Đối diện một "cơn bão hoàn chỉnh"

Chương trình lương thực thế giới (WFP) cảnh báo: Thế giới đang chứng kiến một "cơn bão hoàn chỉnh" gồm xung đột, biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19, làm gia tăng đói nghèo. Khi "cơn bão" này dẫn tới giá lương thực tăng cao trong năm 2022, việc bảo đảm nguồn cung lương thực sẽ là vấn đề gây lo ngại lớn trong năm 2023, đòi hỏi cộng đồng quốc tế nhất thiết phải chung sức giải quyết.

Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại về tình hình mất an ninh lương thực ở vùng Sừng châu Phi.
Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại về tình hình mất an ninh lương thực ở vùng Sừng châu Phi.

TẠI Hội nghị về an ninh lương thực thế giới vừa qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: Chiến tranh thường kéo theo đói nghèo. Những vùng chịu tác động của xung đột hiện tập trung 60% số người suy dinh dưỡng toàn cầu. Năm 2021, trong nhóm 10 nước chiếm phần lớn trong tổng số 140 triệu người dân chịu cảnh đói kém trên toàn thế giới, có tới tám nước xảy ra xung đột cần sự giám sát của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại về tình hình mất an ninh lương thực ở vùng Sừng châu Phi, nơi đang trải qua nạn hạn hán nghiêm trọng nhất trong 40 năm qua, ảnh hưởng tới hơn 18 triệu người. Bên cạnh đó, cuộc xung đột Nga-Ukraine đang làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu, vốn đã trở nên tồi tệ hơn do tình trạng Trái đất nóng lên và đại dịch Covid-19. Chỉ trong hai năm, số người rơi vào cảnh mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng gấp hai lần - từ 135 triệu người hồi trước đại dịch lên 276 triệu người tới thời điểm hiện nay. Tổng Giám đốc Chương trình Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) QU Dongyu cũng cho rằng xung đột hiện là yếu tố lớn nhất dẫn tới tình trạng gia tăng đói nghèo trên toàn cầu. Ông nhấn mạnh, cần bảo vệ mọi người dân, hệ thống nông nghiệp và các nền kinh tế trước những cú sốc trong tương lai, tăng cường hoạt động sản xuất bền vững, đồng thời cho rằng, đầu tư cho các hệ thống lương thực nông nghiệp đang là ưu tiên cấp bách hơn bao giờ hết.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cùng chung nhận định, rằng các cuộc xung đột hiện nay trên thế giới đã tạo ra một cuộc "khủng hoảng chồng khủng hoảng" trên phạm vi toàn cầu khi các quốc gia đối mặt tình trạng thiếu lương thực và giá thực phẩm, năng lượng cùng phân bón tăng phi mã. Những áp lực này xảy ra vào thời điểm tài chính công của các quốc gia đang gặp khó khăn vì đại dịch và gánh nặng nợ nần chồng chất.

Bà Kristalina Georgieva cảnh báo: Với tình trạng lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều thập niên, các hộ gia đình dễ bị tổn thương ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Trong khi đó, nạn đói thường gây ra bất ổn xã hội và bạo lực. Người đứng đầu IMF nêu rõ: Nhìn từ cuộc khủng hoảng lương thực 2007-2008, bài học kinh nghiệm rút ra là cộng đồng quốc tế cần phối hợp nhịp nhàng và nhanh chóng để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực bằng cách duy trì thương mại mở, hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương, bảo đảm nguồn cung nông sản và giải quyết các áp lực về tài chính.

HƯỞNG ứng lời kêu gọi của IMF, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã quyết định thành lập liên minh vì an ninh lương thực toàn cầu nhằm hỗ trợ thế giới chống lại cuộc khủng hoảng lương thực đang rình rập. G7 cam kết tuân thủ hệ thống đa phương dựa trên luật lệ, tăng cường hợp tác quốc tế, không bỏ sót ai lại phía sau; tái khẳng định các cam kết hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các nước kém phát triển nhất. G7 cũng cảnh báo nạn đói tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai đang bùng phát, do đó cần phải hành động một cách quyết đoán để bảo đảm cung cấp lương thực một cách nhanh chóng cho những người đói ăn nhất. Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới cũng mong muốn thay đổi cấu trúc một cách bền vững để trong tương lai các nước đang phát triển có khả năng tự cung tự cấp lương thực tốt hơn, thay vì phụ thuộc thị trường thế giới.

Song, Bộ trưởng Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức Schulze nhận định: Sáng kiến của G7 chỉ là sự khởi đầu. Liên minh vì an ninh lương thực toàn cầu sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào để tìm kiếm các giải pháp phù hợp. Ngân hàng Thế giới (WB) thông báo bổ sung 12 tỷ USD cho quỹ hỗ trợ các dự án khắc phục khủng hoảng lương thực toàn cầu, nâng tổng số vốn dành cho các dự án này lên là 30 tỷ USD. Ngoài WB, các nước G7 và Ủy ban châu Âu, các tổ chức và quốc gia đã cam kết ủng hộ liên minh lương thực còn có Nhóm ứng phó khủng hoảng toàn cầu của Liên hợp quốc, Na Uy, Đan Mạch, Liên minh châu Phi (AU), WFP và Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD)... Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức thông báo kế hoạch bổ sung 447 triệu USD để ứng phó cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng trầm trọng ở nam bán cầu. Bộ Nông nghiệp và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ thông báo hai cơ quan này sẽ cùng đóng góp gần 700 triệu USD cho các hoạt động viện trợ lương thực quốc tế.

Với những nỗ lực nêu trên của các cơ quan thuộc Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu chắc chắn sẽ bớt nghiêm trọng trong năm nay và năm 2023. Tuy nhiên, để những cơn "bão giá lương thực" không còn tái diễn, và nhằm thực hiện sáng kiến đặc biệt mang tên "Một thế giới không còn người bị đói" thì tất cả các quốc gia và tổ chức quốc tế còn phải nỗ lực không ngừng nghỉ trong nhiều thập niên tới.

Hơn 500.000 người đang sống trong điều kiện đói kém, tăng hơn 500% kể từ năm 2016. Xung đột tại các "điểm nóng" trên thế giới có thể dẫn tới hậu quả hàng chục triệu người có nguy cơ rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực, kéo theo là tình trạng suy dinh dưỡng và nạn đói trong một cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều năm.