Vì thế giới cần những cái bắt tay

Vẫn còn là quá sớm và có lẽ cũng còn là quá thiếu cơ sở, để dự đoán một cách chắc chắn những xu thế địa chính trị sẽ trùm phủ lên cả năm 2022. Song, với những gì đã và đang diễn ra ở trung tuần tháng thứ hai của năm mới, những niềm hy vọng về cách thế giới hướng đến sự an lành, đầu tiên là qua ý chí chính trị cũng như nỗ lực thể hiện trách nhiệm của các cường quốc hàng đầu, vẫn đang càng lúc càng trở nên rõ ràng hơn.

Chuyến công du tới Nga của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng rất đáng chú ý.
Chuyến công du tới Nga của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng rất đáng chú ý.

CHÚNG ta có một thí dụ điển hình và dễ hình dung nhất: Cuộc khủng hoảng ngoại giao trong mối quan hệ giữa nước Nga với phương Tây. Hay nói cách khác, mối quan hệ Nga-Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn dắt.

Mối quan hệ ấy bị xem là đã "rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh" suốt những năm qua, nhưng trong tháng 1/2022, tình hình còn trở nên căng thẳng gấp bội. Thậm chí, từ ngày 19/1, Bộ trưởng Quốc phòng Anh James Heapy đã tuyên bố: "Những gì chúng ta đang đối mặt, có thể chỉ trong vài tuần nữa, là một cuộc chiến tranh quy ước đầu tiên giữa hai quân đội hàng đầu, được công nghiệp hóa, số hóa… theo những quá trình đã diễn ra trên lục địa này nhiều thế hệ qua".

Tuyên bố đó được đưa ra sau khi nước Nga triển khai 100.000 binh sĩ dọc biên giới Nga-Ukraine. Nhưng trước đó, các nước thành viên NATO đã tiến hành triển khai những đơn vị của mình tới gần khu vực ranh giới. Và trước đó nữa, từ tháng 10/2021, tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO, khi thúc đẩy các cuộc thảo luận nhằm hoàn thiện "Khái niệm Chiến lược mới", khối liên minh quân sự này đã làm rõ: "Lý do tồn tại mới của NATO là nước Nga".

Thế nhưng, khi viễn cảnh chiến tranh được nhắc đến một cách không còn kiêng dè, và song song việc Lầu Năm góc gửi thêm binh sĩ vượt Đại Tây Dương đến Đông Âu nhằm hỗ trợ các đồng minh, ngày 7/2, xu thế "đối thoại" đã một lần nữa được khẳng định.

ĐẦU tiên, theo AFP, Cao ủy phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell ngày 7/2 cảnh báo châu Âu đang đối diện với mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Song, ông cũng vẫn nhấn mạnh, rằng vẫn luôn "có thể có một giải pháp ngoại giao" cho cuộc khủng hoảng hiện tại.

Tiếp đó, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh: NATO là một liên minh phòng thủ - điều gián tiếp khẳng định rằng những lo ngại của Nga về NATO về cơ bản là không có cơ sở. Do đó, Luân Đôn muốn tiếp xúc với Moscow.

Hơn thế nữa, cùng ngày 7/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên đường đến Moscow để hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông khẳng định sẽ phối hợp với Nga để kiến tạo một trật tự ổn định và an ninh mới ở châu Âu (dù điều đó không nên được thực hiện bằng cách loại bỏ quyền gia nhập NATO của các quốc gia). Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của giải pháp hạ nhiệt căng thẳng tình hình, đồng thời cam kết Paris sẽ tiếp tục các nỗ lực trong khuôn khổ định dạng Normandy (bao gồm Nga, Pháp, Đức và Ukraine) để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, với cốt lõi là việc thực thi thỏa thuận Minsk trong giải quyết cuộc xung đột.

Đáp lại, cho dù vẫn kiên định lập trường phản đối sự mở rộng của NATO sang phía đông, người đứng đầu nước Nga vẫn hé mở những cánh cửa: "Tất nhiên, tôi hiểu rằng chúng ta có mối quan tâm chung về những gì đang xảy ra trong lĩnh vực an ninh ở châu Âu. Tôi muốn cảm ơn các bạn, vì nước Pháp luôn tham gia tích cực nhất vào tiến trình xây dựng những quyết sách cơ bản trong lĩnh vực này…".

Ta có thể hiểu, một cách kín đáo, Điện Kremlin vẫn luôn sẵn sàng đối thoại nhằm hạ nhiệt căng thẳng, và vẫn luôn hoan nghênh những nỗ lực đối thoại tương tự như đã nhận được từ nước Pháp. Bởi, xét cho cùng, cũng như khi thế giới đi qua cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba tròn 50 năm trước, một cuộc đối đầu trực diện giữa hai khối quyền lực quân sự hùng mạnh nhất thế giới sẽ chỉ dẫn đến sự diệt vong của cả loài người.

NHƯNG không chỉ vậy. Thực tế là cho dù có xung đột về lập trường hay lợi ích, những cường quốc hàng đầu thế giới, dù muốn dù không, cũng vẫn có trách nhiệm chia sẻ và hợp tác với nhau ở những vấn đề cấp thiết toàn cầu.

Đó là điều mà nước Nga thể hiện vào ngày 3/2, khi căng thẳng Nga-NATO vẫn đang leo thang
gay gắt. Ngay sau khi các lực lượng tác chiến đặc biệt Mỹ thực hiện thành công một chiến dịch truy quét khủng bố ở tây bắc Syria,
với kết quả là Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi - thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng - bị tiêu diệt, Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng: Nga ủng hộ nỗ lực của tất cả các nước khác, bao gồm cả liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu, trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế.

Một ngày sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố khôi phục quyết định miễn trừng phạt Iran, nhằm tạo điều kiện cho các dự án hợp tác hạt nhân quốc tế. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015 đang bước vào giai đoạn cuối then chốt. Đây có thể xem là một nhượng bộ rất đáng chú ý từ phía Washington, bởi suốt tám vòng đàm phán bế tắc trước đây, Iran (đồng minh thân thiết của Nga) luôn khẳng định: Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt là điều kiện quyết định nhằm khôi phục JCPOA.

Sẽ không ai có lợi, khi xung đột kéo dài thêm những xung đột. Mà cao hơn cả chiến tranh hay xung đột, đáng sợ hơn chủ nghĩa khủng bố quốc tế, thế giới vẫn còn phải đối mặt hàng loạt hiểm họa: tiến trình biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, sự phân hóa giàu nghèo trong từng xã hội lẫn giữa các quốc gia… - những nguy cơ chỉ có thể bị đẩy lùi, nếu các cường quốc hàng đầu biết cách "ngồi lại nói chuyện với nhau"…