Trường học sống chung cùng Covid

Mặc dù thừa nhận những lựa chọn khó khăn mà các chính phủ phải đối mặt do Covid-19 và khả năng lây lan của dịch bệnh, ông James Elder, người phát ngôn của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nói rằng: “các trường học nên là nơi cuối cùng đóng cửa và là nơi đầu tiên mở cửa trở lại”.

Học sinh Indonesia sát khuẩn tay trước khi vào lớp.
Học sinh Indonesia sát khuẩn tay trước khi vào lớp.

Liên hợp quốc nhấn mạnh: các trường học bị đóng cửa do đại dịch nên sớm mở cửa trở lại. Theo ông Elder, việc mở cửa trường học trở lại không thể đợi đến khi tất cả giáo viên và học sinh được tiêm chủng, đồng thời ông kêu gọi các chính phủ bảo vệ ngân sách giáo dục bất chấp khó khăn kinh tế do đại dịch gây ra.

Uớc tính lần đầu tiên trong lịch sử, khoảng 1,5 tỷ trẻ em không được đến trường do Covid-19, với ít nhất một phần ba không thể tiếp cận việc học tập từ xa. Tại gần một nửa số nước ở châu Á và Thái Bình Dương, các trường học đã bị đóng cửa hơn 200 ngày kể từ khi dịch bùng phát. Ông Elder nói, trên khắp thế giới, “giáo dục, an toàn, bạn bè và thực phẩm đã được thay thế bằng lo lắng, bạo lực và mang thai ở tuổi vị thành niên”. Khi nhiều nước phát triển mở cửa chào đón học sinh trở lại trường học vào năm học mới, hơn 100 triệu trẻ em vẫn không được đến lớp do dịch bệnh ở 16 quốc gia. Có khoảng từ 10 đến 16 triệu trẻ em có nguy cơ không được trở lại trường, trong đó trẻ em gái dễ bị tổn thương nhất.

Hiện các nước châu Á đang vật lộn với các đợt bùng phát Covid-19 trầm trọng do các chủng virus mới. Các trường học được mở cửa trở lại đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để giữ an toàn cho học sinh và giáo viên, trong khi ở những nơi khác, trường học vẫn tiếp tục đóng cửa.

Tại Trung Quốc, chủng Delta bùng phát bắt đầu từ cuối tháng 7 khi các trường học nghỉ hè, và nhanh chóng lan rộng ở hàng chục tỉnh, thành phố kể cả thủ đô Bắc Kinh. Tuy nhiên, các biện pháp nghiêm ngặt như xét nghiệm diện rộng hàng chục triệu cư dân, thậm chí khóa cửa nhà... đã chứng tỏ kết quả. Nhiều trường học mở cửa trở lại vào đầu tháng 9, tuy vậy các thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh lần này vẫn thận trọng trong việc mở cổng trường cho các nhóm lớn. Ở Nam Kinh các trường trung học cơ sở và tiểu học ở các khu vực có nguy cơ cao sẽ khai giảng chậm hai tuần.

Các trường học ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Tứ Xuyên sẽ mở cửa trở lại bình thường, nhưng có thể đi kèm một số hạn chế. Tại các khu vực có nguy cơ thấp ở Bắc Kinh, giáo viên và học sinh phải có kết quả xét nghiệm âm tính và mã số xanh trên ứng dụng “thẻ thông hành sức khỏe”. Tất cả các hội nghị, hoạt động, trại hè không thiết yếu và huấn luyện quân sự của học sinh bị hủy bỏ hoặc chuyển sang chế độ trực tuyến. Tại Thâm Quyến, học sinh sẽ trở lại trường học, nhưng bắt buộc phải kiểm tra nhiệt độ, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và rửa tay. Giới chức ở tỉnh Vân Nam và tỉnh Sơn Đông kêu gọi giáo viên và học sinh ở các khu vực có nguy cơ lây nhiễm thấp ngoài tỉnh trở về càng sớm càng tốt, đồng thời yêu cầu các em phải trải qua thời gian cách ly 14 ngày trước khi khai giảng.

Trường học sống chung cùng Covid -0
Học sinh ở Nam Kinh (Trung Quốc) xếp hàng đăng ký tiêm vắc-xin Covid-19. Ảnh | Reuters 

Tháng trước, Bộ Giáo dục đã hối thúc chính quyền địa phương thúc đẩy việc tiêm chủng cho học sinh sau khi một số tỉnh công bố đủ điều kiện tiêm cho trẻ em từ 3 đến 17 tuổi. Ông Wang Peiyu, Phó hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Bắc Kinh nói, mặc dù tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc vẫn chưa ổn định, các thành phố nên cho các trường học mở cửa trở lại tùy theo tình hình dịch bệnh tại địa phương, đây cũng là một phần trong quá trình bình thường hóa trong công tác phòng, chống dịch của quốc gia.

Với sự gia tăng mạnh số ca mắc bệnh ở những người trẻ tuổi do chủng Delta và việc chậm triển khai tiêm chủng cho trẻ từ 12-15 tuổi, các trường học khắp Nhật Bản đang áp dụng nhiều phương pháp để hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Một số chính quyền địa phương đã kéo dài kỳ nghỉ, trong khi những nơi khác chia các lớp học thành sáng và chiều. Bộ trưởng giáo dục Koichi Hagiuda cho biết: “Chúng tôi sẽ không kêu gọi đóng cửa hàng loạt trường học vì hy vọng sẽ có những quyết định linh hoạt phù hợp từng hoàn cảnh”.

Ở thành phố Yokohama và Kawasaki, thời gian bắt đầu năm học đã bị lùi lại vài ngày đến đầu tháng 9. Trong tuần đầu tiên, các lớp học sẽ chỉ tổ chức vào buổi sáng. Các câu lạc bộ thể thao và các hoạt động khác đã bị đình chỉ. Việc kiểm tra sẽ được tăng cường. Chính phủ sẽ phát 800.000 bộ dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên cho học sinh và nhân viên tại các trường mẫu giáo và trường học từ tháng 9. Bộ Giáo dục cũng đưa ra các hướng dẫn nêu rõ các trường hợp mà trường học ở các khu vực đang trong tình trạng khẩn cấp nên xem xét việc đóng cửa các lớp học và thực hiện các biện pháp tăng cường khác.

Tại Ấn Độ, gần 250 triệu trẻ em đã không được đi học sau gần 18 tháng kể từ khi đại dịch bùng phát. Các trường học trên khắp đất nước đã triển khai các bài học trực tuyến. Nhưng đối với hàng triệu người sống ở vùng nghèo hoặc vùng nông thôn, không có điện thoại hoặc máy tính, việc học tập là một thách thức lớn. Chỉ có khoảng 1/4 trẻ em có khả năng truy cập Internet và có các thiết bị kỹ thuật số, theo UNICEF. Bà Shavati Sharma Kukreja của tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục Central Square Foundation cho biết, lớp học ảo đã làm sâu sắc thêm những bất bình đẳng hiện có, “những đứa trẻ ít có đặc quyền hơn đã mất hơn một năm học hành”.

Ở một số bang của Ấn Độ, các trường học bắt đầu mở cửa trở lại vào đầu năm 2021, nhưng nhanh chóng lại đóng cửa vào tháng 4 khi làn sóng thứ hai do biến thể Delta ập đến. Kể từ cuối tháng 7, trường học ở các bang như Gujarat, Bihar, Uttarakhand, Madhya Pradesh và Bihar đã bắt đầu mở cửa dần dần. Delhi, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch đã thông báo các trường học sẽ mở cửa từ tháng 9. Dự kiến tháng 10 bắt đầu tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.

Nhiều tỉnh ở Indonesia đang áp dụng hình thức đào tạo từ xa do các ca nhiễm bệnh tại địa phương vẫn ở mức cao, mặc dù trường học ở một số vùng sẽ sớm đón học sinh trở lại. Tại Jakarta, nơi các ca nhiễm giảm, 610 trường sẵn sàng mở cửa vào đầu tháng 9, gần 18 tháng kể từ lần đầu tiên đóng cửa. Các lớp học sẽ được giới hạn ở một nửa quy mô thông thường và sẽ chỉ được tổ chức vào ba buổi một tuần, được phun khử khuẩn vào những ngày còn lại. Học sinh phải đeo khẩu trang, không được nói chuyện trong lớp và phải tự mang thức ăn.

Cô Nidia Khaofiya, một giáo viên tiểu học ở Đông Jakarta nói: “Giáo viên, học sinh và phụ huynh rất hào hứng với chính sách mới này vì chúng tôi đã không học trên lớp một thời gian rất dài”. Jakarta cũng là một trong những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất cả nước: Hơn 90% trẻ em từ 12 đến 18 tuổi và 85% giáo viên đã được tiêm chủng đầy đủ.

Theo UNICEF, Indonesia là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong ở trẻ em (dưới 18 tuổi) cao nhất: chiếm 1% số ca tử vong của cả nước vì căn bệnh này, so với tỷ lệ trung bình trên toàn thế giới là khoảng 0,3%. Các chuyên gia y tế cho biết, tỷ lệ tử vong cao ở trẻ em do nhiều yếu tố gây ra, từ dinh dưỡng và các bệnh đi kèm, đến khó khăn trong việc yêu cầu trẻ tuân theo các biện pháp y tế như đeo khẩu trang và quan niệm sai lầm rằng trẻ em ít bị tổn thương do Covid-19.

Khoảng 9.000 trường học ở Philippines đã phải đóng cửa kể từ tháng 3 năm ngoái do dịch bệnh và chính phủ buộc phải thúc đẩy việc học tập từ xa. Tuy nhiên do thiếu nguồn lực và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số yếu, ít nhất hai triệu học sinh đã bỏ học. Ở nhiều huyện nghèo, giáo viên phải đi đến các khu rừng và nông trại để kiểm tra tình hình những học sinh đang gặp khó khăn hoặc phải bỏ học. Những học sinh này buộc phải dựa vào các bài học được in mà cha mẹ nhận được từ trường.

Năm học mới sẽ bắt đầu vào tháng 9, tuy nhiên Tổng thống Rodrigo Duterte yêu cầu chỉ mở cửa trường học khi ít nhất một nửa dân số được tiêm chủng. Nhiều ý kiến cảnh báo việc đóng cửa các trường học kéo dài đã tạo ra một cuộc khủng hoảng không chỉ trên lĩnh vực giáo dục mà còn đối với sức khỏe tâm thần, sức khỏe và sự an toàn của trẻ em. Bà Rowena Legaspi, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển và Quyền hợp pháp của trẻ em cho biết: “Nếu không có sự can thiệp tích cực và nghiêm túc, những trẻ em (bỏ học) này sẽ không bao giờ được đi học trở lại. Đây sẽ là một mất mát đáng kể cả ở cấp độ cá nhân lẫn xã hội”.