Bình luận

“Thùng thuốc súng Kavkaz”

Một bức tường bị đạn bắn ở quận Tartar, khu vực Nagorny-Karabakh vào tháng 9. Ảnh | GETTY IMAGE
Một bức tường bị đạn bắn ở quận Tartar, khu vực Nagorny-Karabakh vào tháng 9. Ảnh | GETTY IMAGE

Leo thang

Ngày 27-9, xung đột giữa Azerbaijan và Armenia, hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô (trước đây) đã bùng nổ dữ dội tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh. Chỉ trong ít ngày, xung đột đã leo thang khi hai nước cùng tuyên bố bước vào “trạng thái thời chiến” với thương vong của cả hai phía tăng lên từng ngày.

Cả Azerbaijan và Armenia đều cáo buộc lẫn nhau là bên kia đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, phát động trước cuộc tấn công quân sự. Rất khó để kiểm chứng một cách độc lập thông tin của hai phía đưa ra và song song với một cuộc xung đột quân sự đang là một cuộc chiến thông tin giữa Baku và Yerevan.

Tổng thống Azerbaijan, ông Ilham Aliyev khẳng định rằng xung đột xảy ra là hành động khiêu khích quân sự theo kế hoạch vạch sẵn của phía Armenia, mà theo ông, Thủ tướng Armenia muốn đánh lạc hướng chú ý của công luận khỏi các vấn đề bê bối trong nước này. Ông Aliyev thông báo đã ra lệnh tiến hành một chiến dịch phản công quy mô lớn nhằm đáp trả cuộc tiến công của quân đội Armenia. Ông Aliyev nói: “Tôi tin rằng chiến dịch phản công của chúng tôi sẽ thành công, chấm dứt hiện tượng bất công và tình trạng bị chiếm đóng kéo dài trong 30 năm”.

Trong khi ấy, Thủ tướng Armenia, ông Nikol Pashinyan cho rằng, chiến dịch tấn công của Azerbaijan diễn ra theo kế hoạch được vạch trong thời gian tập trận chung của quân đội Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Nikol Pashinyan đã tuyên bố tình trạng thiết quân luật trên toàn quốc, ra lệnh tổng động viên. Ông Nikol Pashinyan cáo buộc Azerbaijan “có kế hoạch xâm lược”, kêu gọi người dân “sẵn sàng bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của đất nước”, đồng thời cảnh báo rằng khu vực này đang bên bờ vực của một cuộc chiến tranh quy mô lớn.

Có vẻ như cả Azerbaijan và Armenia đều không sẵn sàng xuống thang. Thủ tướng Armenia, Pashinyan cho rằng “bầu không khí hiện nay không phù hợp với đàm phán” do các chiến dịch quân sự vẫn đang được tiến hành ở vùng Nagorny-Karabakh; trong khi Tổng thống Azerbaijan, trong cuộc phỏng vấn với truyền hình Nga, khẳng định sẽ không có đối thoại do các yêu cầu từ Yerevan là “không thể chấp nhận được”.

“Thùng thuốc súng Kavkaz” đang nằm bên một mồi lửa chực chờ mang tên Nagorny-Karabakh.

Ngòi nổ

Ngòi nổ trực tiếp của cuộc xung đột hiện nay giữa Azerbaijan và Armenia là khu vực Nagorny-Karabakh. Có diện tích khoảng 4.400 km2, đây vốn là một tỉnh tự trị nằm ở phía Tây Nam Azerbaijan thuộc Liên Xô (trước đây). Điều phức tạp nằm ở chỗ tuy là một tỉnh thuộc Azerbaijan nhưng đa số dân cư ở đây lại là người Armenia theo Cơ đốc giáo.

Nếu như có một hệ lụy trực tiếp nào từ tình trạng hỗn loạn của Liên Xô (trước đây) trong những năm cuối thập kỷ 1980 rồi tiếp theo đó là sự sụp đổ của Liên Xô vào cuối năm 1991 thì đó chính là tình trạng bất ổn ở Nagorny-Karabakh.

Ngày 20-2-1988, ban lãnh đạo Cộng hòa Xô viết Karabakh quyết định bỏ phiếu thống nhất lãnh thổ tự trị này với Armenia. Người Armenia tại thủ đô Yerevan tổ chức biểu tình ủng hộ quyết định này, kêu gọi sáp nhập khu vực Nagorny-Karabakh vào Armenia. Ngay lập tức, người Azerbaijan cũng biểu tình đáp lại tại Baku để phản đối ý định này.

Phản ứng trước các cuộc biểu tình, Tổng thống Liên Xô khi ấy là Mikhail Gorbachev tuyên bố biên giới giữa các nước Cộng hòa không thể thay đổi theo tinh thần Điều 78 của Hiến pháp Liên Xô năm 1977. Ông Gorbachev tuyên bố rằng ở thời điểm ấy, nhiều vùng khác thuộc Liên Xô cũng có mong muốn thay đổi lãnh thổ nên việc vẽ lại biên giới tại Nagorny-Karabakh sẽ tạo nên một tiền lệ nguy hiểm.

Nhưng lời nói của ông Gorbachev chỉ có giá trị đến cuối năm 1991. Khi Liên Xô sụp đổ, đã không còn một vòng cương tỏa nào đủ sức ngăn cản xung đột bùng lên giữa hai nước láng giềng cũ trong Liên bang Xô viết. Những cuộc giao tranh đẫm máu tiếp tục kéo dài cho tới tận năm 1994, với việc đại diện của Armenia, Azerbaijan, Nagorny-Karabakh và Nga gặp mặt tại Moscow vào tháng 5-1994 để ký hiệp định ngưng bắn. Kết quả là một chính phủ Cộng hòa Nagorny-Karabakh tự xưng ra đời, duy trì một lực lượng quân đội riêng.

Những năm sau đó, cộng đồng quốc tế đã có hàng loạt các động thái yêu cầu cả hai bên có những thỏa hiệp nhằm tái lập tình trạng hòa bình trong khu vực Nagorny-Karabakh. Tuy nhiên, mọi đề xuất liên quan đến một hình thức tự trị cho khu vực Nagorny-Karabakh đều bị cả hai phía bác bỏ.

Các cuộc xung đột lẻ tẻ giữa hai phía vẫn tiếp diễn, lần gần nhất diễn ra vào tháng 4 năm 2016. Tuy nhiên, chiến sự mới chỉ diễn ra được bốn ngày thì dưới sự trung gian của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu OSCE, một tổ chức an ninh liên chính phủ lớn nhất thế giới, hai bên đạt được ngừng bắn, cho đến khi xung đột lại bùng nổ cuối tháng 9 vừa qua.

Chọn phe

Cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia xung quanh khu vực Nagorny-Karabakh không chỉ liên quan (chủ yếu) đến vấn đề lãnh thổ giữa hai bên, mà nó còn phức tạp hơn nhiều bởi lẽ còn có các bên có liên quan.

Do các yếu tố lịch sử, Nga là một đồng minh của Armenia. Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi còn tồn tại Liên bang Xô viết, Armenia được coi là tiền đồn ở phía Nam của Liên Xô nhằm chống lại khả năng Thổ Nhĩ Kỳ, khi ấy là một thành viên NATO, phát động chiến tranh nhằm vào Liên Xô. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga coi Armenia là một đối tác chiến lược quan trọng ở khu vực Nam Kavkaz, thậm chí có cả căn cứ quân sự ở Armenia.

Tuy vậy, Nga cũng điều chỉnh chính sách, giữ quan hệ tốt với cả Baku bởi Azerbaijan có một vị trí trọng yếu trên các phương diện kinh tế, năng lượng, quân sự đối với Moscow. Ngoài ra, Moscow hoàn toàn không muốn các nước ngoài khu vực “nhúng mũi” vào khu vực sườn phía Nam của nước Nga. Bởi vậy, về mặt chiến lược, Nga cố gắng duy trì vị thế trung gian, không thiên lệch về bên nào trong cuộc xung đột kéo dài đã 30 năm này.

Trong khi đó thì Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên NATO lại khẳng định sẽ ủng hộ Azerbaijan hết mình.

Điều này không có gì khó hiểu bởi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia từng có nhiều ân oán trong lịch sử. Người Armenia vẫn thù oán Thổ Nhĩ Kỳ do những vụ tàn sát người Armenia trong lịch sử do đế quốc Ottoman tiến hành từ năm 1915 đến 1917, điều mà chính phủ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ luôn bác bỏ coi đó là một cuộc diệt chủng.

Trong khi đó, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đều cùng một dân tộc (Turk), cùng theo đạo Hồi, trong khi người Armenia theo Cơ đốc giáo. Ankara luôn muốn gây ảnh hưởng ở khu vực Kavkaz, thậm chí cả ở vùng Trung Á với hy vọng xây dựng một liên minh quốc gia dân tộc hùng mạnh dựa trên sự đồng nhất về ngôn ngữ, tôn giáo, sắc tộc.

Hơn thế nữa, từ góc độ lợi ích thực tế, gần khu vực Nagorny-Karabakh có ba đường ống dẫn khí từ vùng biển Caspi của Azerbaijan đến châu Âu đi ngang qua Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bối cảnh đang mâu thuẫn với một số thành viên NATO về nguồn tài nguyên dầu khí ở phía Đông Địa Trung Hải, việc ủng hộ Azerbaijan chống Armenia, giương cao ngọn cờ bảo vệ đường ống khí đốt giúp Ankara xoa dịu quan hệ với các đồng minh NATO.

Do vậy, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này cam kết giúp Azerbaijan lấy lại những vùng đất đã mất, thậm chí Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ còn tuyên bố rằng nếu tình hình thay đổi, nước này sẽ cân nhắc điều động quân đội giúp Azerbaijan!

Mỹ, cường quốc thế giới, kể từ khi ông Trump vào Nhà Trắng bốn năm trước đây với khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết”, thực chất không quan tâm quá nhiều đến vấn đề Nagorny-Karabakh. Khả năng Mỹ đóng một vai trò nào đó ở khu vực này cũng hết sức hạn chế và cũng như Nga, Washington không thể đứng thiên lệch về bên nào bởi sẽ làm tổn hại đến lợi ích của chính mình trong khu vực.

Ảnh hưởng của các cường quốc

Như vậy, sự có mặt của hai thế lực trong khu vực là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đằng sau cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia hiện nay, trong khi Mỹ hầu như đứng ngoài cuộc, có thể ảnh hưởng tới một số diễn tiến trong tương lai của cuộc xung đột.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từng chia sẻ lợi ích với nhau khi giải quyết vấn đề Syria, nhưng lại hoàn toàn ở hai phía đối lập trong vấn đề Libya. Hai bên cũng mâu thuẫn trong việc khai thác khí đốt ở phía Đông Địa Trung Hải; Nga đứng về phía Hy Lạp và Cộng hòa Síp, phản đối các hoạt động khai thác khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực này…

Sự hòa giải ở mức độ nào đó giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có tác động nhất định đến triển vọng hòa giải giữa Baku và Yerevan. Tương quan lợi ích giữa Moscow và Ankara có thể tác động đến cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia, với khả năng lớn là có tác dụng ngăn ngừa không để nó phát sinh thành xung đột lớn, dẫn tới chiến tranh.

Cùng với sức ép của Nhóm Minsk (bảy thành viên, với Nga, Mỹ và Pháp cùng làm chủ tịch) do OSCE lập ra để giải quyết cuộc xung đột Nagorny-Karabakh, khả năng đến một thời điểm nào đó, cả Azerbaijan và Armenia sẽ dần xuống thang để tránh cho “thùng thuốc súng Kavkaz” phát nổ, một viễn cảnh mà không một bên nào mong muốn xảy ra.