Quyết liệt ngăn chặn những kẻ trục lợi

Thuốc điều trị Covid-19 made in Việt Nam. Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Thuốc điều trị Covid-19 made in Việt Nam. Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, thời gian gần đây, nhiều cá nhân đã rao bán các mặt hàng thuốc điều trị Covid-19 "xách tay" từ Nga, Trung Quốc về Việt Nam như Arbidol thành phần là Umifenovir, Areplivir thành phần là Favipiravir. Các thuốc này được quảng cáo có khả năng phòng chống lây nhiễm và điều trị hiệu quả Covid-19. Các loại thuốc này không rõ nguồn gốc xuất xứ, tác dụng không rõ ràng, với cam kết bằng miệng của người bán và được rao bán trực tiếp trên các hội nhóm, trang cá nhân trên mạng xã hội như: Facebook, Zalo… nhưng lại có không ít người dân lùng sục tìm mua với số tiền bỏ ra không hề nhỏ.

Trước thực trạng này, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tự ý tìm mua và dùng thuốc trị Covid-19 theo thông tin truyền tai. Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng, không mang lại lợi ích gì hơn so với không dùng thuốc, mà còn tiềm tàng nhiều nguy cơ tác dụng bất lợi với sức khỏe người dùng, thậm chí có thể làm trầm trọng tình trạng bệnh. Theo ghi nhận thực tế, tỷ lệ bệnh tự khỏi của chủng Omicron trên người đã được tiêm chủng là rất cao.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ nhiều lô hàng chứa kit test và thuốc điều trị Covid-19 được nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam. Trong đó, một số thuốc nghi vấn là hàng kém chất lượng, chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại thị trường Việt Nam.

Không chỉ các loại thuốc điều trị, giá của mặt hàng kit test nhanh SARS-CoV-2 liên tục "nhảy múa", thậm chí nhiều nơi có tình trạng khan hiếm hàng… Trên thị trường xuất hiện nhiều loại kit test nhanh khác nhau, và dù xuất xứ từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Mỹ... thì giá đều tăng cao hơn nhiều so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Một trong những nguyên nhân khiến giá kit xét nghiệm tăng cao đó là có người quá lo lắng, sốt ruột, mua cùng lúc nhiều kit xét nghiệm nhanh về để tự test liên tục. Việc này cũng đã được các chuyên gia y tế khuyến cáo là không cần thiết và gây lãng phí bởi sau khi tiếp xúc với nguồn lây phải có thời gian nhất định để virus nhân lên, xét nghiệm ngay không có giá trị.

Sau vụ bê bối bán kit xét nghiệm của Công ty Việt Á mà một số người đã bị bắt, vẫn còn những kẻ đang lợi dụng dịch bệnh để nâng giá, trục lợi, lũng đoạn thị trường. Số ca F0 đang tăng đột biến, trước những lo lắng cho sự an toàn của gia đình, khó ai có thể từ chối mua mặt hàng này dù biết rõ đang bị làm giá, bị bắt chẹt. Dù đã có nhiều động thái, nhưng thực tế tại nhiều địa phương thời gian gần đây cho thấy, cơ quan chức năng có phần lúng túng trong việc kiểm soát diễn biến thị trường các mặt hàng chống dịch.

Do đó, cần tăng cường hơn nữa trong công tác kiểm tra, giám sát, quản lý giá để tránh các hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Nếu không có những biện pháp quyết liệt, thì các mặt hàng y tế thiết yếu khác như oxy lỏng, máy trợ thở, thuốc điều trị... cũng khó tránh khỏi tình trạng hỗn loạn như đang diễn ra với các loại thuốc điều trị, gây thiệt hại cho người dân và khiến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trở nên khó khăn hơn.