Điểm tựa để cất cánh

Bước sang năm 2021, Việt Nam được các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế đánh giá tiếp tục là điểm sáng của thế giới nhờ thành tích nổi trội về chống dịch Covid-19 và nằm trong nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất toàn cầu trong năm 2020. Với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã ký kết và đi vào thực thi, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục “cất cánh” trong thời gian tới.

Trái cây Việt Nam được bày bán tại hệ thống siêu thị bán lẻ Don Kihote của Nhật Bản.Ảnh: BÙI HÙNG
Trái cây Việt Nam được bày bán tại hệ thống siêu thị bán lẻ Don Kihote của Nhật Bản.Ảnh: BÙI HÙNG

Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kể từ khi gia nhập WTO năm 2007 đến nay, Việt Nam đã ký kết 14 FTA khu vực và song phương, vừa kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), đang tiến hành đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (VN-EFTA) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - I-xra-en (Israel). Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ bao phủ toàn cầu với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó chín trong mười đối tác kinh tế - thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc ba trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á.
 
 Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, việc tham gia và thực thi các FTA đã mang lại những cơ hội lớn cho Việt Nam, giúp mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu; góp phần hoàn thiện chính sách phù hợp thông lệ quốc tế.
 
 Một thành tựu quan trọng của việc tham gia các FTA khu vực là giúp Việt Nam xây dựng hình ảnh một đất nước hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, mở cửa với các đối tác trên thế giới, trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế cho thấy, cùng với việc gia nhập WTO từ năm 2007, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã góp phần đưa nền kinh tế nước ta duy trì mức tăng trưởng cao từ 6-7%/năm, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát. Riêng đối với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA), sau khi có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, nhiều lô hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Liên hiệp châu Âu (EU) đã được hưởng ưu đãi từ hiệp định này. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam, việc thực thi EVFTA còn góp phần quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế.
 
 Tuy nhiên, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do, nhất là các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA không chỉ mang lại cơ hội mà còn kèm theo những rủi ro và thách thức cho Việt Nam. Đó là, thực thi các FTA giúp đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng nhập khẩu tăng theo, khiến hàng hóa trong nước phải cạnh tranh ngay trên “sân nhà”. Ngoài ra, các FTA có thể gây rủi ro đối với doanh nghiệp trong nước, đối mặt thách thức về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và trong thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây, như lao động, công đoàn, môi trường.
 
 Với “điểm tựa” là thành tích kinh tế và chống dịch trong năm 2020 cùng những triển vọng tươi sáng của việc thực thi các FTA trong năm 2021, các tổ chức quốc tế đều hy vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục cất cánh trong năm nay.
 
 Ngân hàng Thế giới (WB) vừa dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,7% trong năm 2021 và khoảng 6,5% trong năm 2022. Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam G.Mô-ri-xét (J.Morisset) khẳng định: Mọi cuộc khủng hoảng đều mang lại những cơ hội nhất định và Việt Nam đã chứng tỏ là quốc gia có sức vươn tốt trong khó khăn. Việt Nam đang thực hiện những cải cách được kỳ vọng sẽ làm “thay đổi cuộc chơi”, để từ đó tạo động lực cho nền kinh tế bay cao, bay xa hơn nữa trong giai đoạn hậu Covid-19.
 
 Trong báo cáo mới nhất về dự báo kinh tế châu Á của Ngân hàng HSBC, các chuyên gia kinh tế đánh giá: Các dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy đà phục hồi kinh tế Việt Nam đang diễn ra, nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Dự báo về tốc độ tăng trưởng trong năm 2021, HSBC cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu, dòng vốn FDI đều đặn và nhiều hiệp định thương mại được ký kết. HSBC tin tưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7,6% trong năm 2021. Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) của Anh, trong báo cáo về triển vọng phát triển của 193 nền kinh tế tới năm 2035, đã công bố dự báo gây chú ý là kinh tế Việt Nam có thể sẽ vươn lên vị trí thứ 19 thế giới vào năm 2035.
 
 Thực tế cho thấy, các FTA đang và sẽ tiếp tục là “điểm tựa” để kinh tế Việt Nam cất cánh. Những kết quả đạt được kể trên chính là minh chứng cho chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có việc tham gia các FTA và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực.