Giữa lợi ích và sự đồng thuận

Một đề xuất thú vị, cho dù chưa ai dám chắc tính khả thi đến đâu: Cuối tháng 5/2022, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) Akinwumi Adesina kêu gọi cộng đồng quốc tế áp dụng nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền", để giải quyết vấn đề tài chính chống biến đổi khí hậu.

Bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương cũng chính là phần tất yếu trên lộ trình chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Ảnh: UNICEF
Bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương cũng chính là phần tất yếu trên lộ trình chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Ảnh: UNICEF

Ở nhiều khía cạnh, lời kêu gọi này cũng gợi lên khá rõ những khúc mắc chính, khi thế giới đang chuẩn bị tiến đến Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 18/11 tới.

Tìm kiếm ngân sách và bảo đảm sự cân bằng trong tiến trình tìm kiếm ngân sách tài chính phục vụ các mục tiêu chống biến đổi khí hậu toàn cầu vốn là một vấn đề tương đối "tế nhị", nhưng rút cục lại không thể không nhắc tới.

Guồng máy kinh tế toàn cầu còn chưa kịp hồi phục trọn vẹn sau đại dịch Covid-19, thì các hệ lụy của cuộc xung đột quân sự ở Ukraine đã lại kịp tạo thêm những vòng xoáy khốc liệt mới, như giá nhiên liệu liên tục "phá trần", chi phí sản xuất và logistics tăng vọt, trong khi lương thực và phân bón cũng trở nên đắt đỏ... Cộng hưởng với những hậu quả nghiêm trọng sẵn có từ việc nền nhiệt Trái đất liên tục "lập đỉnh" mới, khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống giữa các châu lục, các khu vực, các quốc gia và ngay cả giữa những tầng lớp xã hội trong một đất nước lại càng bị nới rộng.

Thế nên, khi sinh hoạt thường nhật của người dân ở châu Âu hay Bắc Mỹ - những khu vực phát triển nhất thế giới - cũng bị tác động nặng nề bởi những yếu tố đó, thì tại các khu vực còn đang gặp nhiều khó khăn gấp bội như châu Phi, cũng dễ hiểu vì sao AfDB lại lập luận: Châu Phi không tạo ra khí thải. Các nước phát triển đã tạo ra khí thải, và do đó, phải đóng góp nhiều hơn cho tiến trình thích ứng cần thiết nhằm đối phó với biến đổi khí hậu.

Nói như Bộ trưởng Tài chính Ghana Kenneth Ofori-Atta, cần phải xây dựng một khuôn khổ tài trợ khí hậu toàn cầu, trong đó tôn trọng "những trách nhiệm lịch sử".

Bế mạc Hội nghị COP26 (ngày 13/11/2021), bên cạnh sự thống nhất về mục tiêu chính: Yêu cầu các quốc gia vào cuối năm 2022 phải "xem xét lại và củng cố" các mục tiêu cắt giảm khí thải năm 2030, "có tính đến các hoàn cảnh quốc gia khác nhau" để thực hiện mục tiêu hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức "dưới 2 độ C" hoặc 1,5 độ C theo Thỏa thuận Paris 2015; thì các văn bản COP26 còn nhấn mạnh: Cần phải huy động tài trợ khí hậu từ mọi nguồn để đạt mức cần thiết nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, bao gồm việc tăng đáng kể hỗ trợ cho các nước đang phát triển (vượt mức 100 tỷ USD mỗi năm), đồng thời thúc giục các nước phát triển khẩn trương hoàn thành mục tiêu 100 tỷ USD đã cam kết cũng như mục tiêu đến năm 2025, và nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch trong việc thực hiện cam kết của các nước này.

Hiệp ước khí hậu Glasgow của COP26, cũng bởi vậy, được xem là đã "đặt trọng tâm chưa từng có vào các vấn đề tổn thất và thiệt hại", theo nguyên tắc các nước giàu, vốn chịu trách nhiệm chính về sự nóng lên toàn cầu, nên bồi thường cho những nước nghèo do tác động của biến đổi khí hậu.

Song, sau sáu tháng, khi châu Phi lại một lần nữa phải "lên tiếng đòi công bằng", dường như những quyết nghị kia vẫn chưa thật sự được cụ thể hóa bằng hành động. Theo AfDN, dù đã được gia tăng, nguồn tài chính cho mục đích cải thiện khí hậu của châu Phi cũng mới chỉ đạt mức 25 tỷ USD.

"Think Resilience (Nghĩ về khả năng phục hồi)" là chủ đề thảo luận quan trọng nhất, tại Diễn đàn toàn cầu về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, do Liên hợp quốc tổ chức tại Bali (Indonesia), ngày 27/5/2022. Có điều, trong số 184 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, mới chỉ có 95 nước xây dựng được hệ thống cảnh báo nguy cơ đa chiều về các thảm họa có thể xảy đến.

Cuộc họp ấy đã kết thúc với văn bản mang tên Chương trình nghị sự Bali về khả năng phục hồi, hướng đến mục tiêu ngăn thế giới chạm mức 1,5 thảm họa thiên nhiên mỗi ngày vào năm 2030, cùng một nhận định chung: "Các hệ thống cảnh báo sớm nên bao gồm các cộng đồng có nguy cơ cao nhất; với sự trang bị đầy đủ năng lực về thể chế, tài chính và con người để hành động ứng phó". Nói cách khác, khuyến nghị cốt lõi của Chương trình nghị sự Bali là "áp dụng phương pháp tiếp cận Think Resilience cho tất cả các khoản đầu tư cũng như các quyết định, nhằm tích hợp giảm rủi ro thiên tai với tất cả các chính phủ và toàn xã hội".

Một lần nữa, "các khoản đầu tư" cũng như những vấn đề tài chính vẫn là phần tất yếu của mọi kế hoạch, trong cả việc đẩy lùi các nguy cơ lẫn bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương. Hay đúng hơn, xem việc bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương là phần bắt buộc của chương trình đẩy lùi các nguy cơ. Bởi, nếu không bảo đảm được những nhu cầu tối thiểu, mọi mục tiêu cao cả đều sẽ dễ dàng trở nên xa vời.

Vấn đề là, ở bối cảnh khó khăn chung này, khi mọi guồng máy sản xuất đều đang cố gắng "mở hết tốc lực" nhằm bù đắp quãng thời gian tê liệt bởi dịch bệnh (đồng nghĩa khiến lượng khí thải tăng vọt trở lại), song song với những gánh nặng chi phí đang cùng lúc ép xuống mọi chính phủ, với sự chia rẽ ghê gớm trên bản đồ địa chính trị giữa các cường quốc hàng đầu…, đến thời điểm COP27 khai mạc, liệu thế giới có sở hữu đủ cả tiềm lực tài chính lẫn sự đồng thuận trong tư duy?