Quyết liệt triển khai các giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm

Trong tháng 10, công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam các chỉ số đều tăng, với những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, vẫn còn "khoảng cách" không nhỏ để toàn ngành có thể hoàn thành nhiệm vụ năm 2022 trong bối cảnh có không ít những khó khăn, vướng mắc...
0:00 / 0:00
0:00
Truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện tới người lao động tự do tại tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh Trung tâm)
Truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện tới người lao động tự do tại tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh Trung tâm)

Theo đó, để đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2022, toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần phải phát triển hơn hai triệu người tham gia (trong đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc hơn một triệu người, bảo hiểm xã hội tự nguyện hơn 900 nghìn người); bảo hiểm thất nghiệp cũng cần tiếp tục phát triển hơn 1,1 triệu người và bảo hiểm y tế là hơn ba triệu người. Trong thời gian hơn một tháng cuối năm, đây là áp lực không nhỏ đối với Bảo hiểm xã hội các địa phương trong cuộc đua về đích.

Nỗ lực trong phát triển đối tượng

Tại cuộc họp bàn giải pháp thực hiện chỉ tiêu phát triển người tham gia và thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2022, Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Văn Hào cho biết, về cơ bản số người tham gia tại các tỉnh, thành phố đang có được đà phát triển tương đối tốt. Cụ thể, tính đến hết tháng 10, cả nước có khoảng 17,17 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng hơn 90.230 người so với tháng trước; dự kiến trong hai tháng cuối năm 2022 sẽ tăng thêm khoảng 287 nghìn người.

Về bảo hiểm y tế, cả nước hiện có hơn 87 triệu người tham gia, tăng 2,72 triệu người so cùng kỳ năm trước. Trong thời gian còn lại của năm 2022, nếu tích cực đôn đốc với nhóm học sinh-sinh viên, hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, hộ gia đình… sẽ đạt khoảng 92% số dân tham gia bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, toàn ngành đạt khoảng 81,5% kế hoạch thu được Chính phủ giao; dự kiến sẽ đạt chỉ tiêu thu năm 2022 và tỷ lệ nợ đang cố gắng giảm ở mức thấp nhất.

Thời gian qua, các giải pháp phát triển người tham gia và tăng thu đã và đang được Bảo hiểm xã hội các địa phương quyết liệt triển khai, qua đó đạt được hiệu quả nhất định. Như, thông qua việc rà soát dữ liệu từ cơ quan thuế, hiện đạt khoảng 84% yêu cầu, đã có tác động tích cực đến việc gia tăng số người tham gia. Theo Trưởng ban Dương Văn Hào, với thời gian còn lại của năm 2022, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần tiếp tục tập trung phát triển mạnh hơn nữa đối tượng tham gia bảo hiểm y tế với nhóm học sinh, sinh viên; tham mưu để huy động ngân sách địa phương, hoặc từ các nhà tài trợ để hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các địa phương; nâng cao hoạt động của các tổ chức dịch vụ thu; tăng cường hiệu quả của các tổ đôn đốc thu nợ, với sự tham gia của đại diện ngành Lao động-Thương binh và xã hội, Công an...

Về công tác truyền thông, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Truyền thông cho biết, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đang đẩy mạnh thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong các tháng cuối năm 2022. "Thời gian tới, theo đề xuất của Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ, Trung tâm Truyền thông sẽ hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tiếp tục truyền thông, chú trọng các nội dung liên quan đến nhóm đối tượng quan trọng ở thời điểm hiện nay như: bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên, hộ nông-lâm-ngư-diêm nghiệp…", bà Hương thông tin.

Tăng cường các giải pháp

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu nhận định, theo tiến độ hiện nay, dự báo toàn ngành cơ bản sẽ đạt các nhóm chỉ tiêu quan trọng. Tuy nhiên, tình hình phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội có thể sẽ gặp khó khăn nhiều hơn tại phía nam, nhất là các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông Nam Bộ.

Theo lĩnh vực, nhóm người lao động ngành dịch vụ, khách sạn, du lịch cũng chưa tăng được nhiều… Đây là những khó khăn cần nhận diện, để theo sát tình hình và chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp phù hợp, kịp thời.

Với công tác phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu các địa phương chú trọng triển khai hiệu quả Quy chế hoạt động của tổ chức dịch vụ thu theo Quyết định số 1155/QĐ-BHXH. Bên cạnh đó, Trung tâm Công nghệ thông tin cần nghiên cứu để tăng cường hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình phối hợp, kết nối dữ liệu, thực hiện các thủ tục giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và tổ chức dịch vụ thu.

"Cần quản lý sâu sát hơn, chuẩn hóa thông tin ở từng nhóm đối tượng; rõ thông tin về người lao động dừng tham gia bảo hiểm y tế tại các đơn vị sử dụng lao động, nhóm sinh viên mới ra trường. Tương tự, với các nhóm tham gia khác, cũng cần xây dựng nguồn dữ liệu chi tiết, tạo cơ sở để tổ chức dịch vụ thu vận động duy trì tham gia, cũng như tuyên truyền để tăng số tham gia mới", Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu lưu ý.

Đối với các ý kiến của các đơn vị chuyên môn, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, bên cạnh các yếu tố lạc quan, cũng còn nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển người tham gia và thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong bối cảnh đó, toàn ngành cần tiếp tục quyết liệt triển khai các giải pháp đôn đốc phát triển người tham gia và thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hướng tới mục tiêu tăng toàn diện diện bao phủ ở các nhóm, nhất là với bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Tổng Giám đốc cũng yêu cầu, Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ tham mưu để lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo ngay các giải pháp cụ thể hơn, yêu cầu triển khai thực hiện sâu tới Bảo hiểm xã hội cấp huyện. Trung tâm Truyền thông tăng cường hướng dẫn truyền thông; đi sâu tới từng địa bàn dân cư, thôn, bản, phải tác động trực tiếp tới từng người dân thuộc diện tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình, bảo hiểm xã hội tự nguyện".

Đồng thời, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương phát động phong trào, kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ tặng thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân. Các đơn vị phối hợp xây dựng kế hoạch, nguồn kinh phí để bảo đảm triển khai ngay trong tuần sau tại Trung ương; đồng thời truyền thông rộng rãi, lan tỏa phong trào đến 63 tỉnh, thành phố.