Quyết liệt xử lý “ô nhiễm” tiếng ồn

“Ô nhiễm” tiếng ồn, nhất là tiếng ồn từ loa kéo quảng cáo và hát karaoke tại nhà là vấn đề tồn tại từ nhiều năm nay tại TP Hồ Chí Minh, gây ảnh hưởng lớn đến bộ mặt đô thị cũng như chất lượng cuộc sống. Nhằm giải quyết tình trạng này, thành phố đã thành lập nhiều kênh thông tin để người dân trình báo đến các cơ quan chức năng khi phát hiện việc vi phạm, với mục tiêu đến cuối năm 2021 thành phố không còn tình trạng “ô nhiễm” tiếng ồn.

Hát karaoke bằng loa kéo Bluetooth gây tiếng ồn sẽ bị xử phạt nặng.
Hát karaoke bằng loa kéo Bluetooth gây tiếng ồn sẽ bị xử phạt nặng.

Tiếng ồn là một tác nhân gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức. Nghiên cứu cho thấy, với một người bình thường, cường độ âm thanh ở mức trung bình trên dưới 50 dB (decibel) nằm trong ngưỡng chấp nhận được, nhưng từ 80 dB trở lên thì có thể gây suy giảm thính giác. Những người thường xuyên tiếp xúc nhiều với tiếng ồn thì mức độ sử dụng thuốc an thần cao hơn người bình thường. Dễ nhận thấy nhất là tiếng ồn ảnh hưởng đến tâm lý, gây bức xúc cho người khác. Từ sự bức xúc đó có thể dẫn đến cự cãi, thậm chí xô xát và dễ gây ra án mạng. Về lâu dài, tiếng ồn ảnh hưởng đến các bệnh về tâm thần, tim mạch, tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, nhất là đối với những người lớn tuổi.

Tại phiên họp về công tác tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn thành phố vào ngày 26-4 vừa qua, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, kể từ khi đưa vào vận hành, từ ngày 10-3 đến ngày 19-4, cổng thông tin 1022 (https://1022.tphcm.gov.vn) của thành phố đã tiếp nhận 1.061 tin phản ánh liên quan tiếng ồn, đã xử lý 764 tin, số còn lại đang xem xét. Ngoài cổng thông tin 1022, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cũng có bộ phận tiếp nhận phản ánh vi phạm tiếng ồn trên địa bàn và triển khai xử lý.

Theo Sở TN&MT, từ sau ngày 30-6, các trường hợp gây tiếng ồn sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 155/2016 của Chính phủ, với mức xử phạt từ 1 - 160 triệu đồng. Theo kế hoạch, TP Hồ Chí Minh sẽ chia đợt xử lý vi phạm tiếng ồn làm hai khoảng thời gian. Trong thời gian từ ngày 25-3 đến 30-6, toàn địa bàn sẽ tập trung công tác tuyên truyền, vận động cam kết, kiểm tra, nhắc nhở và hoàn thiện các quy định pháp luật để phổ biến đến người dân. Việc cao điểm thực hiện, xử lý nghiêm các vi phạm sẽ bắt đầu từ ngày 30-6. Trong giai đoạn này, chính quyền các cấp cùng sở, ngành sẽ thành lập các tổ công tác liên ngành nhằm xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất theo lĩnh vực phụ trách, trong đó tập trung kiểm tra và xử lý hành chính nghiêm khắc những hành vi cố tình vi phạm về tiếng ồn theo các Nghị định liên quan.

Theo Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh, “ô nhiễm” tiếng ồn trên địa bàn phát sinh từ nhiều nguồn, trong đó được chia thành bốn nguồn chính, bao gồm:

- Từ hoạt động dịch vụ karaoke, các điểm vui chơi, dịch vụ có quy mô lớn như vũ trường, quán bar, nhà hàng…

- Từ quán nhậu vỉa hè mở nhạc, hát loa di động công suất lớn, cường độ âm thanh lớn.

- Từ các hộ gia đình có trang bị dàn âm thanh, loa, karaoke, máy phát nhạc, chiếu phim; hộ gia đình thuê dàn nhạc để ca hát hoặc các sinh hoạt văn hóa gia đình như tiệc cưới, lễ tang, sinh nhật và các dạng sinh hoạt đám mừng, liên hoan khác…

- Các loại hình buôn bán có sử dụng loa phát quảng cáo (siêu thị, chợ, tiệm photocopy, các điểm quảng cáo…), địa điểm sinh hoạt công cộng (công viên, nhà thờ, chùa…).