Đậm dấu ấn đối ngoại đa phương

Năm 2020 đánh dấu khoảng thời gian đầy khó khăn của thế giới, với thách thức chưa từng có từ đại dịch Covid-19, cùng bất ổn khôn lường về kinh tế, địa chính trị toàn cầu. Trong “vai trò kép” là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), Việt Nam đã thể hiện sự chủ động, khả năng thích ứng và năng lực lãnh đạo, gắn kết các nỗ lực chung vượt qua thách thức, qua đó khẳng định vị thế quốc tế, nâng tầm đối ngoại đa phương của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo cấp cao chứng kiến Lễ ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực RCEP. Ảnh: TRẦN HẢI
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo cấp cao chứng kiến Lễ ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực RCEP. Ảnh: TRẦN HẢI

Nổi bật vai trò dẫn dắt và kết nối 

Đại dịch Covid-19 có thể được ghi nhận là một sự kiện có ảnh hưởng bậc nhất trong thế kỷ 21, khi làm thay đổi cách vận hành của nhiều xã hội và phương thức quản trị của nhiều quốc gia. Đại dịch ập đến bất ngờ, khi thế giới chưa hiểu biết đầy đủ về chủng vi-rút nhỏ bé, len lỏi vào ngóc ngách đời sống của mọi cộng đồng trên khắp thế giới, không kể là nước lớn hay nước nhỏ, cường quốc hay quốc gia kém phát triển. Làn sóng Covid-19 làm trầm trọng thêm nhiều thách thức vốn đã rất phức tạp, nhất là khi cạnh tranh chiến lược gia tăng nhằm tìm kiếm cấu trúc và tập hợp lực lượng mới, những biến chuyển phức tạp, mau lẹ tác động mạnh tới các quốc gia, khu vực. Thực tế một năm qua cho thấy, rất khó xây dựng một “ốc đảo ổn định” giữa đại dương mênh mông đầy những thay đổi phức tạp, khó lường.

Trong bối cảnh ấy, ASEAN trở nên nổi bật, là mái nhà chung để các thành viên cùng nhau vượt “bão Covid-19” và triển khai mục tiêu kép, vừa duy trì đà hợp tác và xây dựng Cộng đồng, vừa ứng phó hiệu quả tác động của Covid-19. Năm 2020 chứng kiến nỗ lực bền bỉ của ASEAN, với tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng”, thể hiện bản lĩnh vững vàng, đoàn kết và thống nhất, duy trì hợp tác ứng phó thách thức đa chiều từ Covid-19, củng cố và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN. Thành tựu chung ghi đậm dấu ấn đóng góp của Việt Nam trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2020. Với sự chủ động, sáng tạo của Việt Nam trong việc dẫn dắt, điều phối hợp tác ứng phó dịch bệnh, ASEAN trở thành khu vực có hành động chung sớm nhất nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Việt Nam ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN, phối hợp các đối tác của ASEAN trong việc chỉ dẫn và hợp tác phòng, chống dịch; linh hoạt tổ chức các hội nghị, sự kiện của ASEAN theo hình thức trực tuyến, thể hiện sự chủ động và thích ứng với bối cảnh nhiều thách thức.

Đánh giá chung của ASEAN và các đối tác đều khẳng định, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN, giúp ASEAN đạt được hầu hết các mục tiêu đề ra, nhất là “nhiệm vụ kép” vừa bảo đảm ứng phó hiệu quả dịch bệnh, vừa thúc đẩy hợp tác, triển khai các kế hoạch xây dựng Cộng đồng. Tổng Thư ký ASEAN Lim Giốc Hoi (Dato Lim Jock Hoi) nêu rõ: “Giữa những bất ổn về địa chiến lược ở khu vực và thế giới, vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam giúp tăng cường mối quan hệ hữu nghị, làm sâu sắc hơn lòng tin giữa các thành viên ASEAN và giữa ASEAN với bên ngoài, khẳng định vai trò trung tâm và nâng cao vị thế của Hiệp hội. Năng lực lãnh đạo của Việt Nam thể hiện nổi bật trong thành công trong việc duy trì một ASEAN gắn kết, chủ động thích ứng với bối cảnh và thách thức mới”.

Thành viên tin cậy của cộng đồng quốc tế

Trong lần thứ hai đảm nhiệm trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (nhiệm kỳ 2020-2021), Việt Nam nhấn mạnh cam kết thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, thông qua chủ đề “Việt Nam: Đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững”. Mục tiêu ưu tiên là thúc đẩy các nỗ lực ngăn ngừa xung đột, giải quyết khủng hoảng, tăng cường gắn kết, hợp tác giữa LHQ với các tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó có ASEAN. Việt Nam có cơ hội và thuận lợi để thúc đẩy mục tiêu này, khi năm 2020 cùng lúc đảm nhiệm “trọng trách kép”, tại ASEAN và Hội đồng Bảo an LHQ. 

Năm 2020 đánh dấu chặng đường 75 năm LHQ phục vụ và đóng góp cho sự nghiệp hòa bình và phát triển toàn cầu, song có nhiều thách thức lớn đặt ra với hệ thống đa phương, trong đó có thách thức chưa từng có là đại dịch Covid-19. Cùng nhóm E10 (các Ủy viên không thường trực), Việt Nam đã thúc đẩy vai trò cầu nối, thông qua chia sẻ thông tin và kết nối, giúp thu hẹp bất đồng trong nhóm P5 (các Ủy viên thường trực), thúc đẩy hành động chung, ủng hộ lẫn nhau trong nhiều vấn đề, nhất là chống biến đổi khí hậu và ứng phó Covid-19.

Không chỉ với nhóm E10, sự chủ động, tích cực của Việt Nam còn nổi bật trong việc thúc đẩy tiếng nói của ASEAN. Năm 2020, ASEAN có tới hai thành viên tham gia Hội đồng Bảo an LHQ là Việt Nam và In-đô-nê-xi-a (Indonesia). Với sáng kiến của Việt Nam, hai nước đã có gần 20 bài phát biểu chung, về nhiều vấn đề quan trọng, thậm chí khó tìm được tiếng nói chung trong cơ quan quyền lực nhất của LHQ. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ tháng 1-2020, Việt Nam thúc đẩy cuộc thảo luận lần đầu giữa LHQ và ASEAN; cùng các nước ASEAN thúc đẩy Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết đầu tiên về hợp tác LHQ - ASEAN. Cũng với đề xuất của Việt Nam, Đại hội đồng LHQ phê chuẩn thành lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh (27-12), phản ánh sự đồng thuận quốc tế trước những thách thức toàn cầu mới nảy sinh.

Đại dịch Covid-19 làm gián đoạn các dòng chảy thương mại, đẩy kinh tế toàn cầu vào vòng xoáy suy thoái nghiêm trọng. Việc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được 10 nước ASEAN và năm đối tác ký kết đã tạo động lực quan trọng và đúng lúc cho chủ nghĩa đa phương và hệ thống thương mại toàn cầu đang trì trệ. Tương tự, khép lại chặng đường thực hiện các Mục tiêu Bô-go về tự do hóa thương mại, APEC đã thông qua định hướng hợp tác dài hạn với văn kiện Tầm nhìn APEC năm 2040. Đây là sáng kiến do Việt Nam khởi xướng và nỗ lực thúc đẩy APEC thảo luận và thông qua. Các văn kiện RCEP và Tầm nhìn APEC năm 2040 càng làm nổi bật dấu ấn Việt Nam trong các dự án hợp tác, gắn kết và liên kết kinh tế ở khu vực...

Thế giới bước vào thập niên phát triển thứ ba của thế kỷ 21, với nhiều thách thức mới từ chủ nghĩa đa phương, song xu thế lớn vẫn là hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển. Thành tựu đối ngoại đa phương trong năm qua khẳng định: Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực đóng góp, tham gia điều hành và dẫn dắt các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.