Sửa chữa “di sản”

Sự mong manh trong những chính sách của Mỹ

Bốn năm cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump với việc rút khỏi hàng loạt các thỏa thuận quốc tế, cạnh khóe các đồng minh, nghi ngờ giá trị của các liên minh, thay đổi thái độ chóng vánh với cả các đối tác lẫn đối thủ..., đã để lại một “di sản” ngoại giao mà người ta dễ dàng nhận ra: ấy là các chính sách của Mỹ, dù có tầm quan trọng đến thế nào, cũng có thể bị đảo ngược chỉ sau một nhiệm kỳ!

Tổng thống J.Biden bắt đầu chuyến công du châu Âu bằng bài nói chuyện với binh lính Mỹ ở Anh rằng khôi phục liên minh lâu dài với các nước châu Âu là quan trọng với tương lai thế giới. Ảnh | The New York Times
Tổng thống J.Biden bắt đầu chuyến công du châu Âu bằng bài nói chuyện với binh lính Mỹ ở Anh rằng khôi phục liên minh lâu dài với các nước châu Âu là quan trọng với tương lai thế giới. Ảnh | The New York Times

Chẳng hạn như trước khi ông Trump đắc cử Tổng thống, các đại diện của Mỹ đã mất bao công phu trong mấy năm trời để đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP; đến khi ông Trump vào Nhà Trắng, ông đã ký sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi TPP đúng hai ngày sau khi chính thức nhậm chức. Vậy là những tính toán về việc tăng trưởng xuất khẩu thường niên lên đến mấy trăm tỷ USD của các nhà đàm phán Mỹ tan thành mây khói; việc làm cho người lao động cũng chẳng quay về Mỹ (điều mà ông Trump cam kết), còn các nước và vùng lãnh thổ đã từng tham gia đàm phán với Mỹ về TPP lại nhọc nhằn lao vào những cuộc đàm phán mới, cuối cùng mới cho ra đời được CPTPP.

Một thí dụ khác, Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), một thỏa thuận mà Mỹ nằm trong số các nước P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) ký với Iran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama coi đây là một trong những thành tựu đối ngoại quan trọng nhất trong nhiệm kỳ, bởi theo tính toán của Mỹ, nó sẽ giúp ngăn cản chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Tehran, chí ít là cũng trong một khoảng thời gian nhất định.

Khi lên nắm quyền, ông Trump gọi đây là một “thảm họa” và tháng 5/2018 chính thức rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này, đồng thời tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống Iran. Một năm sau, tháng 5/2019, sau khi các nước châu Âu tham gia JCPOA đã thất bại trong việc thuyết phục Mỹ tôn trọng thỏa thuận, Iran bắt đầu tiến hành các bước rút dần cam kết theo JCPOA và tuyên bố sẽ quay lại tuân thủ chỉ khi Mỹ cũng làm như vậy.

Đến khi ông Biden lên thay ông Trump và tuyên bố bắt đầu xúc tiến các cuộc đàm phán để đưa Mỹ (và tất nhiên cả Iran) quay lại JCPOA, một trong những điều kiện tiên quyết của Tehran là Mỹ phải bảo đảm rằng sẽ không có chuyện một chính quyền mới lên sẽ lại đảo ngược thỏa thuận như ông Trump đã làm. Mà đấy là điều dường như các đại diện đàm phán của Mỹ quyết không dám bảo đảm!

Điều tương tự cũng diễn ra với Cuba khi ông Trump đảo ngược hoàn toàn mọi thỏa thuận của chính quyền Obama nhằm nới lỏng các lệnh trừng phạt, thiết lập quan hệ bình thường với La Habana. Những biện pháp trừng phạt của chính quyền ông Trump nhằm vào Cuba còn ngặt nghèo hơn gấp nhiều lần trước khi những biện pháp này được bãi bỏ dưới thời ông Obama...

Ông Biden khi tranh cử cũng tuyên bố sẽ quay lại đường lối với Cuba như dưới thời chính quyền của Tổng thống Obama, nhưng đã nửa năm trôi qua, vẫn chưa có bất cứ một biện pháp trừng phạt Cuba nào được ông Biden cho lệnh bãi bỏ...

“Gây cảm tình”

Thừa hưởng một “di sản” như vậy nên sứ mệnh của ông Biden là “sửa chữa” những sai sót của người tiền nhiệm, mà một trong những “điểm nóng” chính là châu Âu.

Trong những tháng đầu tiên nắm quyền, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ông Biden là cải thiện quan hệ với châu Âu (tất nhiên trừ Nga), vốn đã bị “trọng thương” dưới thời ông Trump.

Khi vấn đề liên quan đến an ninh của “lục địa già”, các chính phủ châu Âu đều được Washington tham vấn, điều khá xa lạ trong mấy năm trước. Trái với thái độ nghi ngờ của ông Trump về hiệu quả của quan hệ đồng minh trong NATO, đòi các nước thành viên của tổ chức này phải “tăng tiền” để nhận được sự bảo vệ của Mỹ, chính quyền ông Biden đã không còn công khai đòi hỏi các nước châu Âu phải dành ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho chi tiêu quốc phòng.

Chính quyền ông Biden cũng chấm dứt cuộc tranh chấp thương mại 17 năm - dài nhất trong lịch sử hiện đại - giữa Mỹ và châu Âu xoay quanh khoản trợ cấp của hai bên dành cho hai hãng sản xuất máy bay hàng đầu của họ là Boeing và Airbus. Tháng 8/2020, Mỹ đã cho máy bay chiến đấu bay qua không phận của 28 nước thành viên NATO, một hành động mang tính biểu tượng rằng Mỹ tiếp tục đảm nhiệm vai trò là chiếc ô phòng thủ cho châu Âu.

Chuyến công du châu Âu trung tuần tháng 6 vừa qua của ông Biden tiếp tục là một cơ hội để Tổng thống Mỹ gây cảm tình với những đồng minh của mình. Chỉ trong vòng tám ngày, ông Biden đã gặp gỡ khoảng 45 nhà lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ của các nước châu Âu. Ở đâu, ông Biden cũng vỗ về, đánh giá châu Âu có vai trò quan trọng trong quá trình khôi phục trật tự thế giới đa phương, khôi phục cam kết của Mỹ với NATO, liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo ở châu Âu.

Có vẻ như những nỗ lực của ông Biden nhằm gây cảm tình với người châu Âu đã có kết quả. Một tổ chức chuyên thăm dò dư luận của Mỹ cho thấy 2/3 số người châu Âu được hỏi có quan điểm ủng hộ Mỹ, gần gấp đôi con số được ghi nhận vào thời điểm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Chẳng hạn ở Pháp, tỷ lệ người có quan điểm tích cực về Mỹ ở thời điểm hiện nay vào khoảng 65% so với mức 31% vào năm 2020. Tỷ lệ ủng hộ Mỹ ở châu Âu cũng thuộc vào hàng cao nhất so với bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới.

Hai loại “thuốc thử”

Nhưng, như đã phân tích những hậu quả của chính sách đối ngoại dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump, châu Âu rõ ràng đã rút ra được những bài học về việc các cam kết với Mỹ mong manh như thế nào, tùy thuộc vào người ở trong Nhà Trắng có tính cách ra sao.

Mà cũng chẳng phải đợi đến khi nhiệm kỳ bốn năm của ông Biden chấm dứt, những thỏa thuận hay cam kết của châu Âu với Mỹ mới phải hứng chịu sự rủi ro. Nước Mỹ có một cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022, trong khi chênh lệch giữa đảng Dân chủ so với đảng Cộng hòa ở Thượng viện Mỹ là quá mong manh. Nếu cán cân thay đổi sau cuộc bầu cử giữa kỳ đó và đảng Cộng hòa quay trở lại chiếm đa số, sẽ rất khó khăn cho ông Biden nếu muốn Thượng viện thông qua một chính sách, không loại trừ khả năng liên quan đến lợi ích của châu Âu. Lịch sử nền chính trị Mỹ đã từng nhiều lần chứng kiến tình trạng “vịt què”, khi mà Tổng thống và Quốc hội ngáng chân nhau trong việc thông qua những quyết sách chính trị nào đó.

Để tránh nguy cơ phải đối mặt với những rủi ro như vậy, châu Âu đã từng bước xây dựng chính sách nhằm giảm thiểu những điểm yếu, phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ. Một thí dụ là EU đặt mục tiêu tăng gấp đôi thị phần sản xuất vi mạch của châu Âu trên toàn cầu lên khoảng 20% vào cuối thập niên này. Những chính sách như vậy nhằm hướng tới mục tiêu là châu Âu muốn xây dựng quyền tự chủ chiến lược của mình trong các vấn đề kinh tế, công nghiệp và công nghệ có giá trị quân sự để không phải hồi hộp lo âu mỗi khi có một ông chủ mới ở Nhà Trắng.

Quan hệ Mỹ - châu Âu còn phụ thuộc vào hai loại “thuốc thử” rất quan trọng khác: Nga và Trung Quốc. Khi đề xuất gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga V.Putin ở Geneva, ông Biden đã mặc nhiên truyền đi một thông điệp là bất chấp những mâu thuẫn trầm trọng với Moscow, phải chấp nhận thực tế rằng Nga vẫn là một siêu cường sở hữu vũ khí hạt nhân mà Mỹ không thể phớt lờ trong các vấn đề an ninh của châu Âu cũng như trên toàn cầu.

Một số đồng minh Đông Âu của Mỹ có thể không hài lòng với cách tiếp cận của ông Biden trong việc xử lý mối quan hệ với Nga, nhưng ông Biden vẫn phải tiếp tục làm dịu sự căng thẳng với Moscow nhằm đạt tới một mục tiêu chiến lược lớn hơn: kiềm chế Trung Quốc.

Và chính trong quá trình này, mối quan hệ Mỹ - châu Âu đã bộc lộ những điều bất cập. Nhiều quốc gia châu Âu, đặc biệt là Pháp và Đức, vốn coi Trung Quốc là một thị trường rộng lớn, một đối tác thương mại quan trọng hàng đầu, đã không hề giấu giếm sự miễn cưỡng lao vào vòng xoáy “bài Trung Quốc”, như Mỹ mong muốn.

Như vậy, để xua tan những ảnh hưởng tiêu cực của chính quyền Tổng thống Trump đối với châu Âu, những nỗ lực sửa sai của ông Biden rõ ràng là chưa đủ. Quan hệ giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới, trong đó có châu Âu, chắc chắn không thể quay lại nguyên trạng trước thời Tổng thống Trump, bởi vì thế giới và cả nước Mỹ đã thay đổi quá nhiều.