Quà tặng cuộc đời

Đã từ ba năm nay, cứ mỗi dịp cuối năm là châu Âu lại thấp thỏm lo. Người người về nhà, tàu xe chật chội, gia đình, bạn bè gặp nhau - đồng nghĩa với dịch bệnh tăng, số người mắc Covid-19 vụt tăng lên con số gấp rưỡi, gấp đôi những ngày trước đó.

Người dân Pháp kiên nhẫn xếp hàng suốt mấy giờ đồng hồ đợi xét nghiệm Covid-19.
Người dân Pháp kiên nhẫn xếp hàng suốt mấy giờ đồng hồ đợi xét nghiệm Covid-19.

Mùa Noel năm 2021 có những ngày nước Pháp sững sờ trước con số người nhiễm lên gần 300 nghìn ca chỉ trong một ngày. Đó là con số mà người ta biết được nhờ vào số người đi thử, còn biết bao nhiêu ca chưa hoặc không thử, vẫn tiếp tục lan trong cộng đồng.

Lo lắng thì lo lắng nhưng người Pháp cũng bảo nhau, đấy là dấu hiệu của một xã hội mà người ta vẫn còn cần đến gia đình, cần được nhìn thấy ai đó trong đời.

Trong một xã hội mà chủ nghĩa cá nhân, tính độc lập, sự tự do gần như là một giá trị của cộng đồng, là thước đo về sự trưởng thành của mỗi cá nhân thì việc cần ai đó để thấy ấm áp tưởng như không còn cần thiết nhưng cuối cùng vẫn hiện hữu trong đời sống. Những giá trị tưởng như cũ kỹ cuối cùng vẫn là những giá trị mà dù cuộc sống hiện đại có chi phối thế nào, thì vô thức người ta vẫn hướng về.

Năm 2020, 2021 nước Pháp trải qua hai năm dịch bệnh được coi là ổn định về kinh tế và tâm trạng xã hội. Những người thất nghiệp được hỗ trợ để chuyển đổi sang học những ngành nghề khác, lương thất nghiệp 85% có thể làm người ta đủ sống nhưng chắc chắn không thể duy trì lâu dài và hơn cả là khiến người ta tìm thấy niềm vui cũng như ý nghĩa của cuộc đời. Sự ổn định này còn có được bởi những căn nhà ở nông thôn luôn sẵn sàng mở cửa để đón con cái ở thành phố về. Trước mỗi đợt phong tỏa, cửa ngõ Paris tắc kín xe. Trên toàn nước Pháp, dòng người rời thành phố lớn khiến đường liên tỉnh tắc đến mấy trăm km. Người có nhà vườn trốn chạy khỏi thành phố. Người sống chật chội ở thủ đô, chạy về nông thôn thoáng đãng, nơi có cha mẹ, gia đình. Và nhờ những căn nhà luôn mở cửa đó, mà thủ đô không rơi vào tình cảnh người thất nghiệp bế tắc trong những căn hộ nhỏ, người làm việc online loay hoay trong bốn bức tường hẹp.

Người Việt Nam hay truyền tai nhau câu chuyện về trẻ em phương tây khi 18 tuổi sẽ dứt khoát đi ra khỏi nhà. Đấy là một nửa sự thật. Một nửa sự thật khác là cũng như mọi nơi trên thế giới - thủ đô, thành phố lớn luôn thu hút người ta đến để thử sức, để tìm kiếm cơ hội nhưng nơi chôn rau cắt rốn với cha mẹ họ hàng, vẫn là nơi có khó khăn thì được phép tìm về.

Mất việc tìm về nhà mẹ.

Chật chội tìm về quê cha mẹ.

Học online, về nhà cho tiết kiệm - nhà mẹ.

Noel năm 2021, nước Pháp hân hoan với với những cuộc hò hẹn. Con hò hẹn về nhà, bạn hò hẹn gặp nhau. Dịch bệnh không còn là chủ đề duy nhất người ta nói đến như thời gian cũ. Vắc-xin đã khiến người ta có nơi để cảm thấy yên tâm, để bám víu và về nhà. Về nhà, về nhà...

Sum họp.

Sum họp...

Cha mẹ một người bạn của tôi, dù đã được tiêm đầy đủ ba mũi nhưng vẫn nhiễm Omicron sau một chuyến viếng thăm của gia đình người con út. Cha 93, mẹ 87 đều nhiễm. Gia đình ân hận lo lắng. Người con không thể biết mình đã nhiễm bệnh khi nào, ở đâu vì bản thân cũng đã tiêm phòng đủ ba mũi, trước khi về thăm cha mẹ cả nhà cũng đã test nhanh. Kẽ hở nào? Bỏ khẩu trang khi nào? Nghìn câu hỏi được tự đặt ra cùng những giờ khắc dằn vặt khôn tả.

Gia đình khác, các con sau khi xin phép cha mẹ đã hân hoan gọi nhau tụ về từ ba châu, người về từ Mỹ, người về từ Trung Đông, người đến từ Paris. Cũng đã tiêm, cũng đã thử, rồi vẫn nhiễm bệnh và truyền cho cha mẹ. Có thể nhiễm khi bỏ khẩu trang để uống nước trên tàu? Có thể nhiễm lúc bỏ khẩu trang khi vào hàng cafe? Cũng hàng nghìn câu hỏi được đặt ra, cũng nhiều giờ dằn vặt không hết.

Trong những giờ khắc này, điều lạ là cha mẹ họ đều rất thanh thản.

Người mẹ mà tôi biết đã gọi các con chồng đến (vì bà là mẹ kế) trong thời khắc cận kề cái chết vì Covid - chỉ để nói rằng bà đã rất hạnh phúc được các con yêu thương, chấp nhận bà bước vào gia đình, chấp nhận bà như bà vốn thế. Bà rất hài lòng vì được lưu giữ những hình ảnh cuối cùng trong đời là Noel sum vầy, các con đông đủ. Cuộc đời đối với bà như thế là đủ trọn vẹn.

Các bạn tôi - đã nhận được những món quà Noel của cha mẹ mình theo cách ấy - là sự độ lượng, không hề hỏi xem họ đã nhiễm bệnh khi nào, từ ai, vì sao, liệu có bất cẩn, đã thiếu may mắn thế nào...

Có món quà Noel nào lớn hơn sự độ lượng và tình yêu thương ấy?

Nhiều bạn Pháp của tôi đều đã nhận được món quà Noel này từ cha mẹ họ. Món quà mà họ sẽ nhớ suốt đời.

Món quà Noel đặc biệt của thập kỷ đặc biệt.

Thập kỷ mà tình yêu thương được trình bày dưới mọi hình thức và bối cảnh, trong mọi cung bậc của cảm xúc và thử thách.

Gia đình và nơi chốn đi về, trong con mắt tôi, một người đến từ phương đông, mặc định sẵn là phương tây sẽ độc lập hơn, đồng nghĩa với vị kỷ hơn đã có cơ hội được thấy và kiểm chứng theo cách nhìn khác.

Dịch bệnh cho người ta thấy nhiều góc khuất của con người, bên cạnh sự hốt hoảng, nỗi sợ hãi, tính ác - thì cũng là lúc những giá trị căn bản tưởng đã thay đổi theo thời đại trở về.

Gia đình không chỉ là giá trị bất biến với người phương đông. Cha mẹ già nương tựa sự vững chãi của con cái. Con cái tựa vào sự ấm áp bao dung của gia đình với người Pháp cũng vẫn là giá trị thiêng liêng.

Covid-19 đã cướp đi hơn hai năm bình ổn của cả thế giới, nhưng trả lại cho nhiều người, nhiều nơi trên Trái đất những giá trị mà nó vốn có. Mắt xích gia đình được dịch bệnh thử thách và siết lại những mối nối lỏng lẻo.

Những dòng xe máy ào ào chạy xuyên đêm ở Việt Nam và những dòng ô-tô tắc cả chục km ở cửa ngõ Paris - cũng là để về nhà.

Những nỗi thấp thỏm chờ đợi đường bay Tết cũng là để về nhà.

Những chuyến tàu cao tốc xuyên châu Âu chật ních người dịp Noel cũng là để về nhà.

Bình thường mới trong một giai đoạn khắc nghiệt của cả thế giới có thêm những hình thức mới của sự bao dung, chia sẻ là chấp nhận rủi ro để được yêu thương nhau. Hình thức mới này, đã trở thành một phần của thập kỷ mà lịch sử thế giới sẽ ghi lại: dịch Covid đã khiến bộc lộ nhiều mặt trong xã hội và bản ngã của con người.

Nước Pháp,-với những gì mà tôi thấy trên những chặng đường đi, đường đời đã được đánh dấu thêm bằng những “món quà” mà nhiều người trong gia đình tặng cho nhau.

Mà hình như không phải, món quà ấy được tặng ở nhiều nơi trên thế giới khi mà dịch bệnh khiến người ta muốn xích lại gần nhau hơn, tìm về gia đình.

Covid - phải chăng cũng là một phép thử.