Bản sắc

“Vàng xanh” của Ấn Độ

Thời thuộc địa, nhiều nông dân Ấn Độ được yêu cầu trồng chàm thay vì cây lương thực, sau đó chính phủ mua thuốc nhuộm với giá rẻ mạt. Ngày nay, thuốc nhuộm chàm được tôn vinh ở nhiều ngôi làng trồng và sản xuất chàm như Kongarapattu. Hằng năm, các công ty xuất khẩu, các cơ sở thủ công mỹ nghệ và các nhà thiết kế tiếng tăm đến gõ cửa những ngôi làng để có được thứ “vàng xanh” quý giá này.

Những người đàn ông đạp nước trong bể để nước lá được oxy hóa. Ông Jesus Ciriza Larraona, người sáng lập công ty nghiên cứu mầu nhuộm.
Những người đàn ông đạp nước trong bể để nước lá được oxy hóa. Ông Jesus Ciriza Larraona, người sáng lập công ty nghiên cứu mầu nhuộm.

Nghề thủ công cổ xưa

Trong bốn thế hệ, cây chàm đã được trồng, thu hoạch và làm thuốc nhuộm trên mảnh đất thuộc sở hữu của gia đình Anbhazhagan ở ngôi làng nhỏ Kongarapattu thuộc bang Tamil Nadu. Việc sản xuất mầu nhuộm thường diễn ra ba lần một năm. Trước khi công việc bắt đầu, mọi người tập trung quanh những chiếc bể có tuổi đời trăm năm để làm lễ cầu nguyện đơn giản hay còn gọi là pooja. Người đứng đầu cầu nguyện Neel Atha (Mẹ Xanh), cái tên thiêng dân làng đặt cho mầu chàm trong vài phút và bày một lễ vật gồm chuối và dừa, trái cây ban phước theo nghi lễ của người Hindu. Anh Balachander Anbhazhagan nói: “Đây gần như là một lễ hội của làng vậy”. Người đàn ông 33 tuổi này là giám đốc của Công ty KMA Exports đã hoạt động ở đây từ những năm 60, một trong những cơ sở sản xuất thuốc nhuộm chàm tự nhiên lớn nhất Ấn Độ.

Mầu chàm còn được gọi là vua thuốc nhuộm, là một trong những mầu nhuộm cổ xưa nhất thế giới. Nó được người dân Ai Cập và châu Á sử dụng trong suốt hơn 4.000 năm qua. Ấn Độ là trung tâm lớn nhất chiết xuất và sản xuất thuốc nhuộm chàm có chất lượng cao, được ưa chuộng trên khắp thế giới. Đã có thời, những chiếc bánh thuốc nhuộm chàm từ Ấn Độ là một mặt hàng xa xỉ được người Hy Lạp và La Mã đánh giá cao hơn vàng. Mặc dù một số quốc gia ở Đông Á cũng sản xuất mầu chàm, nhưng Ấn Độ vẫn là nguồn cung cấp chính cho thế giới, đặc biệt là châu Âu. Chỉ riêng nước Anh đã nhập khẩu tới 40 nghìn tấn chàm từ Ấn Độ vào năm 1895. Đối với Công ty Đông Ấn và sau này là Ấn Độ thuộc Anh, chàm là một trong những mặt hàng có lợi nhuận cao nhất.

Công việc làm thuốc nhuộm từ chàm diễn ra theo từng giai đoạn. Cây chàm được thu hoạch ngay trước khi hoa nở, trong vòng ba giờ lá phải được đưa đến bể ngâm cho lên men để có thể tạo ra mầu nhuộm có chất lượng tốt nhất. Sau đó, người ta loại bỏ lá và cho nước chảy vào bể bên dưới. Nước lá phải được oxy hóa bằng cách sục khí để giúp bột chàm lắng xuống đáy bể. Balachander cho biết: “Chỉ vài năm trước, bốn người phải đứng trong bể đạp nước suốt hai giờ. Hiện, tôi đã thay thế bằng một chiếc máy khuấy nước sử dụng trong nuôi trồng thủy sản”. Trong thời gian một giờ, chất lỏng mầu xanh lục chuyển thành xanh lam rực rỡ. Khe trên cùng của bể chứa được mở cho nước thoát ra. Sau 21 giờ bể lắng, người ta mở khe đáy để lượng nước còn lại trong bể chảy ra từ từ, cuối cùng chỉ còn lại chất bột dưới đáy bể. Bột này được đun sôi trong lò gạch, lọc, ép và tạo thành những chiếc bánh nhỏ, rồi phơi khô trong năm ngày để trở thành bánh thuốc nhuộm.

Nhiều đời gắn bó với chàm

Gia đình Anbhazhagan đã hoàn thiện quy trình thủ công chiết xuất thuốc nhuộm chàm tự nhiên qua nhiều thế hệ. Họ vẫn sử dụng những bể xi-măng có từ thời thuộc địa. Anh Balachander nói: “Từ khi còn nhỏ, tôi đã xem thu hoạch chàm và thấy bà tôi cầu nguyện trước khi chiết xuất chàm”. Balachander tham gia vào việc kinh doanh của gia đình năm 2013. Dù không định theo nghề gia đình, “nhưng trong khi theo học bằng MBA tại Mỹ, tôi có cơ hội nghiên cứu về quản lý chuỗi cung ứng trong sản xuất chàm. Càng đọc nhiều về lịch sử của chàm, tôi càng bị thu hút”, anh nói. Đó cũng là niềm vui lớn đối với cha của anh, ông M.Anbhazhagan, 63 tuổi, người luôn mong muốn truyền lại những bí quyết của nghề thủ công này cho thế hệ sau.

Ông Anbhazhagan nhớ lại: “Cha tôi chỉ có gần 400 m2 đất ông tôi để lại để trồng chàm và chỉ có hai bể làm thuốc nhuộm: một bể chiết xuất để ngâm lá chàm qua đêm và một bể lắng nơi nước lá lên men được oxy hóa thủ công nhờ đàn ông đạp nước”. Tiếp quản công việc kinh doanh gia đình năm 1982, ông Anbhazhagan chọn cách bán trực tiếp cho nghệ nhân thay vì bán cho đại lý. “Điều này làm tăng gấp ba lợi nhuận và đến đầu những năm 90, chúng tôi mở rộng lên bốn bể chứa - hai bể chiết xuất và hai bể lắng. Mỗi bể có thể chứa tới hai tấn cây chàm và thu được ba đến năm kg bột chàm”, ông vui vẻ nói.

Hiện, gia đình sở hữu khoảng 12 ha đất, đồng thời có hợp đồng mua chàm với những nông dân ở hàng trăm ngôi làng trên khắp Tamil Nadu, tổng cộng có thể lên tới hơn 1.000 ha chàm. Ông Anbhazhagan cho biết: “Chàm là một trong những cây trồng chính ở đây và đã giúp nông dân kiếm sống tốt nhờ ngành kinh doanh mầu nhuộm xuất khẩu phát triển mạnh. Tôi rất vui vì đã tạo việc làm cho ít nhất 75 người”. Tuy vậy, việc tìm kiếm một lực lượng lao động có tay nghề cao và có năng lực không phải luôn dễ dàng đối với các nhà sản xuất chàm. Cách Kongarapattu bốn km, anh Mohammed Ayub, 39 tuổi, đang cố gắng làm sống lại di sản của gia đình ở Vengandur, quận Villupuram. Trở ngại lớn nhất của anh là “Phụ nữ địa phương tin rằng Neel Amma (một tên gọi khác của Mẹ Xanh) không thích phụ nữ làm việc trong bể. Trong khi hầu hết đàn ông đã ra khỏi làng tìm việc ở các thành phố, nên rất khó để tìm được những người lao động có tay nghề cao”. Gia đình Ayub đã trung thành với cây chàm trong bốn thế hệ, kể từ những năm 1830. Anh cho biết ở làng Vengandur, chàm vẫn đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống thường ngày. “Mỗi khi một đứa trẻ được sinh ra trong làng , vải dùng để lọc thuốc nhuộm chàm được lấy để quấn cho đứa trẻ vì nó có dược tính. Trẻ lớn hơn bị ốm sốt cũng được cho ngủ trên mảnh vải nhuộm chàm để phục hồi nhanh hơn. Chúng tôi cũng đã thường xuyên cung cấp rễ cây chàm cho những người chữa bệnh truyền thống, đặc biệt là các bệnh ngoài da và dị ứng. Và tất nhiên, những nông dân khác sử dụng lá chàm đã qua chiết xuất làm phân bón và nước từ bể để tưới cây”.

Trở về sắc màu tự nhiên

“Vàng xanh” của Ấn Độ -0 

Tại Auroville, cách Kongarapattu một giờ lái xe, anh Jesus Ciriza Larraona là người sáng lập công ty nghiên cứu màu nhuộm mang tên Sắc màu của tự nhiên. Hơn 25 năm theo đuổi nghề này, anh dần hoàn thiện nghệ thuật nhuộm chàm nhờ học hỏi từ các văn bản cổ xưa và những thợ thủ công truyền thống khắp Ấn Độ và thế giới. Là người gốc Tây Ban Nha nhưng lại yêu thích mầu nhuộm tự nhiên của Ấn Độ vì sự thân thiện môi trường và sắc xanh bí ẩn của nó, anh quyết định định cư ở Auroville. Hành trình không hề dễ dàng vì ngay cả những làng nhuộm truyền thống của Ấn Độ như Gisedgudda ở Karnataka, một ngôi làng nổi tiếng với Ilkal sari (một loại sari truyền thống với phần thân bằng vải bông và viền lụa) nơi anh đến cũng sử dụng bột chàm tổng hợp. “Họ biết kỹ thuật nhưng tôi cảm nhận quá trình lên men vẫn không đúng. Sau đó tôi nhận ra họ không còn nhớ mùi thuốc nhuộm tự nhiên bởi sử dụng bột chàm tổng hợp hàng chục năm, nên không xử lý được chuyện này”, anh nói. Sau khi tiếp xúc với các chuyên gia nhuộm khác nhau từ Nhật Bản, Thái Lan, Mexico và mày mò sách vở, anh đã làm sống lại quy trình lên men chàm tự nhiên.

Thách thức lớn nhất của anh trong nỗ lực bảo tồn và khôi phục nghệ thuật nhuộm mầu tự nhiên là đối phó với các loại mầu tổng hợp được cho là mầu tự nhiên trên thị trường. Cô Jagadda Rajappa, một chuyên gia về nhuộm và vải tự nhiên, đồng ý rằng hiện rất khó tìm thấy bột chàm không pha tạp ở thị trường Ấn Độ. “Giá của bột chàm tổng hợp của Đức (4-5 USD/kg) thấp hơn nhiều so với chàm tự nhiên (khoảng 41 USD/kg). Quá trình nhuộm giống nhau và người mua rất khó phát hiện ra thuốc nhuộm được sử dụng có phải từ tự nhiên hay không”.

Rajappa sau nhiều năm miệt mài với các mầu nhuộm tự nhiên, ban đầu là các nguyên liệu phổ biến như củ nghệ, củ cải đỏ... đã gặp được sư phụ của mình từ một gia đình nhuộm chàm truyền thống ở Yellapa, quận Anantapur (bang Andhra Pradesh). Yellapa có khoảng 100 thùng nhuộm và Rajappa đã tìm hiểu những sắc thái tinh tế của nghệ thuật nhuộm chàm - chôn thùng trong đất để ổn định nhiệt độ, cho hạt muồng vào để tăng tốc quá trình lên men... Theo cô, “cần đối xử với chiếc thùng như một cơ thể sống vậy, cần mọi giác quan để nhận biết khi nào chúng hoàn hảo, từ ngửi mùi, chạm vào đến lắng nghe âm thanh. Chỉ có thể hoàn thiện nghệ thuật nhuộm chàm với thời gian. Ngay khi thùng nhuộm có vấn đề, một nghệ nhân sẽ biết cách xử lý ổn thỏa”. Cô đã mở nhiều hội thảo về kỹ thuật nhuộm mầu tự nhiên và vui mừng thấy sự hồi sinh của nghề trồng và làm thuốc nhuộm chàm ở nhiều vùng khác nhau của Ấn Độ - từ Puducherry đến Vijayawada, Rajasthan đến Bengal. Cô tin rằng xu hướng thân thiện môi trường và trở về tự nhiên của các nhà thiết kế “xanh” sẽ mang lại những ngày rực rỡ cho mầu chàm tự nhiên ở Ấn Độ. “Thiên nhiên chẳng bao giờ thôi làm chúng ta ngạc nhiên với sắc màu của nó,” cô nói.