Phục hồi bền vững, hướng tới thịnh vượng chung

Hội nghị cấp cao lần thứ 28 Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đánh dấu bước triển khai mạnh mẽ Tầm nhìn APEC đến năm 2040, xây dựng APEC thành khu vực hòa bình, năng động, tự cường và thịnh vượng. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị khẳng định chủ trương của Việt Nam đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, đóng góp thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác và liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.

Chủ tịch nước dự cuộc họp không chính thức các nhà lãnh đạo kinh tế APEC.
Chủ tịch nước dự cuộc họp không chính thức các nhà lãnh đạo kinh tế APEC.

Cùng phối hợp, hành động và phát triển

Tuần lễ cấp cao APEC năm 2021, với sự kiện quan trọng nhất là Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 28, được thành viên chủ nhà New Zealand tổ chức trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tình hình thế giới và khu vực có những chuyển biến khó lường, cạnh tranh chiến lược gia tăng, kinh tế duy trì đà phục hồi song bấp bênh, không đồng đều. Trong tiến trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19, các thành viên APEC ưu tiên tái cơ cấu hướng tới phát triển xanh, bền vững và dựa trên nền tảng số.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern khẳng định: Trọng tâm hợp tác của Diễn đàn là phối hợp ứng phó đại dịch và phục hồi kinh tế. Trong đó, các thành viên APEC cùng nhau khôi phục và duy trì các chuỗi cung ứng và hỗ trợ thương mại, nhất là đối với vaccine và vật tư y tế quan trọng.

Với chủ đề "Cùng phối hợp, cùng hành động, cùng tăng trưởng", một năm qua, Năm APEC 2021 ưu tiên hợp tác về y tế, thương mại trong nỗ lực ứng phó và phục hồi sau đại dịch. Ngay đầu năm, các Bộ trưởng Thương mại APEC đã cam kết đẩy nhanh phân phối vaccine và các mặt hàng phục vụ chống dịch xuyên biên giới. Hồi tháng 7, tại cuộc họp cấp cao không chính thức lần đầu được tổ chức, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC khẳng định ủng hộ chia sẻ vaccine toàn cầu, bảo đảm lưu thông hàng hóa và dịch vụ. Hội nghị cấp cao APEC năm nay được kỳ vọng tiếp thêm năng lượng cho nỗ lực phục hồi kinh tế, mục tiêu trung hòa carbon, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, vì thịnh vượng chung, không ai bị bỏ lại phía sau.

Hơn 30 năm phát triển, APEC tiếp tục khẳng định là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu ở khu vực. Năm 2021 có ý nghĩa quan trọng với APEC, đánh dấu năm đầu triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040 về xây dựng châu Á - Thái Bình Dương thành khu vực mở, năng động, tự cường và hòa bình, hướng tới thịnh vượng chung cho tất cả người dân và các thế hệ tương lai. Hội nghị cấp cao lần thứ 28 ghi dấu ấn hợp tác mới, khi các nhà lãnh đạo kinh tế APEC thảo luận và thông qua Kế hoạch triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Trong đó bao gồm các mục tiêu, cam kết hành động trên cả ba trụ cột hợp tác là thúc đẩy kinh tế, thương mại và đầu tư; đổi mới sáng tạo và số hóa; tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và bao trùm.

Ðóng góp chủ động, tích cực và thiết thực

Tầm nhìn APEC đến năm 2040 được các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC thông qua tại Hội nghị cấp cao năm 2020, đánh dấu việc APEC hoàn tất thực hiện sáng kiến quan trọng, do Việt Nam khởi xướng và thúc đẩy trong vai trò chủ nhà Hội nghị cấp cao APEC năm 2017. Văn kiện về tầm nhìn dài hạn của APEC ghi dấu ấn quan trọng của Việt Nam đóng góp chủ động, tích cực và thiết thực cho Diễn đàn, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế khu vực.

Trong 23 năm tham gia Diễn đàn, những đóng góp nổi bật của Việt Nam được APEC ghi nhận và hoan nghênh. Hai lần đảm nhiệm vai trò chủ nhà APEC, Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất sáng kiến, khởi xướng các dự án trong nhiều lĩnh vực và được đánh giá thiết thực, đáp ứng mối quan tâm chung, nhất là về phát triển bền vững và bao trùm, nguồn nhân lực, kinh tế số, an ninh lương thực, chống biến đổi khí hậu...

Trong công tác điều hành, Việt Nam đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng, như Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, Chủ tịch, Phó Chủ tịch của các ủy ban và nhóm công tác chủ chốt về thương mại và đầu tư, quản lý ngân sách, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, y tế, ứng phó biến đổi khí hậu. Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia và đóng góp tích cực, có nhiều khuyến nghị hợp tác, khẳng định năng lực hội nhập và trách nhiệm với hợp tác APEC và tiến trình liên kết kinh tế khu vực.

Trong bối cảnh dịch bệnh tác động nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống quốc tế, Việt Nam tiếp tục chủ động tham gia, đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác APEC. Nổi bật là các giải pháp nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nâng cao khả năng thích ứng bối cảnh bình thường mới. Việt Nam đi đầu, tích cực thúc đẩy APEC cam kết chia sẻ, phân phối và tiếp cận bình đẳng về vaccine, tự nguyện chuyển giao công nghệ sản xuất, nhằm mở rộng quy mô sản xuất và cung ứng, phục vụ mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Năm 2021 có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam, là năm đầu tiên triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, chuyển sang giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện. Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 28 tiếp tục thể hiện Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, đề cao chủ nghĩa đa phương, tăng cường hợp tác quốc tế, cùng các nền kinh tế thành viên hiện thực hóa tầm nhìn của APEC về cộng đồng thịnh vượng chung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.