Ở những nơi nguy hiểm nhất

Sáng 11/5, làng báo chí thế giới chấn động với tin nữ nhà báo người Mỹ gốc Palestine Shireen Abu Akleh bị bắn chết khi đưa tin về chiến dịch quân sự của Israel ở thành phố Jenin. Sự kiện này một lần nữa dấy lên những lo ngại chưa hề được giải quyết về an nguy của các phóng viên chiến trường.

Shireen Abu Akleh - tiếng nói của khát vọng tự do. Ảnh: EPA-EFE
Shireen Abu Akleh - tiếng nói của khát vọng tự do. Ảnh: EPA-EFE

"Tôi đã nhìn thấy Shireen đổ gục xuống đất nhưng chúng tôi không thể làm gì. Họ nhắm mục tiêu vào cô ấy và chúng tôi, những phóng viên chiến trường", nhà báo Mujahed al-Saadi kể lại giây phút cuối của đồng nghiệp. Cả hai cùng làm việc ở hãng thông tấn hàng đầu Trung Đông là Al Jazeera. Bộ Y tế Palestine cho biết Akleh bị bắn vào đầu và qua đời ngay sau đó.

Hãng tin Al Jazeera cáo buộc quân đội Israel sát hại Abu Akleh, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án và buộc nước này chịu trách nhiệm. Nhà báo Ali Al-Samudi, người bị thương trong vụ việc, khẳng định: "Quân đội Israel đã bắn chúng tôi và không có tay súng Palestine nào ở đó". Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Israel cho rằng, Abu Akleh trúng đạn của các chiến binh Palestine. Tuy nhiên, những tranh cãi vẫn không che đậy được sự thật rằng, một nữ nhà báo đã bị bắn chết khi đang mặc áo khoác có dòng chữ Press (Báo chí) trước ngực.

Shireen Abu Akleh gia nhập Al Jazeera vào năm 1997, ở tuổi 26 và liên tục có mặt ở những điểm nóng nhất Trung Đông trong gần hai thập niên qua. Cô đã đưa tin về xung đột vũ trang ở Gaza năm 2008, 2009, 2012, 2014 và 2021, cũng như cuộc chiến năm 2006 ở Lebanon.

Hãng tin Al Jazeera mất đi một phóng viên xuất sắc, còn người dân Palestine mất đi một "phát ngôn viên". "Cô ấy là tiếng nói của khát vọng tự do, là người đại diện nói lên sự đau khổ của chúng tôi" - Terry Bullata, một người dân Palestine chia sẻ. Ngoài ra, Abu Akleh còn làm việc với Văn phòng Cơ quan Liên hợp quốc cứu trợ người tị nạn Palestine ở Trung Đông, về các vấn đề nhân đạo.

Cái chết của Shireen Abu Akleh đến chỉ vài ngày sau khi giải báo chí Pulitzer vinh danh các nhà báo Ukraine, vì nỗ lực đưa tin giữa cảnh bom đạn. Theo thông tin trên các tờ báo lớn, ít nhất bốn nhà báo đã thiệt mạng trong cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine. Nhìn rộng ra, Liên hợp quốc cũng ghi nhận 1.200 nhà báo đã thiệt mạng ở các quốc gia đang xảy ra xung đột vũ trang trong giai đoạn 2006-2020.

Lựa chọn làm phóng viên chiến trường, các nhà báo chấp nhận đánh cược mạng sống. "Tôi sẽ không bao giờ quên mức độ tàn phá khủng khiếp và cảm giác cái chết cận kề", Abu Akleh từng nói về cuộc tiến công vào Bờ Tây năm 2002 của Israel. 20 năm sau, cô không còn cơ hội quay về.

Chiến tranh luôn là đề tài được cả thế giới quan tâm. Từ khóa "chiến tranh Nga-Ukraine" trả về hơn 3,6 tỷ kết quả trên công cụ tìm kiếm Google. Trên các mạng xã hội, thông tin về cuộc xung đột này dẫn đầu các trend (xu hướng) trong thời gian dài. Do đó, cử phóng viên đi tác nghiệp ở Ukraine nói riêng và các khu vực xung đột nói chung là yêu cầu bức thiết với các hãng thông tấn hàng đầu.

Song, cuộc xung đột Nga-Ukraine lại chứng kiến số lượng tin giả kỷ lục. Ngay cả những tờ báo lớn cũng khó tránh khỏi phạm sai lầm. Trong bối cảnh ấy, thông tin từ phóng viên thực địa càng có thêm giá trị, được củng cố thêm uy tín nhờ khả năng kiểm định và suy luận của người làm báo. Ở một khía cạnh khác, những hình ảnh và thông tin từ chiến trường chính là nguồn tư liệu quý giá cho việc nghiên cứu lịch sử và quan hệ quốc tế, cứu trợ nhân đạo và tố cáo tội ác chiến tranh.

Trong quá khứ, thế giới cũng chứng kiến không ít bức ảnh báo chí tác động mạnh mẽ đến những cuộc chiến. Đơn cử, bức Em bé Napalm của phóng viên Nick Út và bức Xử bắn trên đường phố Sài Gòn 1968 của Eddie Adams. Hai bức ảnh này, cùng với hàng trăm bức ảnh khác, đã làm dấy lên phong trào phản chiến trên khắp nước Mỹ, góp phần tạo nên những bước ngoặt.

Chính vai trò giám sát ấy của báo chí là nhân tố quan trọng thôi thúc người phóng viên chiến trường tiếp tục công việc. Tác nghiệp giữa làn đạn không còn là nhiệm vụ, mà đã trở thành lý tưởng phụng sự sự thật, đấu tranh vì hòa bình.

"Nguy hiểm vây lấy toàn bộ người dân Palestine trong khu vực chiến sự, chứ không riêng gì nhà báo. Vậy thì tại sao chúng tôi phải sợ hãi, phải chùn bước trước bom đạn?", Shireen Abu Akleh từng phát biểu. Và đó chắc hẳn cũng là suy nghĩ của rất nhiều phóng viên chiến trường khi lựa chọn con đường nguy hiểm này.

Trong một tuyên bố năm 2020, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres quan ngại sâu sắc và lên án các cuộc tấn công nhằm vào các nhà báo cũng như nhân viên truyền thông nói chung.

Đại Hội đồng Liên hợp quốc chính thức lấy ngày 2/11 là "Ngày quốc tế chấm dứt tội ác chống lại nhà báo" và thông qua Nghị quyết A/RES/ 68/163. Ngày 2/11 cũng là ngày tưởng nhớ vụ việc hai nhà báo Pháp bị sát hại ở Mali năm 2013. Nghị quyết mang tính bước ngoặt này lên án các cuộc tấn công nhắm vào nhà báo và kêu gọi các thành viên nỗ lực ngăn chặn những vụ việc tương tự.

Điều 79, Công ước Geneva ghi rõ: "Các nhà báo làm nhiệm vụ nguy hiểm trong các khu vực có xung đột vũ trang sẽ được coi là dân thường". Bên cạnh đó, Điều 4 cũng cho biết phóng viên chiến trường được hưởng chế độ tù binh khi bị bắt, với điều kiện phải nhận được sự cho phép từ các lực lượng vũ trang mà họ đi cùng.

Tuy nhiên, mọi thứ dường như đều vẫn chỉ tồn tại trên giấy. Thực trạng này đòi hỏi cần phải có các chiến lược bảo vệ nhà báo cụ thể và thiết lập các khung pháp lý nước sở tại, để ngăn chặn và có thể hình sự hóa các vi phạm. Chúng ta không thể ngăn chặn tối đa nguy hiểm với nhà báo vì "bom đạn không có mắt" nhưng cũng không thể làm ngơ trước vụ việc một phóng viên chiến trường mặc áo báo chí bị bắn chết giữa ban ngày, như trường hợp của Shireen Abu Akleh.

Nhưng trước khi có bất kỳ một giải pháp hiệu quả nào, các phóng viên chiến trường vẫn sẽ tiếp tục công việc ở những nơi nguy hiểm nhất thế giới. Vì có những sự thật đánh đổi một mạng sống, nhưng lại có thể cứu hàng trăm hàng nghìn người.