Khi mọi lý thuyết đều là màu xám

Người nhận giải Nobel Kinh tế 2021 là một nhân vật từng gây ra rất nhiều tranh cãi về kinh tế học. David Card (trong ảnh) vốn nổi tiếng với những phát hiện đi ngược lại các lý thuyết thông thường.

Khi mọi lý thuyết đều là màu xám

Những duyên nợ ngẫu nhiên

Khi David Card được xướng tên cùng hai nhà nghiên cứu Joshua Angrist và Guido Imbens nhận Giải Nobel kinh tế 2021, ít ai biết rằng chuyên ngành đầu tiên mà vị giáo sư sinh năm 1956 ấy theo học tại Trường đại học Queen's ở Ontario lại là… vật lý. Thế nhưng, trong một lần giúp bạn gái làm bài tập kinh tế, chàng thanh niên ngay lập tức bị hấp dẫn bởi quyển sách về cung và cầu. Anh đọc "ngấu nghiến" nó nhằm thỏa mãn sự tò mò, để rồi không chút do dự ra quyết định mang tính bước ngoặt: đi theo ngành kinh tế học.

Không những vậy, việc thiếu một số chứng chỉ khi "nhảy ngang" sang ngành mới khiến David Card không đăng ký những môn học phổ biến, mà phải bắt đầu với hai lớp ít được quan tâm hơn là phân phối thu nhập và kinh tế lao động. Tại đây, hai giảng viên trẻ - những người đã hoàn thành bằng tiến sĩ tại Trường đại học Princeton trong việc áp dụng phong cách nghiên cứu thực nghiệm - đã có ấn tượng với khả năng của David đến nỗi không ngần ngại giới thiệu chàng sinh viên trẻ với cố vấn luận án tiến sĩ của chính họ - Giáo sư Orley Ashenfelter. Cuối cùng, chính Orley đã thuyết phục David gia nhập Trường đại học Princeton để lấy bằng tiến sĩ.

Bên cạnh những sự tình cờ liên tiếp đó, David Card cũng khác số đông khi tập trung nghiên cứu cách thức vận hành của thị trường lao động đối với những người có kỹ năng thấp. "Tôi cố gắng tìm hiểu lý do thành công hay thất bại của mọi người, cũng như mối liên quan của hai yếu tố này đến môi trường, thể chế và từng cá nhân. Với tôi, đó là những vấn đề quan trọng", David Card chia sẻ, trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Finance & Development của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Tiếng nói của hiện thực

Một trong số những nghiên cứu nổi bật nhất của David Card đóng góp vào nền kinh tế lao động là thí nghiệm xoay quanh ảnh hưởng của mức lương tối thiểu cách đây gần 30 năm. Ðây cũng là đề tài thường xuyên được phía doanh nghiệp cảnh báo sẽ dẫn đến việc gia tăng quỹ lương, vượt giới hạn duy trì bộ máy - nguyên nhân chính khiến nhiều công nhân bị sa thải.

Trong bài báo xuất bản năm 1993 (và sau đó đã được mở rộng thành sách), David Card cùng cộng sự Alan Krueger đã thiết lập thí nghiệm tự nhiên để tìm hiểu việc tăng mức lương tối thiểu một cách khiêm tốn tác động thế nào đến việc làm. Ðối tượng là ngành công nghiệp thức ăn nhanh ở bang New Jersey (địa phương mới tăng mức lương tối thiểu từ 4,25 lên 5,05 USD/giờ - cao nhất nước Mỹ năm 1992) và bang láng giềng Pennsylvania (nơi vẫn giữ nguyên mức cũ).

David và Alan nhận thấy một nghịch lý: Nhiều nhà tuyển dụng không thể tìm được lao động với mức lương thấp suốt nhiều tháng liền. Trong khi đó, việc thiếu nhân lực khiến các nhà hàng buộc phải ra chính sách thưởng 100 USD cho nhân viên nếu mời được bất cứ người quen vào làm tối thiểu từ một đến hai tuần. Hai sự thật này làm nảy ra câu hỏi: Tại sao không áp dụng chính sách tăng lương?

Sau khi khảo sát 400 cửa hàng ở các thành phố dọc theo biên giới hai bang, nhóm nghiên cứu đi đến kết luận: Việc nâng lương tối thiểu lên một chút, không phải số tiền quá lớn mà chỉ một chút, không hề làm tăng tỷ lệ thất nghiệp mà thậm chí là ngược lại. Các nhà hàng ở New Jersey thật sự đã tăng 13% số việc làm so "người hàng xóm" Pennsylvania. Các tác động không hề tiêu cực như mọi người thường lo sợ.

Ở thời điểm năm 1993, nhiều nhà kinh tế đã phản đối thí nghiệm của ông, vì nghĩ rằng David Card và Alan Krueger chủ trương giúp đỡ các nhà vận động chính trị. Ðiều này khiến ông cảm thấy vô cùng khó chịu khi nghiên cứu của mình bị hiểu nhầm bởi cả nhóm người đề xuất tăng lương tối thiểu và các đối tượng phản đối nó. Theo David, ông chỉ cố gắng dùng mức lương tối thiểu như đòn bẩy giúp trả lời câu hỏi: Ðâu là mô hình đơn giản nhất của cung và cầu, cũng như cách người sử dụng lao động thật sự hoạt động trên thị trường việc làm?

Vị giáo sư khẳng định: "Không có bất cứ văn bản nào đề xuất tăng lương tối thiểu. Nhiều người ủng hộ cố tình dẫn chứng nghiên cứu này, nhưng đó không phải tinh thần chính trong thí nghiệm mà chúng tôi tiến hành. Tôi cũng gác lại chủ đề ấy vì những hành động trên khiến tôi mất uy tín. Tôi đã mất nhiều bạn bè, bởi họ tức giận hoặc thất vọng khi nghĩ rằng tôi phản bội sự nghiệp kinh tế nói chung".

Phải đến năm 2021, IMF cùng Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) mới nhất trí ủng hộ quan điểm của David. Cách xa nửa vòng Trái đất, nghiên cứu của David và Alan còn được xem như trung tâm của sự thay đổi và được trích dẫn trong phán quyết mới nhất của Ủy ban Việc làm công bằng Australia (Australia's Fair Work Commission), khi xem xét vấn đề tăng mức lương tối thiểu cho lực lượng lao động nơi đây.

Mấu chốt là dữ liệu

Ðể nhìn nhận kỹ hơn, cần phải hiểu rằng việc Ủy ban Nobel trao giải thưởng kinh tế năm 2021 cho David Card, Joshua Angrist và Guido Imbens đánh dấu cuộc cách mạng trong phương pháp mà các nhà kinh tế học tiếp cận thế giới. Những thay đổi về mức tín nhiệm đã được nhận thấy ngay cả khi các nghiên cứu thực nghiệm cung cấp kết quả trái ngược lý thuyết kinh tế thông thường. Về cơ bản, cả ba người đã chứng minh rằng những dữ liệu từ thế giới thật sẽ tiết lộ sự thật, và cách thức nghiên cứu này được phát triển giúp con người nhận ra bức tranh rõ ràng hơn.

Như chia sẻ của David Card, kinh tế học nói chung là sự kết hợp của những người có khuynh hướng thực tế và bộ phận khác giống các triết gia toán học. "Các triết gia thường không hài lòng với các nhà kinh tế học lao động, vì với mỗi lý thuyết chung, chúng tôi luôn chỉ ra rằng khái niệm này không phù hợp ở từng khía cạnh, thông qua bằng chứng cụ thể. Chúng tôi cố gắng tìm kiếm những dự đoán rất chi tiết, và cố gắng kiểm tra một cách cẩn thận nhất, với trọng tâm trước hết và quan trọng nhất là dữ liệu", ông bổ sung.

Khi mọi lý thuyết đều là màu xám -0 

Bởi lẽ đó, không phải ngẫu nhiên khi hai trong số ba người nhận giải Nobel 2021 là David Card và Joshua Angrist đều đến từ Trường đại học Princeton với cùng cố vấn tiến sĩ - giáo sư Orley Ashenfelter. Thông qua các thí nghiệm tự nhiên với nhiều tình huống thực tế được phản ánh bởi hệ thống dữ liệu chân thật, tất cả đã và đang góp phần thách thức tư duy kinh tế thông thường.