Tài nguyên từ rác điện tử

Đối với Eric Nshimiyimanain, người sở hữu hai cửa hàng sửa chữa điện tử nhỏ ở Kigali, Rwanda, đồ điện tử cũ hỏng là một cơ hội kinh doanh tốt. Anh tân trang lại những chiếc PC, máy tính xách tay, điện thoại và các đồ được phân loại là rác điện tử mà nếu không được tận dụng sẽ đi thẳng ra Nduba, bãi rác lộ thiên duy nhất của Rwanda ở ngoại ô thủ đô. “Đôi khi chúng tôi sử dụng màn hình máy tính làm ti-vi cho những người có thu nhập thấp và không đủ khả năng mua một chiếc ti-vi mới” - anh nói.

Công nhân làm việc tại nhà máy tái chế rác điện tử ở Rwanda.
Công nhân làm việc tại nhà máy tái chế rác điện tử ở Rwanda.

Nguy cơ hiện hữu

Trong thời đại điện thoại, máy tính bảng hoặc ti-vi công nghệ cao liên tục ra đời, việc tân trang lại các thiết bị đã hỏng và lỗi thời có vẻ không thực tế. Nhưng đối với nhiều quốc gia, đó là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị quản lý rác điện tử.

Theo báo cáo của cơ quan Giám sát chất thải điện tử toàn cầu của Liên hợp quốc, thế giới đã thải ra gần 54 triệu tấn rác điện tử vào năm 2019. Tuy nhiên, chỉ chưa đến 10 triệu tấn được tái chế. Rác điện tử bao gồm mọi thứ, từ điện thoại di động, máy tính, dàn âm thanh và bóng đèn cho đến các thiết bị gia dụng lớn như ti-vi, tủ lạnh, máy giặt và điều hòa không khí... Đáng ngạc nhiên là theo Liên hợp quốc, tổng khối lượng rác này nặng “hơn tất cả các máy bay thương mại từng được sản xuất”. Cơ quan này dự đoán sẽ có gần 75 triệu tấn thiết bị điện tử sẽ bị loại bỏ trên toàn thế giới mỗi năm từ năm 2030.

Ở Rwanda, nhu cầu về thiết bị điện và điện tử cũng tăng lên đáng kể do tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa, kết quả là lượng rác thải điện tử tăng hằng năm khoảng 6%. Chương trình thúc đẩy sự thâm nhập của công nghệ thông tin vào các vùng nông thôn với các sáng kiến khác nhau như chương trình một máy tính xách tay cho mỗi trẻ em, chương trình điện khí hóa nông thôn, rồi cung cấp dịch vụ trực tuyến cho công dân qua cổng dịch vụ điện tử Irembo... cũng góp phần vào lượng rác điện tử ngày một tăng. Ngay trước khi đất nước đóng cửa do Covid-19, doanh số bán thiết bị công nghệ để cung cấp cho những người làm việc tại nhà cũng tăng vọt.

Báo cáo cũng ước tính khoảng 20% tổng lượng rác thải điện tử được xuất khẩu, một phần trong số đó đến lục địa châu Phi. Tại Nigeria, một nghiên cứu năm 2017 cho thấy nước này đã nhập khẩu hằng năm từ 60 nghìn đến 70 nghìn tấn thiết bị điện và điện tử đã qua sử dụng (EEE), chủ yếu từ các nước phát triển như Bỉ, Anh và Đức, nhưng 19% trong số đó không còn hoạt động được.

Tại Ghana, một báo cáo của Công ước Basel năm 2011 cho thấy nước này nhập khẩu khoảng 150.000 tấn EEE mỗi năm. Bãi rác lớn nhất của đất nước này là Agbogbloshie thu hút sự chú ý của quốc tế vì đã tiếp nhận một lượng rác điện tử khổng lồ, được cơ quan Giám sát chất thải điện tử toàn cầu mô tả như một “bãi phế liệu được tổ chức tốt”, có hơn 5.000 công nhân phi chính thức khai thác kim loại từ việc đốt phế liệu mỗi ngày.

Quản lý chất thải điện tử đã trở thành một thách thức lớn mà nhiều nước châu Phi phải đối mặt vì thiếu nhận thức, thiếu luật pháp về môi trường và nguồn tài chính hạn chế. Hiện tại, rác điện tử ở châu Phi chủ yếu được xử lý thông qua các bãi thải, đốt và chôn lấp lộ thiên. Nhưng với kim loại nặng và các chất độc hại khác có trong thiết bị điện tử, những phương pháp này có thể gây ra tác động nghiêm trọng và lâu dài đến sức khỏe con người và môi trường.

Sớm mà chắc

Rwanda là một trong số ít quốc gia châu Phi có chính sách và quy định về rác điện tử và là quốc gia thứ hai ở châu Phi có cơ sở tái chế và xử lý rác điện tử hiện đại. Năm 2017, Rwanda khai trương cơ sở tái chế chất thải điện tử quốc gia ở quận Bugesera và vào năm 2018, Chính phủ đã ký hợp đồng 10 năm với công ty tư nhân Enviroserve Rwanda Green Park (công ty con của Emirati Enviroserve Services LLC Dubai) để quản lý và vận hành cơ sở này.

Theo Giám đốc điều hành Olivier Mbera, nhà máy hiện đại này có thể xử lý tới hơn 10.000 tấn rác điện tử mỗi năm. Bắt đầu đi vào vận hành đầu năm 2019, đến nay Enviroserve đã sửa chữa và tân trang hàng nghìn máy tính đem tặng hoặc bán cho các trường học, xử lý hơn 4.000 tấn rác điện tử và tạo ra khoảng 600 việc làm. Đồng thời, cũng giảm thiểu được 2.000 tấn carbon, tương đương với lượng khí thải từ tất cả các thiết bị mà cơ sở tái chế.

Những đồ không sửa chữa được sẽ được tháo dỡ, vật liệu có giá trị được thu hồi và vật liệu nguy hiểm được xử lý có trách nhiệm. “Chúng tôi nghiền nhựa thành những hạt nhỏ và đưa đến cơ sở khác để làm vật liệu nhựa mới như ghế hoặc vật liệu xây dựng. Thép thu hồi được cũng chuyển đi để gia công thành những thanh sắt chất lượng cao dùng  xây trường hay sân bay mới. Với các bảng mạch, chúng tôi phải xuất khẩu sang Enviroserve Dubai, nơi có các cơ sở công nghệ cao hơn và thân thiện với môi trường để lấy lại các kim loại quý”- ông cho biết. Tham vọng của công ty là hướng tới việc mở rộng và trở thành cơ sở tái chế pin lithium đầu tiên ở châu Phi. Công ty hiện đang tiến hành một dự án nghiên cứu với sự hỗ trợ của Bộ Thương mại và Công nghiệp cùng EU với hy vọng sẽ thu hút được nguồn đầu tư đáng kể.

Từ ba điểm thu gom rác điện tử ban đầu nơi người dân có thể bỏ hàng điện tử cũ hỏng, Enviroserve nay đã có 15 điểm và đang hướng tới xây dựng 30 điểm thu gom đặt ở tất cả các huyện ở Rwanda. Các điểm thu gom này giúp người dân dễ dàng xử lý rác thải của mình, còn rác từ các tổ chức chính phủ và các công ty tư nhân do nhà máy trực tiếp thu gom. Ông André Kamana, Phó Thị trưởng phụ trách phát triển kinh tế của quận Huye, nơi đặt một điểm thu gom rác cho biết, chính quyền tuyên truyền, khuyến khích người dân mang đồ điện tử không còn sử dụng hoặc sắp hết hạn sử dụng đến điểm thu gom. “Điểm thu gom tại huyện cũng tạo ra khoảng 100 công ăn việc làm theo chuỗi” - ông khoe. Tuy vậy, trong giai đoạn này Enviroserve vẫn phải làm việc với các công ty thu gom rác thải thông thường, đào tạo họ cách phân loại rác điện tử và đưa về nhà máy.

Nhiều nước đến tham quan mô hình Rwanda đã áp dụng để tái chế rác điện tử và ông Mbera tin rằng mô hình này không chỉ dễ áp dụng cho các quốc gia khác mà còn là một thí dụ điển hình cho cách thức hoạt động của nền kinh tế tuần hoàn ở châu Phi. “Nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn là tái sử dụng rác thải. Rác điện tử thường bị xem là một vấn đề lớn, nhưng cũng là một nguồn tài nguyên dồi dào” - ông khẳng định.

Chớp cơ hội vàng

Theo Liên hợp quốc, có tới 7% vàng trên thế giới nằm trong rác điện tử. Đây có thể là cơ hội cho các nước châu Phi cận Sahara nếu áp dụng tốt mô hình như ở Rwanda.

Ông Okechukwu Daniel Ogbonnaya, đại diện của Rwanda tại Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu, một tổ chức liên chính phủ về phát triển kinh tế bền vững, cho biết: “Rác thải ngày nay không chỉ gia tăng về số lượng mà còn gia tăng sự phức tạp và thành phần. Trong một thiết bị điện tử có vàng, bạc, bạch kim... và những kim loại này có thể được thu hồi, mang lại cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và thậm chí cho cả các thành phố trong việc tạo ra doanh thu. Rwanda là một trong những thành viên tiên phong của chúng tôi đã thực hiện rất tốt khi chuyển đổi sang con đường tăng trưởng xanh”.

Tài nguyên từ rác điện tử -0
Đập TV lấy đồ tái chế tại bãi rác lớn nhất thế giới Agbogbloshie ở Ghana. 

Còn ông Mbera cho rằng, chất thải điện tử của Rwanda là nguồn tài nguyên trị giá xấp xỉ 66 triệu USD, với hơn 10 đến 15 nghìn tấn mỗi năm sẽ có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế. Thành công của Enviroserve ở Rwanda là một điểm sáng cho phong trào xử lý rác điện tử, đào tạo nhân lực và tạo công ăn việc làm. Ông nói: “Chúng tôi đang đàm phán với các chính phủ khác ở châu Phi để thiết lập cơ sở tương tự ở quốc gia của họ”.

Một điều chắc chắn là cần có sự hợp tác trên tất cả các lĩnh vực để chống lại cuộc khủng hoảng rác thải điện tử đang gia tăng, cho dù ở quy mô lớn như Enviroserve của Rwanda hay chỉ một doanh nghiệp nhỏ ở địa phương như cửa hàng sửa chữa của anh Nshimiyimanain.