Công tác phòng, chống tham nhũng

Quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản

Với tinh thần: "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào", công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đi vào chiều sâu, tạo hiệu ứng tích cực và thật sự đã trở thành xu thế, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022. Ảnh: Đăng Khoa
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022. Ảnh: Đăng Khoa

Những con số "biết nói"

Báo cáo trước Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, bằng những số liệu cụ thể, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã nêu rõ những kết quả nổi bật, đồng thời cũng chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022. Cụ thể:

Về việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng: Cơ quan điều tra đã thụ lý 687 vụ án, 1.439 bị can; đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố 336 vụ/765 bị can. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã thụ lý giải quyết 506 vụ/1.332 bị can; đã giải quyết 426 vụ/1.084 bị can. Tòa án nhân dân các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 577 vụ /1.399 bị cáo; đã giải quyết 533 vụ /1.272 bị cáo; trong đó đã xét xử 410 vụ/945 bị cáo. Công tác thi hành án đã thi hành xong 1.895 việc (tăng 290% so năm 2021).

Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng: Các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra tại 14.425 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, đã phát hiện, chấn chỉnh, xử lý đối với 111 cơ quan, tổ chức, đơn vị có vi phạm.

Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục được kiện toàn tổ chức, bộ máy, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nhất là các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Trong đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) thuộc Bộ Công an đã tăng cường công tác phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế; đã thụ lý điều tra 11 vụ/46 bị can. Tài sản thu hồi trong các vụ án thụ lý hơn 924 tỷ đồng, khoảng 20.000 cổ phiếu, kê biên 10 bất động sản (trị giá hơn 100 tỷ đồng). Kết luận điều tra 07 vụ/28 bị can. Đang điều tra 04 vụ/18 bị can.

Về công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng: Toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.844 cuộc thanh tra hành chính và 195.326 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Về phòng, chống tham nhũng tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai 25 đoàn thanh, kiểm tra định kỳ và 40 đoàn kiểm tra đột xuất về hoạt động chào bán, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ, chào mua công khai, việc thực hiện nghĩa vụ của công ty đại chúng, tổ chức niêm yết,... việc tuân thủ quy định Luật Chứng khoán đối với các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Điển hình là việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan; khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Qua đó, góp phần phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định: Năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng cũng đã được Tổng Thanh tra Chính phủ nhận diện như: Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế-xã hội trên một số lĩnh vực vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có chuyển biến rõ nét. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong một số vụ án, vụ việc cụ thể chưa tốt...

Từng bước hoàn thiện thể chế

Tập trung phân tích vấn đề liên quan tham nhũng vặt, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) cho rằng: Hình thức của tham nhũng vặt rất đa dạng và ngày càng tinh vi. Đáng sợ, việc này ngày càng trở nên phổ biến.

Nhấn mạnh: "Tình trạng tham nhũng vặt với vòi bạch tuộc vừa nhiều vòi, vừa đeo đẳng, bám chặt gây bức xúc lớn cho nhân dân, cho doanh nghiệp, đã làm chùn bước các nhà đầu tư, đã làm cho các hoạt động của xã hội bị chậm lại…", đại biểu Nguyễn Anh Trí kiến nghị Đảng, Nhà nước cần tập trung hơn nữa việc chống tham nhũng vặt, chống tiêu cực trong xã hội.

Còn đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) kiến nghị, trong thời gian tới, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai; cụ thể là tăng cường thực thi pháp luật và xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất bất hợp pháp. "Nếu chúng ta thực thi pháp luật về đất đai không nghiêm sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đất đai ngày càng tăng và ngược lại. Nếu thực thi nghiêm chỉnh các quy định pháp luật đất đai cũng như tạo ra cơ chế, chính sách phù hợp thì chắc chắn vi phạm pháp luật trong thời gian tới sẽ giảm về đất đai", đại biểu này chia sẻ.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cơ bản tán thành với những đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng năm 2022. Khẳng định tham nhũng đã được kiềm chế, thuyên giảm. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhận định: "Hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, xảy ra trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với "lợi ích nhóm" có chiều hướng gia tăng…".

Phát biểu tại hội trường, đại diện Ủy ban Tư pháp kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu trong công tác xây dựng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, quản lý thuế. Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhất là đối với các vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng… Đặc biệt, phải thiết lập bằng được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng", cơ chế phát hiện, xử lý hiệu quả để "không dám tham nhũng" và cơ chế bảo đảm, đãi ngộ hợp lý để "không cần, không muốn tham nhũng".