Quyết định bước ngoặt

Trong bối cảnh nguy cơ bất ổn an ninh gia tăng, khủng hoảng nhân đạo, nạn đói xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, một loạt quyết định quan trọng tạo bước ngoặt đã được Chính phủ các nước đưa ra nhằm sớm "biến nguy thành an".

LHQ cảnh báo hơn 45 triệu người trên thế giới cận kề nạn đói.
LHQ cảnh báo hơn 45 triệu người trên thế giới cận kề nạn đói.

1 Mỹ và Hàn Quốc đang tích cực thảo luận khả năng đưa ra tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, đồng thời phối hợp trong một dự thảo tuyên bố về vấn đề này. Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Lee Soo-hyuck cho biết, hai nước còn thảo luận về cách thức tái khởi động đối thoại với Triều Tiên và triển vọng hợp tác nhân đạo. Mỹ và Hàn Quốc đang nỗ lực thúc đẩy mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn đình trệ kể từ hội nghị cấp cao năm 2019. Hai miền Triều Tiên, về hình thức, vẫn trong tình trạng chiến tranh, kể từ khi cuộc xung đột 1950 -1953 kết thúc với một thỏa thuận đình chiến mà chưa có một hiệp định hòa bình. Do vậy, nếu các bên thúc đẩy đưa ra tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên thì đây sẽ là bước ngoặt lớn được kỳ vọng mang tới hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Bắc Á.

2 Phát biểu tại phiên họp của Liên hợp quốc (LHQ) về nạn tham nhũng, bất bình đẳng và loại trừ ảnh hưởng đến các cuộc xung đột vũ trang, Mexico đề xuất với 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an LHQ về việc thành lập Quỹ phúc lợi chống nạn đói nghèo đang hoành hành với khoảng 750 triệu cư dân trên hành tinh sống với mức dưới 2 USD/ngày. Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador hy vọng quỹ phúc lợi trên sẽ huy động được khoảng 1.000 tỷ USD mỗi năm từ ít nhất ba nguồn thu: đóng góp tự nguyện, 4% tài sản từ những người giàu nhất thế giới và các công ty lớn nhất toàn cầu, đóng góp 0,02% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của từng quốc gia thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20).

Bên cạnh đó, Tổng thống López Obrador kêu gọi thế giới chống nạn tham nhũng, khi cho rằng đây là nguyên nhân chính của bất bình đẳng, nghèo đói, bạo lực, di cư và các xung đột xã hội nghiêm trọng. Nhà lãnh đạo Mexico cũng kêu gọi cơ chế chia sẻ vaccine ngừa Covid-19 của LHQ (COVAX) cần tạo sự bình đẳng về tiếp cận vaccine, khi hầu hết các nước giàu đã tiêm liều tăng cường cho người dân, trong khi các nước nghèo chỉ nhận được 6% trong tổng số vaccine do các công ty dược phẩm sản xuất.

3 Tuần qua, Italy và Hy Lạp đã hoàn tất thông qua thỏa thuận biên giới trên biển, sau khi nhất trí phân định Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) giữa hai nước. Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã gặp nhau tại Rome để trao đổi các văn kiện phê chuẩn thỏa thuận nói trên, mở đường cho Italy và Hy Lạp thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên biển.

Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp nêu rõ: Việc hai nước hoàn tất thông qua thỏa thuận biên giới trên biển là hành động có ý nghĩa đặc biệt, giúp giải quyết dứt điểm các bất đồng tồn tại suốt 45 năm và thể hiện mối quan hệ mẫu mực của hai nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ở cấp độ song phương. Việc trao đổi các văn kiện phê chuẩn thỏa thuận kể trên cũng thể hiện sự tôn trọng của hai nước đối với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Quyết định bước ngoặt -0
Bỉ coi hủy diệt môi trường như tội ác chống lại loài người.

4 Quốc hội Bỉ đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết yêu cầu cơ quan hành pháp thực hiện cam kết về công lý quốc tế công nhận và trừng phạt tội hủy diệt môi trường, giống như tội ác chống lại loài người. Nghị quyết kêu gọi Chính phủ Bỉ khởi xướng một hiệp ước quốc tế mới nhằm ngăn chặn chất hủy diệt môi trường, đề nghị liên kết vấn đề này với các quốc gia được coi là chủ động nhất trong lĩnh vực này như Luxembourg, Phần Lan, Tây Ban Nha hoặc Pháp - quốc gia coi việc sử dụng chất hủy diệt là tội phạm.

Theo các nhà môi trường Bỉ, việc hình sự hóa việc sử dụng chất diệt khuẩn cần được thảo luận ở cấp độ quốc tế, cần cấp bách sử dụng luật hình sự để cứu hành tinh. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Bỉ vừa qua vẫn phải được xác nhận mang tính thủ tục trong phiên họp toàn thể tại Hạ viện trong vòng hai đến ba tuần tới.