Quyết định quan trọng

Một loạt quyết định quan trọng đã được đưa ra ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới 2022. Trong bối cảnh các nguy cơ an ninh truyền thống, an ninh năng lượng gia tăng, những quyết định mới này giúp xoa dịu căng thẳng và tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau giữa các quốc gia.

Biểu tình phản đối vũ khí hạt nhân.
Biểu tình phản đối vũ khí hạt nhân.

1 Các cường quốc hạt nhân trên thế giới gồm Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ và Pháp, đồng thời là năm quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã ra tuyên bố chung nhất trí ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân. Trong tuyên bố lịch sử này, năm cường quốc hạt nhân của thế giới khẳng định "Không thể có quốc gia nào giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân!" và cuộc chiến này không bao giờ nên xảy ra.

Tuyên bố trên được công bố trước thềm một hội nghị của LHQ về không phổ biến vũ khí hạt nhân dự kiến diễn ra từ ngày 4-28/1 tại New York (Mỹ) nhưng đã bị hoãn do tình trạng lây lan biến thể Omicron của SARS-CoV-2. Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ hy vọng tuyên bố của năm cường quốc hạt nhân trên thế giới sẽ giúp xoa dịu căng thẳng, trong bối cảnh tình hình an ninh có nhiều biến động hiện nay. Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định tuyên bố này giúp tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau giữa các cường quốc thế giới.

Chính phủ Israel quyết định nâng cấp Cục Cảnh sát chống khủng bố thành Cục Chống khủng bố quốc gia (NCTU), nhằm nâng cao năng lực chống khủng bố tại nước này. Trong năm 2022, Israel cũng sẽ bổ sung ngân sách khoảng 3,1 triệu USD cho đơn vị trên nhằm nâng cấp cơ sở vật chất khí tài, tăng biên chế và tăng cường huấn luyện nghiệp vụ cũng như khả năng tác chiến. Ngoài ra, NCTU sẽ xây dựng kế hoạch để tiếp tục được bổ sung tài chính hoạt động cho năm sau.

Khi còn thuộc lực lượng Cảnh sát Biên giới, đơn vị trên chủ yếu đảm trách vấn đề an ninh tại các khu vực giáp Bờ Tây và Jerusalem. Với quy chế mới, đơn vị này sẽ có địa bàn hoạt động trên toàn lãnh thổ Israel.

Quyết định quan trọng -0
Khai thác dầu mỏ tại Saudi Arabia. 

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tuyên bố ưu tiên duy trì thỏa thuận với các nhà sản xuất liên minh. Tổng Thư ký sắp tới của OPEC Haitham Al-Ghais khẳng định: Một trong những ưu tiên hàng đầu của ông trong nhiệm kỳ mới là hỗ trợ hợp tác giữa OPEC và các đối tác (OPEC+). Ông Al-Ghais cho rằng, điều này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả 23 quốc gia đã tham gia ký kết thỏa thuận cũng như toàn bộ ngành công nghiệp dầu mỏ nói chung.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, liên minh OPEC+ đã giúp ổn định thị trường "vàng đen" toàn cầu kể từ năm 2017. Đáng chú ý, thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục của OPEC+ hồi tháng 4/2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh tới nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ, là nhân tố quan trọng giúp kéo giá dầu lên. OPEC+ đang cân nhắc kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong tháng 2/2022.

Các nhà mạng viễn thông AT&T và Verizon (Mỹ) đã khước từ yêu cầu của giới chức Mỹ về việc hoãn triển khai mạng 5G thêm hai tuần, để cho phép nghiên cứu nhiều hơn về khả năng mạng này gây nhiễu đối với thiết bị bảo đảm an toàn cho các chuyến bay. Việc Mỹ áp dụng công nghệ băng thông rộng di động tốc độ cao đã được ấn định vào ngày 5/12/2021, nhưng đã bị trì hoãn đến ngày 5/1/2022 sau khi có quan ngại rằng công nghệ này có thể gây nhiễu cho các thiết bị mà các máy bay sử dụng để đo độ cao.

Trong thông báo gửi AT&T và Verizon, Bộ trưởng Giao thông vận tải Mỹ Pete Buttigieg và người đứng đầu Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA), Steve Dickson đã yêu cầu những nhà mạng này trì hoãn thêm việc triển khai công nghệ trên.