Cuộc khủng hoảng hình chữ V

Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) M.Cormann dự báo: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ tăng 5,6% trong năm nay và 4% vào năm 2022, song tốc độ phục hồi kinh tế của mỗi nước nói riêng và toàn thế giới nói chung vẫn phụ thuộc tốc độ tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở nhiều quốc gia.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở nhiều quốc gia.

Để “đón đầu” giai đoạn kinh tế mở cửa hoàn toàn sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ đã công bố kế hoạch tuyển dụng hàng nghìn lao động chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn nhu cầu tiêu dùng bùng nổ. Nhằm thu hút và giữ chân người lao động, các công ty như McDonald hay Amazon đã công bố chế độ lương thưởng mới. Theo đó, tăng trung bình 10% lương theo giờ cho hàng chục nghìn lao động của các hãng. Là một trong những nước có tỷ lệ người tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cao nhất thế giới, Mỹ kỳ vọng nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ sớm mở cửa hoàn toàn, và hoạt động kinh tế của “xứ cờ hoa” sẽ khôi phục bền vững nhờ gói hỗ trợ kinh tế 1.900 tỷ USD của Chính phủ Mỹ. 

Đà phục hồi ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc cũng vững chắc hơn. Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc vừa công bố dữ liệu cho thấy sức tiêu dùng trong nước tiếp tục được củng cố, trong khi giá hàng hóa ổn định. Ngành du lịch nội địa của nước này có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Tại Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, xuất khẩu và sản xuất phục hồi mạnh mẽ trong quý I sau khi bị sụt giảm do đại dịch. Lần đầu kể từ tháng 8-2018, Văn phòng Chính phủ Nhật Bản đánh giá các chỉ số kinh tế của “đất nước Mặt trời mọc” ở mức lạc quan nhất trong thang đo năm mức. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Phát triển Hàn Quốc (KDI) đánh giá: việc doanh số bán lẻ, xuất khẩu và đầu tư thiết bị đều tăng cho thấy ngành sản xuất của nước này đang có xu hướng phục hồi vững chắc.

Tại Anh, việc các dịch vụ trong nhà vừa được mở cửa trở lại được coi là “cú huých” cho lĩnh vực vốn nằm trong số những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Quảng cáo tuyển dụng trực tuyến đã tăng mạnh ở “xứ sở Sương mù” nhờ việc mở lại các quán rượu, nhà hàng và dịch vụ khách hàng, trong khi người tiêu dùng nước này cũng chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ tiêu dùng và du lịch, giúp các công ty có thêm lợi nhuận.

Liên hiệp châu Âu (EU) đã điều chỉnh mạnh dự báo tăng trưởng trong năm nay và năm 2022, đồng thời cho rằng việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 và kế hoạch phục hồi mang tính bước ngoặt của liên minh này sẽ sớm đưa EU thoát khỏi suy thoái. Theo Ủy ban châu Âu, tăng trưởng kinh tế ở 19 quốc gia trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể đạt 4,3% trong năm 2021 và 4,4% trong năm 2022; tăng trưởng kinh tế của 27 nước thành viên EU sẽ đạt mức 4,2% trong năm nay và 4,4% trong năm sau.

Giới phân tích nhận định, chi tiêu công là động lực quan trọng trong việc đưa người lao động và các công ty châu Âu vượt “bão Covid-19”, trong đó phải kể đến kế hoạch phục hồi 910 tỷ USD của EU. Ngoài ra, một trong những khía cạnh tích cực có thể gạn lọc từ cuộc khủng hoảng Covid-19 là sự thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở nhiều quốc gia thuộc EU, và điều này sẽ tạo đà cho tiến trình phục hồi nói chung sau đại dịch.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng đó, bức tranh toàn cảnh hiện vẫn còn không ít khoảng tối. Khó khăn vẫn bao trùm một số nền kinh tế lớn như Ấn Độ hay Brazil. Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ (SBI) ước tính: các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại nghiêm ngặt được áp dụng tại những thành phố lớn của nước này sẽ làm giảm động lực kinh tế và gây thiệt hại kinh tế 20 tỷ USD. SBI cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP tài khóa 2021 - 2022 của Ấn Độ xuống 10,4% so mức 11% dự báo trước đó. Trong khi đó, ở châu Âu, các gói kích thích kinh tế lớn đang làm gia tăng đáng kể mức nợ công của các nền kinh tế.

Trong bối cảnh chưa thật sự rõ nét như hiện nay, giới chuyên gia dự báo: Phải tới năm 2024, kinh tế toàn cầu mới có thể phục hồi hoàn toàn sau đại dịch. So cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, tiến trình hồi phục lần này sẽ nhanh hơn nhưng “sẽ không thể nhanh như việc bật công tắc”. Đó sẽ là cuộc “khủng hoảng hình chữ V” - sau tình trạng suy thoái sâu sẽ là sự phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, các chính phủ không nên lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Theo đó, thay vì gấp rút khôi phục ngân sách, rất cần chú trọng đầu tư để tạo đà phục hồi.