Sáng 16-4, chúng tôi cùng tham dự buổi làm việc giữa lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Yên Châu với Đảng ủy, UBND xã Tú Nang nhằm phối hợp tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất đang diễn ra phức tạp thời gian gần đây; đồng thời, tiến hành xử lý hành chính đối với chín hộ dân bản Tin Tốc phá rừng đang gây bức xúc trong dư luận.
Theo báo cáo số 19/BCUBND ngày 3-4-2014 của UBND xã Tú Nang thì trong quý I, tại địa bàn xã đã xảy ra chín vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, khai thác gỗ và phá rừng làm nương. Trên thực tế, số vụ vi phạm còn lớn hơn, bởi hầu hết các vụ khai thác gỗ trái phép thường không bắt được quả tang. Mới đây nhất, vụ phá rừng làm nương khu vực giáp ranh hai bản Tô Buông của xã Lóng Luông với bản Tin Tốc của xã Tú Nang phá ba đám nương, diện tích lên tới 18.840 m 2 . Đáng chú ý, khi lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, lập biên bản thì ngay hôm sau các đối tượng lại tiếp tục phá rừng...
Tú Nang có hai tuyến đường quốc lộ 6 và tỉnh lộ 103 đi qua, bị chia cắt bởi con suối Vạt. Xã có diện tích tự nhiên 97.050 ha, dân số hơn tám nghìn người, gồm ba dân tộc: Thái, Khơ Mú, Kinh sinh sống ở 23 bản và hai khu, cụm dân cư. Đây là xã có diện tích lớn thứ hai ở huyện Yên Châu, với diện tích rừng còn khá lớn, cho nên thường xảy ra tình trạng khai thác gỗ trái phép và phá rừng làm nương. Tình trạng phá rừng ở khu Lũng Trâu và khu vực giáp ranh xã Lóng Luông diễn ra từ nhiều năm nay chưa giảm, tính chất và mức độ ngày càng phức tạp. Năm 2012 trên địa bàn xã xảy ra 60 vụ, năm 2013 xảy ra 49 vụ và gần đây nhất, khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 có chín hộ dân bản Tin Tốc phá rừng khoanh nuôi bảo vệ để lấy đất sản xuất. Theo hồ sơ xử lý hành chính của Hạt Kiểm lâm Yên Châu, hộ ít cũng đã chặt phá vài trăm m 2 , hộ nhiều chặt phá hơn 1.000 m 2 , với tổng diện tích 7.551 m 2 rừng bị phá. Trong đó, hộ ông Vì Văn Hồng, vi phạm 1.220 m2 rừng, bị xử phạt 15,8 triệu đồng; hộ ông Lò Văn Mộc, vi phạm 1.444 m 2 , bị xử phạt 17,4 triệu đồng; hộ Lường Văn Thạnh, vi phạm 780 m 2 , bị xử phạt 8,9 triệu đồng,... Nhưng điều đáng quan tâm, quyết định xử phạt cứ đưa ra còn chuyện người dân vi phạm chấp hành đến đâu thì lại không được kiểm tra, giám sát làm cho hiệu quả thực thi pháp luật chưa cao. Từ trước đến nay các quyết định xử phạt hành chính ở xã chỉ thu được từ 15 đến 20% số tiền nộp phạt. Hầu hết các hộ vi phạm đều không thực hiện, không nộp tiền. Hộ dân nào nộp tiền phạt thì cho rằng, diện tích rừng bị phá đã được "mua" rồi, cứ thế canh tác. Vì thế, tình trạng phá rừng ở đây diễn ra phức tạp, diện tích rừng đang dần bị thu hẹp.
Tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng nêu trên, có ý kiến lý giải, cách đây 20 năm khi mới tiến hành giao đất, giao rừng, dân số Tú Nang chưa đến 5.000 người, nay tăng lên hơn 8.200 người, thiếu đất sản xuất dẫn đến việc người dân phá rừng làm nương. Ý kiến khác lại cho rằng, việc xử lý pháp luật về quản lý bảo vệ rừng chưa nghiêm, cùng với các điều khoản ghi trong hướng dẫn thực hiện Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11-11-2013 của Chính phủ không còn quy định mức phạt đối với chủ rừng. Điều này vô tình bỏ qua trách nhiệm của chủ rừng trong quản lý bảo vệ rừng. Về việc này, ông Lò Văn Nhé, Chủ tịch UBND xã Tú Nang thừa nhận: Việc phát hiện các vụ việc phá rừng đều do người dân báo, chứ chưa có vụ nào bí thư chi bộ, trưởng bản báo cho xã. Rừng đã được giao cho hộ, cộng đồng bản, nhưng khi xảy ra phá rừng làm nương chủ rừng là bản gần như đứng ngoài cuộc, chỉ trông vào xã và huyện. Điều đáng nói là tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng ở địa phương này vẫn được nhận đầy đủ.
Trên địa bàn xã Tú Nang đang có hiện tượng cấp ủy, chính quyền bản "ngại" người dân. Vì lý do thân tộc, họ hàng hoặc sợ bị trả thù cho nên ban quản lý bản, tổ quản lý bảo vệ rừng bản được thành lập, nhưng không làm hết trách nhiệm, thường làm ngơ để dân phá rừng. Thực tế ở Tú Nang đã có nơi trâu bò của trưởng bản bị chém, hoa màu bị phá do ông này làm "mạnh tay". Đây là điều đáng suy nghĩ, có thể là điểm nút quan trọng trong việc kiến nghị điều chỉnh cơ chế chính sách, phân cấp quản lý bảo vệ rừng cho phù hợp.
Trong vụ việc rừng ở Tú Nang bị phá, ngoài những lý do nêu trên, theo chúng tôi cần làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân. Báo cáo số 19/BCUBND ngày 3-4-2014 của UBND xã Tú Nang, có đoạn: "Các cơ quan chức năng chưa thấy động đậy giải quyết kịp thời cho nên càng có thời gian tạo đà cho các đối tượng vi phạm phát dọn. Đối với UBND xã thì vượt quá thẩm quyền giải quyết". Ở đây xã đang trông chờ vào các cơ quan chức năng ở huyện và đùn đẩy trách nhiệm!
ông Hoàng Văn Đao, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Yên Châu, thì cho rằng: Cứ ở đâu phá rừng lại quy trách nhiệm cho kiểm lâm là nhận thức chưa đầy đủ. Ở Tú Nang địa bàn rộng, bố trí một kiểm lâm viên, nhưng phải phụ trách địa bàn ở 23 bản, hai cụm dân cư. Một kiểm lâm viên không thể trực tiếp đi giữ rừng cho cả xã, mà việc đó phải do người dân và chủ rừng. Quay lại hỏi trách nhiệm của ông trưởng bản Tin Tốc: - Hằng năm có nhận được tiền bảo vệ rừng không? - Có. Hỏi tiếp, thế ai phá rừng trưởng bản biết không? - Không biết!
Đó đang là thực trạng công tác quản lý bảo vệ rừng ở Tú Nang, huyện Yên Châu. Trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng đang bị đùn đẩy. Công tác phối hợp, tổ chức lực lượng tuyên truyền, nhắc nhở, thậm chí trấn áp tại địa bàn làm chưa tốt là nguyên nhân một số đối tượng người dân đang lấn tới phá rừng làm nương. Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng phá rừng ở Tú Nang, UBND huyện Yên Châu cần vào cuộc tìm hiểu rõ nguyên nhân, xác định lại thái độ, trách nhiệm của từng cấp, ngành. Đặc biệt, cần tiến hành họp dân, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền bản, gắn với trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể trong quản lý bảo vệ rừng. Đồng thời, tiến hành xử lý nghiêm đối với các đối tượng vi phạm. Được biết, tại huyện Yên Châu đã diễn ra nhiều vụ án lưu động xét xử phá rừng, nhưng tất cả các đối tượng đều được xử án treo, cho nên chưa có tác dụng răn đe.
Hiện, người dân đang chờ sự quyết liệt vào cuộc của chính quyền, chờ đợi một sự chuyển biến thật sự trong công tác quản lý bảo vệ rừng.