Nguồn tài nguyên quý

Biến đổi khí hậu đã thật sự tác động đến xã hội loài người như thế nào. Nói một cách ngắn gọn: Bởi những hệ lụy khốc liệt của tiến trình ấy, đến cả “cơn khát” nước sạch cũng có thể làm bùng nổ những cuộc giao tranh.

Đập Đại phục hưng - nỗi ám ảnh của các nước hạ nguồn sông Nile.
Đập Đại phục hưng - nỗi ám ảnh của các nước hạ nguồn sông Nile.

Bốn mươi sáu người chết, hàng trăm người bị thương, trong vòng ba ngày ngắn ngủi. Tất nhiên, có rất nhiều nguyên nhân sâu xa khiến chiến sự bùng nổ với quy mô của một cuộc chiến tranh quy ước, giữa Tát-gi-ki-xtan (Tajikistan) và Cư-rơ-gư-xtan (Kyrgyzstan) hồi cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua - những vấn đề địa chính trị mà lịch sử để lại. Nhưng, trên bề mặt, lý do trực tiếp vẫn là nước sạch. 

Vụ xung đột diễn ra ở làng Cốc Ta-sơ (Kok-Tash) ở tỉnh Bát-ken (Batken), Kyrgyzstan. Trên sông I-xơ-pha-ra (Isfara) trong vùng này có một hồ chứa và một trạm bơm. Hồ chứa hiện được Kyrgyzstan kiểm soát, cung cấp nước sinh hoạt cho cả Kyrgyzstan, Tajikistan lẫn một quốc gia thứ ba: U-dơ-bê-ki-xtan (Uzbekistan). Kyrgyzstan và Tajikistan từ lâu đã tranh chấp về việc sử dụng nước tưới và quyền kiểm soát trạm bơm. Ngày 29-4, các nhân viên Tajikistan đã lắp camera trên cột điện thoại gần hồ chứa nước. Hành động này bị Kyrgyzstan coi là xâm phạm chủ quyền, và giao tranh bùng phát.

Nhưng thật ra, từ ngày 3-8-2015, mâu thuẫn chung quanh nguồn nước sạch này cũng đã từng phát lộ, khi nguồn nước cấp cho phía Tajikistan bị người dân phía Kyrgyzstan cắt đứt, để trả đũa vài va chạm khác. 

Nước là khởi nguồn của sự sống, cũng như đất. Tuy nhiên, 2000 năm trở lại đây, những thành tựu trị thủy và khoa học - công nghệ dường như đã giúp nhân loại lãng quên được nỗi ám ảnh đó. 

Song, đầu tiên là nạn quá tải dân số, và kế đó là tiến trình biến đổi khí hậu (khiến băng tan, nước biển dâng lên, liên tục dẫn tới trạng thái xâm thực ở các dòng sông cùng sự khô hạn ở rất nhiều vùng trên thế giới) đã thổi bùng nỗi sợ những cơn khát của thế giới bảy tỷ người.

Ngay cả ở một đất nước thuộc khu vực nhiệt đới ẩm – gió mùa như Việt Nam, nguy cơ thiếu nước ngọt cũng trở nên rõ ràng và nghiêm trọng, thí dụ một số khu vực như Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên... Tổng trữ lượng nước mặt của Việt Nam khoảng 830 - 840 tỷ m3, mà trong đó có tới khoảng 63% lượng nước là từ các sông ở nước ngoài chảy vào nước ta (ở cả hai nguồn lớn là sông Hồng và sông Cửu Long). 

CĂNG thẳng cũng đang tích tụ ở một “vùng đất khát” - vùng Sừng châu Phi, khi Ethiopia tiến hành tích nước giai đoạn thứ hai cho hồ chứa “công trình thủy điện thế kỷ” của họ - Đập Đại phục hưng. Các nước hạ nguồn sông Nile, như Sudan và nhất là Ai Cập (có tới 100 triệu người phụ thuộc vào nguồn nước sông Nile) đã phản đối dữ dội, thậm chí “sẵn sàng dùng mọi biện pháp cần thiết”, đến độ Ethiopia phải cam kết là sẽ “không làm tổn hại đến lợi ích của những quốc gia khác” (ngày 21-5).

Song, “ngòi nổ” của “quả bom nước” ấy vẫn còn nguyên đó, khi Bộ Ngoại giao Ai Cập tuyên bố rằng họ chưa và sẽ không chấp nhận việc trữ nước vào hồ đập, đồng thời nhấn mạnh: Cần phải đạt được một thỏa thuận công bằng dựa trên những ràng buộc pháp lý có lợi cho cả ba nước. 

Hơn cả than đá và dầu mỏ, nước sạch đang trở lại là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý báu nhất, có giá nhất, và cũng dễ gây “đổ máu” bậc nhất. Những mâu thuẫn quanh nó, dĩ nhiên, có thể được tạm thời dàn xếp bằng các công cụ ngoại giao và pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, hơn thế, khi đã rõ ràng rằng, nguồn tài nguyên ấy không phải là vô tận, việc sử dụng nó một cách có trách nhiệm (nhất là ở những quốc gia đầu nguồn), cũng như sự chung tay của toàn thế giới để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu, mới là mục tiêu lâu dài, vì sự tồn tại của cả loài người.