Tia sáng giữa màn đêm

Trong dồn dập các sự kiện đầy âu lo và bất ổn của dòng chảy sự kiện quốc tế thời điểm này, dù sao, vẫn lóe lên những tín hiệu của lạc quan và hy vọng. Hơn tất cả, sự kiện nước Mỹ chính thức trở lại với Hiệp định Pa-ri (Paris) về chống biến đổi khí hậu toàn cầu - thỏa thuận quan trọng bậc nhất với sự tồn vong của nhân loại trong tương lai gần - xứng đáng được xem là một bước đột phá mà cả thế giới trông đợi.

Băng tuyết tràn ngập bang Texas - minh chứng điển hình cho những hệ lụy khắc nghiệt của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Băng tuyết tràn ngập bang Texas - minh chứng điển hình cho những hệ lụy khắc nghiệt của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Có thể nói, thế giới đã thấp thỏm trông chờ động thái ấy, kể từ trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào cuối năm ngoái. Khi đó, ông chủ cũ của Nhà trắng - Đô-nan Trăm (Donald Trump) đã đưa nước Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris được hai năm, bất chấp mọi phản ứng thất vọng và thậm chí là giận dữ của dư luận quốc tế. Cơ sở lập luận của ông, rất đơn giản, là “Hiệp định Paris giết chết nền kinh tế Mỹ”, bởi các cam kết đòi hỏi gia tăng chi phí quá nhiều đồng thời cũng làm giảm hiệu quả của các guồng quay sản xuất, nhằm phục vụ chương trình cắt giảm khí thải.
 
 Ngược lại, Tổng thống Mỹ hiện tại G.Bai-đơn (Joe Biden, người khi ấy là ứng cử viên đảng Dân chủ) phát đi những tín hiệu rõ ràng rằng nếu đắc cử, ông sẽ đảo ngược chiến lược của người tiền nhiệm, để đưa nước Mỹ trở lại với thỏa thuận quốc tế quan trọng đó.
 
 Vậy nên, không có gì bất ngờ khi chỉ ngay sau lễ tiếp nhiệm của Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn, Tổng thống Pháp E.Ma-crông (Emmanuel Macron) - người đóng góp rất nhiều công sức cho việc hình thành Hiệp định Paris năm 2015, cũng là người đã vô cùng thất vọng khi nước Mỹ quay lưng năm 2018 - đã lập tức viết trên trang mạng xã hội cá nhân Twitter của mình: “Chúng ta luôn sát cánh bên nhau. Chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn khi đối đầu với những thách thức trong thời đại của chúng ta. Mạnh mẽ hơn để kiến tạo tương lai của chúng ta. Mạnh mẽ hơn để bảo vệ hành tinh của chúng ta. Chúc mừng quay trở lại Hiệp định Paris”.
 
 Vậy nên, ngày 19-2, gần như ngay lập tức sau khi Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn “lập ngôn” đưa nước Mỹ trở lại với các cam kết về chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị An ninh quốc tế Mu-ních (Munich), Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tơ-rét (Antonio Guterres) cũng đánh giá đó là “một tin tốt lành cho nước Mỹ nói riêng, cũng như toàn thế giới nói chung”. Bởi theo ông, bốn năm qua, sự vắng mặt của
 
 Mỹ với tư cách là một bên đóng vai trò quan trọng đã tạo ra lỗ hổng trong Hiệp định Paris, có thể ví như “một mắt xích bị thiếu làm suy yếu toàn bộ”.
 
 Chính quyền của Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn dự định sẽ làm những gì? Một cách ngắn gọn, nền kinh tế lớn nhất thế giới đồng thời cũng là trung tâm phát thải lớn thứ hai thế giới ấy đang đặt mình trước các mục tiêu: Thay đổi để đạt được một ngành năng lượng không ô nhiễm vào năm 2035, và tiến tới một nền kinh tế hoàn toàn không phát thải vào năm 2050, thông qua một kế hoạch có ngân sách lên tới 2.000 tỷ USD.
 
 Nhìn lại quá khứ, dưới thời Tổng thống B.Ô-ba-ma (Barack Obama), nước Mỹ cam kết kiểm soát lượng khí thải thấp hơn 26-28% so mức của năm 2005 vào năm 2025. Hiện tại, Mỹ vẫn còn cách mục tiêu này rất xa, do tiến độ thực hiện bị đình trệ dưới thời Tổng thống Đô-nan Trăm, khi hơn 70 quy định lớn về môi trường bị loại bỏ trong suốt bốn năm qua.
 
 Theo hãng tin CNBC, Mỹ có nhiều điều phải làm để bắt kịp những hành động quyết liệt của các quốc gia khác. Trung Quốc, nước dẫn đầu thế giới về khí thải carbon, cam kết đạt trạng thái cân bằng carbon (lượng carbon thải ra bằng với lượng carbon được loại bỏ) vào năm 2060. Trong khi đó, Liên hiệp châu Âu (EU) cũng cam kết đạt được trạng thái này vào năm 2050. 
 
 Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ A.Blin-ken (Anthony Blinken) khẳng định: “Giải quyết các mối đe dọa thật sự từ biến đổi khí hậu và lắng nghe các nhà khoa học là trọng tâm trong các ưu tiên chính sách đối nội và đối ngoại của chúng tôi. Đây là điều quan trọng trong các cuộc thảo luận về an ninh quốc gia, các nỗ lực y tế quốc tế, cũng như trong các cuộc đàm phán ngoại giao kinh tế và thương mại”. Nghĩa là, “Biến đổi khí hậu và ngoại giao khoa học không bao giờ chỉ còn là phần mở rộng trong các cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại” của nước Mỹ, dưới chính quyền mới.
 
 Ở một góc nhìn rộng hơn, có thể thấy là tân tổng thống Mỹ đã và đang bắt tay vào thực hiện tiến trình đảo ngược quỹ đạo cũ, khi tham gia trở lại và sẽ còn tích cực hơn trong các cam kết quốc tế đa phương. Với vị thế của mình, sự “năng động” đó mà nước Mỹ đang thể hiện trên trường quốc tế, rõ ràng, sẽ tạo nên nhiều động lực cũng như cung cấp những nguồn lực quan trọng, đối với những vấn đề chung của toàn nhân loại, đặc biệt là công cuộc chống đại dịch Covid-19, bên cạnh Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
 
 Tuy vậy, cũng cần phải nhìn thấy trước rằng chắc chắn, quyết định ấy của Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn cũng sẽ vấp phải không ít trở lực. Vấn đề mang tính cốt lõi sẽ là kinh phí cần thiết để phục vụ các mục tiêu cắt giảm khí thải. Rất khó có cách nào khác để đạt được nguồn ngân sách này, ngoại trừ việc tăng thuế. Thế nhưng, chính điều đó lại sẽ khiến một bộ phận không nhỏ công dân Mỹ phải đóng thuế cảm thấy khó chấp nhận.
 
 Và hiện tại, khi các cư dân bang Texas chìm trong tình trạng khó khăn do mất điện bởi một đợt không khí lạnh bất thường tràn xuống gây băng tuyết; khi các nguồn thu từ ngành công nghiệp dầu mỏ sụt giảm, họ cũng lại đang “than trời” bởi giá điện tăng cao, do cung không đủ cầu.