Quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Nhằm tiếp tục cuộc chiến không khoan nhượng với nạn tham nhũng, tiêu cực, mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến về đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực.

Cụ thể, Bộ Chính trị thống nhất tên gọi là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc bổ sung từ “tiêu cực” lần này nhằm bao quát được đầy đủ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo. Thời gian qua, công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mặc dù đã được lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, có chuyển biến rõ nét, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, thậm chí có lúc, có nơi tình trạng này còn diễn biến phức tạp.

Thực tiễn đã cho chúng ta những bài học xương máu, rằng không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong một số cuộc họp gần đây, đồng chí Tổng Bí thư đã nhiều lần nhắc đến việc phải gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực. Bởi, “tiêu cực” nguy hiểm nhất chính là suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống rồi dẫn đến tham nhũng. Đó mới là cái gốc, cái cơ bản mà chúng ta cần phải chống quyết liệt hơn. Lợi ích kinh tế thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống.

Xác định công tác nội chính trong giai đoạn mới là vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự quyết liệt, đồng bộ từ cao xuống thấp, nhất là ở các địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (ngày 15/9), một lần nữa khẳng định, các cơ quan nội chính phải thật sự là những “thanh bảo kiếm sắc bén” và “lá chắn vững chắc” để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự kỷ cương của xã hội.

Muốn thế, không được lý thuyết, giáo điều, phải xác định rất cụ thể, rõ đối tượng chỉ đạo phòng, chống tiêu cực là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mà trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị, để bảo đảm tính toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo phòng, chống tiêu cực. Mục tiêu đã rõ ràng, để làm tốt sứ mệnh cao cả ấy, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ trong ngành nội chính phải thật sự liêm khiết, chính trực, chí công vô tư, kiên quyết nói không với tham nhũng, tiêu cực, tránh xa “cái bả vinh hoa” như người xưa vẫn thường nhắc nhở.

Việc Bộ Chính trị quyết định sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không ngừng, không nghỉ, với mục đích cao nhất làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi và sự tin tưởng của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng.

Tất nhiên, nhiệm vụ ấy không chỉ của riêng cán bộ các cơ quan nội chính, các đảng viên, mà là nhiệm vụ của toàn dân, toàn quân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn từ hơn 69 năm trước: “Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”. Nhiệm vụ của toàn dân tức là của mỗi công dân, cụ thể là nhiệm vụ giám sát, dám dũng cảm lên tiếng bênh vực lẽ phải, bảo vệ pháp luật, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...