng rãi của điện thoại thông minh và mạng internet, nhưng cuộc sống của đa phần những người xung quanh vẫn vậy, vẫn có những thời điểm khó khăn và cần nhiều nỗ lực để vượt qua. Vì vậy, khoảng thời gian Giáng sinh và năm mới là dịp để người dân quên đi những khó khăn vất vả của cuộc sống, trở về bên gia đình và cùng nhau chia sẻ những bữa cơm đầm ấm cũng như một quãng thời gian vui vẻ bên nhau, để cùng thức và đón chào khoảnh khắc giao thừa bên cạnh những người thân thương nhất.

Cũng như người Việt, cuối năm là khoảng thời gian sum họp của mỗi gia đình Cuba.

Cũng như người Việt, cuối năm là khoảng thời gian sum họp của mỗi gia đình Cuba.

Với Yohan, năm mới là được thức dậy bên người thân, giúp đỡ mẹ chuẩn bị các món ăn đoàn viên, những giây phút nói chuyện phiếm trước cửa nhà, hay đơn giản chỉ là cùng thưởng thức một bộ phim nào đó chính là những kỷ niệm đáng trân trọng nhất của anh ở Cuba.


Y0han chia sẻ, khi mới sang Việt Nam cách đây 4 năm, anh rất may mắn khi bạn anh, Tú và gia đình cậu ấy, luôn coi anh như người trong nhà. Do đó, Yohan cũng vẫn được trải nghiệm năm mới ở Việt Nam mà không thấy cô đơn lạc lõng. Người Việt Nam cũng đón năm mới bên người thân, để cùng ăn uống và chia sẻ. Do vậy, anh rất nhanh thích nghi với trải nghiệm ngày Tết tại mảnh đất hình chữ S. Bên cạnh đó, có một số khác biệt trong cách ăn mừng năm mới của người Việt đã mang đến cho Yohan rất nhiều bất ngờ và cũng là những trải nghiệm thú vị.

Trước hết là món ăn. Yohan rất ngạc nhiên và vẫn luôn tự hỏi, tại sao người Việt cần nhiều gà luộc tới vậy trong ngày Tết. “Chỉ sau 1 đêm mà sáng hôm sau bạn phải đối mặt với 3 chú gà”, Yohan vui vẻ chia sẻ. Ở Cuba chỉ có món gà rán, gà nướng hoặc nấu cùng nước sốt, do đó, món gà luộc cũng trở thành một trải nghiệm khó khăn với Yohan trong quãng thời gian đầu, trước khi món ăn này trở thành một món ăn quen thuộc và không thể thiếu trong dịp năm mới của anh.

Nhưng Yohan hoàn toàn bị chinh phục bởi bánh chưng Việt Nam. Mặc dù, người Cuba có thói quen ăn cơm hạt rời, nhưng món bánh chưng dẻo thơm vẫn khiến Yohan thích thú, nhất là khi được ăn món bánh chưng rán, một trong những món yêu thích nhất của Yohan bây giờ.

Mâm cơm ngày Tết của người Việt.

Mâm cơm ngày Tết của người Việt.

Theo anh điểm khác biệt có thể thấy trong năm mới giữa thói quen của người Việt Nam và người Cuba đó là: người Cuba thường chỉ ở nhà bên gia đình trong dịp năm mới, thì các bạn Việt Nam thường dành thời gian đi thăm bạn bè, họ hàng, tặng lì xì cho trẻ em hay đi đền chùa dịp Tết để cầu may. Đó cũng là những hoạt động thú vị và rất đáng nhớ mà những người bạn Việt Nam đã giúp Yohan sớm trải nghiệm khi đặt chân đến Việt Nam. 

Yohan cũng cho biết, ước nguyện của anh giờ đây chỉ đơn giản là mong cuộc sống sớm bình thường trở lại, để phố phường lại nhộn nhịp trong mỗi dịp lễ hội, đặc biệt là Tết. Chỉ có như vậy, anh mới có thể thực hiện được ước mơ vẫn ấp ủ lâu nay, đưa gia đình của mình ở Cuba sang Việt Nam chơi, để có thể có những trải nghiệm thú vị như lần đầu tiên Yohan đặt chân đến mảnh đất hiếu khách nơi đây.

Người dân La Habana đón giao thừa.

Người dân La Habana đón giao thừa.

Vào những ngày cuối năm, người dân Cuba làm hình nộm từ quần áo cũ, sau đó họ đặt các "Ngài năm cũ" trước cổng và đem đốt vào đêm giao thừa.

Vào những ngày cuối năm, người dân Cuba làm hình nộm từ quần áo cũ, sau đó họ đặt các "Ngài năm cũ" trước cổng và đem đốt vào đêm giao thừa.

Giống như người Tây Ban Nha, người dân Cuba cũng ăn nho vào thời khắc giao thừa.

Giống như người Tây Ban Nha, người dân Cuba cũng ăn nho vào thời khắc giao thừa.

Thịt lợn quay, cơm đỗ đen, salad, chuối chiên ròn, sắn luộc ăn với nước sốt mojo và món tráng miệng, bánh buñuelo là những món quen thuộc trên mâm cơm đoàn viên của người Cuba.

Thịt lợn quay, cơm đỗ đen, salad, chuối chiên ròn, sắn luộc ăn với nước sốt mojo và món tráng miệng, bánh buñuelo là những món quen thuộc trên mâm cơm đoàn viên của người Cuba.

Item 1 of 4

Người dân La Habana đón giao thừa.

Người dân La Habana đón giao thừa.

Vào những ngày cuối năm, người dân Cuba làm hình nộm từ quần áo cũ, sau đó họ đặt các "Ngài năm cũ" trước cổng và đem đốt vào đêm giao thừa.

Vào những ngày cuối năm, người dân Cuba làm hình nộm từ quần áo cũ, sau đó họ đặt các "Ngài năm cũ" trước cổng và đem đốt vào đêm giao thừa.

Giống như người Tây Ban Nha, người dân Cuba cũng ăn nho vào thời khắc giao thừa.

Giống như người Tây Ban Nha, người dân Cuba cũng ăn nho vào thời khắc giao thừa.

Thịt lợn quay, cơm đỗ đen, salad, chuối chiên ròn, sắn luộc ăn với nước sốt mojo và món tráng miệng, bánh buñuelo là những món quen thuộc trên mâm cơm đoàn viên của người Cuba.

Thịt lợn quay, cơm đỗ đen, salad, chuối chiên ròn, sắn luộc ăn với nước sốt mojo và món tráng miệng, bánh buñuelo là những món quen thuộc trên mâm cơm đoàn viên của người Cuba.

Dù là người Cuba hay Việt Nam thì kỳ nghỉ đón năm mới luôn là khoảng thời gian được mong chờ nhất, đó là những giây phút đoàn viên quây quần của mỗi gia đình sau 1 năm làm việc, lao động vất vả, bỏ lại những khó khăn của năm cũ, cùng hướng tới những điều tốt đẹp, may mắn và an lành trong năm mới. Thế giới muôn sắc muôn màu, mỗi dân tộc mỗi truyền thống, phong tục nhưng những giá trị tinh thần cõi lõi, những ước cầu về cuộc sống hạnh phúc, bình an chắc chắn luôn luôn là mục tiêu hướng tới của bất cứ ai.       

Cùng đón chào xuân mới với niềm tin vững chắc về năm 2022 no ấm, đoàn viên và hạnh phúc đến với tất cả mọi người trên khắp thế gian!


Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Thực hiện: PHƯƠNG NAM, NGỌC BÍCH
Nguồn, ảnh: Reuters, El País, Telesur