Nước mắt lạc đà trên sa mạc Gobi

Mông Cổ là một trong số ít những nơi cuối cùng trên thế giới người dân còn duy trì lối sống du mục cùng đàn gia súc gồm dê, cừu, bò yak, ngựa và tất nhiên không thể thiếu lạc đà.

Lễ hội Ngàn lạc đà.
Lễ hội Ngàn lạc đà.

Lạc đà hai bướu Mông Cổ có cấu tạo cơ thể đặc biệt để thích nghi với gió cát, với cái nóng lên tới 100oC vào mùa hè và lạnh tới -45oC vào mùa đông ở sa mạc, là phương tiện vận chuyển chính của người chăn nuôi du mục nhờ hình thể to lớn và sức chịu đựng vô cùng tốt...

Mùa xuân trong sa mạc Gobi sự sống sinh sôi, vật nuôi truyền thống của những người chăn nuôi du mục bắt đầu sinh đẻ. Lạc đà hai bướu lông xù mang thai  13 tháng và thường sinh một con non mỗi hai năm. Nhưng khí hậu khắc nghiệt trên sa mạc với thời tiết dao động mạnh giữa ngày và đêm khiến lạc đà mẹ hoặc con bị chết khi sinh nở. Những con non mồ côi và những mẹ lạc đà đau buồn cần nhau để tồn tại nhưng không có bất kỳ liên hệ nào. Sau hàng thế kỷ sống trong sa mạc, những người chăn nuôi du mục đã hình thành một nghi lễ âm nhạc độc đáo giúp hình thành mối liên kết  này.

Nghi lễ thường được diễn ra vào thời điểm hoàng hôn hoặc bình minh, có thể do những người phụ nữ trong các gia đình chăn nuôi gia súc thực hiện, trường hợp khó hơn thì phải nhờ những người chơi đàn và người hát chuyên nghiệp có kỹ năng. Mọi người đều mặc trang phục đẹp để tôn trọng nghi lễ, vây quanh đôi mẹ con lạc đà được buộc vào nhau. Người nhạc sĩ cầm cây mã đầu cầm, được gọi là morin khuur, hoặc sáo Mông Cổ bắt đầu tấu lên khúc nhạc, một người khác bắt đầu xoa chiếc cổ lông của mẹ lạc đà, giọng ngân nga dỗ dành như tiếng kêu của lạc đà “khuus, khuus, khuus”. Ban đầu, lạc đà mẹ thường phớt lờ hoặc có khi còn cắn lạc đà con. Lúc này, tùy theo phản ứng của lạc đà mẹ, người hát sẽ điều chỉnh bằng cách đưa thơ hoặc lời hát vào giai điệu, những lời mộc mạc như con người vùng sa mạc. “Tại sao mày lại từ chối nhầm/Chú lạc đà con thân yêu của mày/Sinh ra để bú và nếm/Sữa non vàng đậm của mày/Ai dậy vào buổi sáng và chờ đợi với đôi môi mím chặt/Hãy để nó bú nguồn sữa dồi dào của mày/Khuus, khuus, khuus, khuus”. Họ cũng có thể bắt chước những âm thanh của tự nhiên, âm thanh đi lại, chạy và gầm của lạc đà để thuyết phục nó chấp nhận đứa con. Sau nhiều giờ như vậy, dần dần lạc đà mẹ và con bắt đầu khóc và bằng phép màu nào đó chúng nhận nhau và trở thành một gia đình. Khó có thể nói lạc đà mẹ con hiểu được âm nhạc hay những lời hát, lời thơ hay không, nhưng rõ ràng âm thanh và những hoạt động của nghi lễ có tác dụng xoa dịu tâm tình, khơi gợi tình mẫu tử.

Nghi lễ này cũng được thực hiện với những con lạc đà mẹ bỗng nhiên không nhận con mình. Tạp chí Địa lý quốc gia (Mỹ) đã thuật lại nghi lễ này từ bộ phim tài liệu cảm động của Đức, “Câu chuyện về lạc đà khóc” như sau: Tiếng kêu thảm thiết của lạc đà con bay xa hàng dặm trong gió sa mạc. Con lạc đà hai bướu trắng Botok bị mẹ nó từ chối, phớt lờ nó mỗi khi nó đến gần, nó đói sữa và thiếu sự quan tâm. Chủ của lạc đà là một gia đình chăn nuôi du mục lo lắng lạc đà con sẽ chết,  phái hai con trai của họ, Dude và Ugna, cưỡi lạc đà băng qua sa mạc để nhờ sự giúp đỡ của một người chơi vĩ cầm. Họ hy vọng nghi lễ âm nhạc lâu đời này sẽ giúp mẹ con lạc đà đoàn tụ. Khi người nhạc sĩ chơi mã đầu cầm, một người khác vừa hát vừa vuốt ve lông của lạc đà mẹ. Thật ngạc nhiên, lạc đà mẹ quay lại nựng nịu Botok và cho  nó bú, đôi mắt lạc đà mẹ đầy nước mắt.

Nước mắt lạc đà trên sa mạc Gobi -0
 Nghi lễ dỗ lạc đà.

Nếu lạc đà mẹ vẫn không chấp nhận con, đôi khi, những người chăn gia súc có thể phủ lên nó miếng vải của con non đã chết hoặc buộc cả hai con lại với nhau qua đêm ở xa khu vực còn lại của trại. Lạc đà không thể nằm trong lều yurts của người Mông Cổ, nơi những người chăn đàn gia súc sống. Nhưng đôi khi các con vật được đưa đến lối ra vào của lều và họ đốt lửa bên trong như một phần  nghi lễ. Trước đây, có một nghi thức khá đặc biệt để tăng tỷ lệ thành công: Họ lấy xương mắt cá chân của cừu hoang buộc quanh cổ lạc đà, dựa trên truyền thuyết và niềm tin rằng những con cừu hoang không bao giờ từ chối con của chúng. Nhưng hiện cừu hoang đang đe dọa bị tuyệt chủng nên nghi thức này không thể thực hiện được nữa.

Bà Galiimaa Nyamaa, giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Mông Cổ ở Ulaanbaatar nói rằng nghi lễ này có yếu tố tâm linh: “Nghi lễ  cầu các vị thần của động vật, của loài người và các thần linh của tự nhiên giúp đỡ con người. Người thực hiện nghi lễ và chủ lạc đà cầu xin các vị thần ban phước lành và bảo vệ khỏi thiên tai”. Những người cao tuổi tin rằng nghi lễ truyền thống lâu đời này cũng mang ý nghĩa sâu xa nhắc nhở con người cách cư xử trong các mối quan hệ giữa cộng đồng dân du mục, tầm quan trọng của sự kiên nhẫn và biết chấp nhận lẫn nhau.

Nghi lễ không chỉ cứu sống con non mà còn bảo đảm cho những người chăn nuôi có được nguồn sữa lạc đà ổn định. Bà Nyamaa nói tiếp: “Sữa lạc đà không chỉ là nguồn cung cấp thức ăn và đồ uống trong điều kiện khắc nghiệt của sa mạc Gobi, nó cũng là phương tiện cơ bản để ngăn ngừa bệnh tật hoặc chữa bệnh thông thường”.

Sa mạc Gobi trải dài phần lớn ở các tỉnh Tân Cương và Nội Mông của Trung Quốc, và dải phía nam Mông Cổ, nơi diễn ra nghi lễ này. Hầu như không có gì mọc trên vùng cát, núi, và vùng đồng bằng khô cằn bị cao nguyên Tây Tạng chắn hết mây mưa từ Ấn Độ Dương. Vì thời tiết khắc nghiệt nên diện tích trồng trọt ở đây rất ít, dân cư thưa thớt trong vùng chủ yếu chăn nuôi du mục.

Hạn hán, bão cát và những mùa đông khắc nghiệt cộng thêm những thay đổi lớn về xã hội khiến số hộ du mục ngày càng giảm, hiện chỉ còn khoảng ba triệu người. Ngày càng nhiều gia đình du mục chuyển tới sống ở thành phố để có điều kiện cho con cái học hành và những người bỏ đi hầu như không bao giờ trở lại. Những người đàn ông trẻ ở lại sa mạc khó khăn tìm vợ và xây dựng gia đình để có thể tiếp tục cuộc sống chăn nuôi và duy trì những tập tục truyền thống cũ. Và dù thế nào, cuộc sống hiện đại cũng ảnh hưởng nhiều đến lối sống du mục. Nhiều thanh niên cho rằng đi xe máy rẻ hơn và ít vất vả hơn so với lạc đà.

Các nhạc cụ truyền thống của Mông Cổ cũng không còn được ưa chuộng như trước. Vargan, một loại đàn hạc miệng đã không được sử dụng để dỗ lạc đà trong 20 năm qua và một số loại sáo nhất định chỉ được dành cho sân khấu và biểu diễn, chứ không phải là cho gia súc. Những nghi lễ truyền đời như dỗ lạc đà ngày nay cũng không còn nhiều người biết cách thực hiện nữa.

Một số người Mông Cổ muốn giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống, bao gồm cả bà Nyamaa, đã kiến nghị Liên hợp quốc bảo vệ hoạt động này. Vào năm 2015, nó được đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, nhưng hầu như không có tác động thực tế nào ngoài việc công nhận sự tồn tại của nghi lễ. Trong một video trình chiếu trước Liên hợp quốc, ông lão Ch.Perlee đã cố gắng giải thích vẻ đẹp từ âm thanh dịu dàng “khuus” cùng với giai điệu để dỗ lạc đà: “Ngay cả những người đang xem nghi lễ cũng bắt đầu khóc.”  Bộ phim tài liệu  cảm động và đầy chất thơ về nghi lễ  này có thể  chẳng bao lâu nữa cũng sẽ chỉ còn là  ký ức về một vẻ đẹp đã tàn lụi.

Biến đổi khí hậu và những thay đổi về xã hội khiến đàn lạc đà Mông Cổ ngày càng sụt giảm, chỉ còn chừng 400 nghìn con đã được thuần hóa và chưa tới 1.000 con hoang dã. Những năm gần đây, việc bảo vệ và phát triển đàn lạc đà được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau. Lễ hội Ngàn lạc đà sôi động và rực rỡ màu sắc bản địa được tổ chức bởi cộng đồng người dân địa phương và Hiệp hội Bảo tồn lạc đà vào tháng 3 hằng năm, trong đó có cuộc thi lạc đà đẹp, đua lạc đà và nhiều hoạt động khác nhằm chọn con giống tốt để tăng số lượng đàn, nâng cao nhận thức của người dân, cũng như duy trì những nét văn hóa dân gian đặc sắc đang dần mai một. Lễ hội Ngàn lạc đà thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong và ngoài nước, biến đây trở thành một trong những sự kiện lớn nhất của ngành du lịch Mông Cổ.