Tìm quỹ đạo ổn định

Diễn ra tại địa điểm từng ghi dấu ấn trong quan hệ Nga - Mỹ với cuộc đối thoại lịch sử năm 1986 giữa các lãnh đạo Mỹ và Liên Xô (trước đây), cuộc gặp của Bộ trưởng Ngoại giao hai nước Mỹ và Nga gần đây tại Thủ đô của Ai-xơ-len (Iceland) được dư luận quan tâm đặc biệt. Hai bên cùng thừa nhận tầm quan trọng của đối thoại và hợp tác, nỗ lực đưa quan hệ Mỹ - Nga ra khỏi “vùng trũng”, để bước vào quỹ đạo mới, ổn định hơn.

Công trường xây dựng dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Ảnh: NORD STREAM 2
Công trường xây dựng dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Ảnh: NORD STREAM 2

Cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ A.Blin-ken (Antony Blinken) với người đồng cấp Nga X.La-vrốp (Sergei Lavrov) tại thành phố Rây-ki-a-vích (Reykjavik), bên lề hội nghị Hội đồng Bắc cực, là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao hai nước kể từ khi Mỹ có chính phủ mới. Sự kiện này được cả Mỹ lẫn Nga mong đợi và dư luận quốc tế dõi theo, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước liên tiếp tăng nhiệt trong những tháng vừa qua, thậm chí phía Nga đánh giá đã rơi trở lại “điểm thấp” của thời Chiến tranh lạnh, đe dọa tác động khôn lường tới các vấn đề toàn cầu.

Sau thời gian dài nguội lạnh, quan hệ Mỹ - Nga từng được kỳ vọng “tan băng” khi chính quyền mới ở Mỹ nhậm chức, với những tuyên bố và cam kết của Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn (Joe Biden) về thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa hai nước. Song, nhiều tháng trôi qua, quan hệ song phương chưa có bước cải thiện rõ rệt, nỗ lực giải quyết các bất đồng cố hữu vẫn “giẫm chân tại chỗ”, trong khi khúc mắc mới lại liên tiếp xuất hiện. Oa-sinh-tơn (Washington) cáo buộc Mát-xcơ-va (Moscow) can thiệp bầu cử, dính líu các vụ tiến công mạng quy mô lớn nhằm vào hệ thống cơ sở hạ tầng tại Mỹ. Điện Crem-li (Kremlin) chỉ trích Nhà trắng can thiệp công việc nội bộ, liên quan vụ nhân vật đối lập ở Nga, áp đặt trừng phạt trái phép chống Moscow. Khúc mắc dẫn tới hành động trục xuất các nhà ngoại giao của nhau, cùng những màn “ăn miếng, trả miếng” trong cuộc chiến trừng phạt - đáp trả kéo dài. 

Quan hệ Mỹ - Nga được cho là suy giảm xuống thấp hơn mức thời Chiến tranh lạnh (như nhận định của Bộ trưởng S.Lavrov), yêu cầu hạ nhiệt căng thẳng càng trở nên cấp bách. Thực tế, thời gian qua có nhiều khúc mắc chưa được giải tỏa, song mong muốn đối thoại để cải thiện quan hệ song phương vẫn được duy trì. Chẳng hạn dù với quan điểm bất đồng và những tuyên bố tiêu cực nhằm vào nhau, nhưng Mỹ và Nga cuối cùng vẫn đạt đồng thuận gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START), cho thấy hai bên có những lợi ích chung để hợp tác. Ngay trước cuộc gặp tại Reykjavik, Mỹ tuyên bố trừng phạt nhằm vào dự án hợp tác Nga - Đức về đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, song áp dụng miễn trừ cho công ty Đức điều hành dự án này, vốn được cho là có quan hệ thân thiết với Nga. Dẫu phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ, song phía Nga vẫn đánh giá quyết định miễn trừ là “tín hiệu tích cực”, cho thấy mong muốn của Mỹ thúc đẩy “phá băng” trong quan hệ với Nga.

Tại Reykjavik, cả Mỹ và Nga đều khẳng định mối quan hệ tốt giữa hai nước có lợi cho cả thế giới. Bộ trưởng A.Blinken nhấn mạnh: Mỹ tìm kiếm sự ổn định trong quan hệ với Nga; trong khi Bộ trưởng S.Lavrov tuyên bố, Moscow sẵn sàng thảo luận với Washington về mọi vấn đề, nhưng đối thoại phải dựa trên tinh thần trung thực, tôn trọng lẫn nhau. Hai bên thừa nhận có nhiều bất đồng, song điều quan trọng là hai nước cùng xác nhận tầm quan trọng của đối thoại và hợp tác, ít nhất trong các vấn đề có quan điểm chung và có triển vọng đạt hiệu quả, như chống biến đổi khí hậu, giải quyết xung đột và ổn định chiến lược toàn cầu. 

Hội đàm giữa hai Bộ trưởng A.Blinken và S.Lavrov tại Reykjavik chưa đưa đến bước đột phá, vì không có cam kết, hay thỏa thuận cụ thể nào được đưa ra. Cuộc gặp lần đầu chỉ như những bước thăm dò đầu tiên, song vẫn được cả Mỹ và Nga đánh giá là mang tính xây dựng, là sự khởi đầu thuận lợi để hai bên tiếp tục đối thoại về mục tiêu cải thiện quan hệ song phương.

Cạnh tranh chiến lược toàn cầu ngày càng gay gắt, Mỹ và Nga không nằm ngoài vòng xoáy của thế giới. Tuy nhiên, dù tiếp tục chính sách kiềm chế Nga, chính quyền Tổng thống G.Biden sẽ vẫn tìm kiếm cơ hội đối thoại, nhất là trong những vấn đề quốc tế cần có sự tham gia, hợp tác của Nga. Xây dựng quan hệ ổn định với Mỹ tiếp tục được Tổng thống V.Putin ủng hộ, nhằm tạo đột phá giải quyết các vấn đề an ninh quốc tế. Sự kiện tại Reykjavik vừa qua đã phản ánh tinh thần này, hướng tới quỹ đạo ổn định cho quan hệ Mỹ - Nga. Và dĩ nhiên, khi căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu “hạ nhiệt”, mọi “điểm nóng” của thế giới cũng đều có thể sẽ trở nên “dễ nói chuyện” hơn.