Nhân viên y tế trong đại dịch:

Những nghịch lý

Trong đại dịch Covid-19, dù ở bất cứ nơi đâu thì đội ngũ nhân viên y tế đều phải đương đầu với những thử thách vô cùng to lớn và sự hy sinh của họ là gần như không có nhiều khác biệt...

Cần có những chính sách kịp thời để hỗ trợ và bảo vệ các y bác sĩ chống dịch tuyến đầu. Ảnh | Reuters
Cần có những chính sách kịp thời để hỗ trợ và bảo vệ các y bác sĩ chống dịch tuyến đầu. Ảnh | Reuters

Bác sĩ đến từ đâu?

Bác sĩ người Ấn Độ Rishab Gupta đã bắt đầu cuộc sống ở Mỹ từ năm 2016 sau khi hoàn thành chương trình học bác sĩ nội trú ở New York. Nhưng khi Gupta trở về Ấn Độ để chăm sóc người mẹ sắp qua đời giữa cơn đại hồng thủy Covid-19 tràn qua Ấn Độ đầu năm nay, con đường trở lại Mỹ của anh trở nên xa vời. Lệnh cấm đi lại của chính quyền Tổng thống Joe Biden áp dụng với hơn 30 quốc gia, nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan và Ấn Độ nằm trong danh sách đó nên Gupta đã không thể quay lại cho tới khi lệnh cấm được gỡ bỏ vào tháng 11 vừa qua sau 20 tháng áp dụng.

Trong bối cảnh nước Mỹ chống chọi với đại dịch, quyết định của Tổng thống Joe Biden khi đó đã gặp không ít chỉ trích vì sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới đội ngũ y, bác sĩ người nước ngoài đang dựa vào những tấm thị thực không có gì chắc chắn để hành nghề tại nước Mỹ. Vai trò của đội ngũ bác sĩ người nước ngoài tại Mỹ đã trở nên nổi bật trong hơn một năm qua khi đại dịch lây lan chóng mặt.

Theo ước tính, hơn một phần ba trong số hơn 3.600 nhân viên y tế Mỹ đã tử vong vì Covid-19 là người nhập cư. Và theo Hiệp hội các trường Cao đẳng Y khoa Mỹ, nước này sẽ thiếu tới 139.000 bác sĩ vào năm 2033. Mặc dù mỗi năm Mỹ thu hút hàng nghìn bác sĩ người nước ngoài tới làm việc, học tập nhưng nhiều người vẫn không thể ở lại đất nước này vì các quy định nhập cư.

Ngoài ra, những bác sĩ gốc Á ở Mỹ như Gupta còn phải chịu đựng tình trạng kỳ thị nhân viên y tế gốc Á. Trong khi họ mạo hiểm tính mạng và sức khỏe để chăm sóc bệnh nhân, họ lại bị chính những bệnh nhân có tư tưởng kỳ thị gây thêm áp lực giữa bao khó khăn vì phải làm việc quá sức, thiếu thốn trang thiết bị bảo hộ y tế... Một số bệnh nhân thẳng thừng hỏi “bác sĩ đến từ đâu” và họ yêu cầu không để các nhân viên y tế gốc Á chăm sóc cho mình.

Hầu hết các y, bác sĩ đều kiệt sức vì số lượng bệnh nhân tăng vọt và công việc quá tải. Tại Anh, các nhân viên y tế ở Bệnh viện St George ở London cũng trải qua quãng thời gian làm việc kiệt sức hồi đầu năm nay do làn sóng dịch mới. Đây cũng là tình trạng chung của các y, bác sĩ trên khắp nước Anh do quá tải bệnh nhân nặng. Ở nhiều nước phát triển khác như Italia, Pháp, Tây Ban Nha... các đồng nghiệp của họ cũng phải gánh chịu những hoàn cảnh tương tự.

“Cú đánh” kép đối với nước nghèo

Tuy nhiên, bác sĩ ở những quốc gia giàu có như Mỹ, Anh hay Pháp... được trả mức lương tương xứng. Các quốc gia này vẫn là nơi thu hút nhiều bác sĩ tới làm việc và nằm trong tốp 10 nước trả lương cao nhất cho các bác sĩ. Song chính điều này góp phần khiến các nước nghèo rơi vào tình trạng tồi tệ hơn trong bối cảnh Covid-19 lây lan phức tạp.

Các nước nghèo bị “cú đánh” kép không chỉ bởi tình trạng chảy máu chất xám mà còn do nhiều nhân viên y tế tử vong do đại dịch. Như Indonesia, sau hai năm đương đầu với đại dịch, có tới 1.967 nhân viên y tế đã bỏ mạng tính đến cuối tháng 8 vừa qua. Indonesia là quốc gia có tỷ lệ nhân viên y tế tử vong cao nhất châu Á và đứng thứ ba trên thế giới. Bà Mahesa Paranadipa thuộc Hiệp hội Bác sĩ Indonesia cho biết, các nhân viên y tế nước này đã phải làm việc liên tục hơn một năm rưỡi qua mà không được nghỉ phép.

Thực tế không phải chỉ đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nạn chảy máu chất xám ở đội ngũ nhân viên y tế mới xảy ra. Trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ bác sĩ và y tá được đào tạo hoặc sinh ra ở nước ngoài đã tăng lên ở các nước giàu hơn. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tại các quốc gia giàu, gần 25% bác sĩ và 16% y tá sinh ra ở nước ngoài. Điều này cho thấy, các nước giàu đã thu hút nhân viên y tế từ các nước đang phát triển. Tiến sĩ người Algeria Al Arabi Bin Hara từng dự đoán về một đợt di cư mới của người lao động có tay nghề cao khỏi quốc gia Bắc Phi này: “Điều đau lòng là các bệnh viện và phòng khám ở châu Âu, đặc biệt là ở Pháp đang thu hút các bác sĩ Algeria giỏi, có tay nghề và chuyên môn”.

Những nghịch lý -0
Nhân viên y tế trên khắp thế giới đối mặt nguy cơ lây nhiễm cao khi điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh | afp 

Cho đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát, người ta mới thấy những khoảng trống khó lấp đầy trong hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã mong manh ở các nước đang phát triển, do lực lượng nhân viên y tế tử vong và di cư tới các nước giàu hơn để làm việc. Làn sóng dịch mới ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Á khiến các nước ở khu vực này đang phải đối mặt với những tình huống khẩn cấp liên tục về y tế một phần do thiếu đội ngũ nhân viên.

Bác sĩ người Ai Cập Abdel Hamid Mahmoud nói: “Tác động tâm lý của việc tử vong, nhiễm trùng và khối lượng công việc tăng trong mùa dịch đã khiến nhiều bác sĩ nghỉ việc”. Tại Zimbabwe, quốc gia có tỷ lệ bác sĩ di cư cao nhất gần đây, tiến sĩ Charles Moyo cho biết, châu Phi sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe nếu làn sóng mất nhân viên y tế không được ngăn chặn.

Những sáng kiến...

Con số 115 nghìn nhân viên y tế thiệt mạng vì Covid-19 mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra đủ để nói lên tất cả. Con số này theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus là “ít ỏi” so với con số có thể cao hơn trong thực tế. Sự hy sinh của những người trên tuyến đầu chống dịch là quá rõ ràng. Tình trạng chảy máu chất xám tới các quốc gia có điều kiện làm việc tốt hơn là điều khó tránh khỏi. Mặt khác, các nước giàu cũng bằng mọi cách thu hút chất xám trong lĩnh vực y tế bất chấp thực trạng ở các nước nghèo.

Điển hình như nước Anh đầu năm 2020 đã đưa ra khuyến khích bằng thị thực nhanh và chăm sóc y tế để tuyển dụng thêm nhân viên y tế từ các nước đang phát triển. Hàng loạt nước phát triển đã và đang nới lỏng chính sách thị thực, tăng đãi ngộ để thu hút lao động có trình độ trong nhiều lĩnh vực nói chung, không chỉ y tế bởi thực trạng thiếu hụt lao động do Covid-19.

Trong khi đó, theo thống kê của OECD, Philippines là quốc gia đóng góp y tá lớn nhất cho các nước giàu. Ấn Độ cung cấp số lượng bác sĩ cao nhất và số lượng y tá nhập cư cao thứ hai. Riêng tỷ lệ di cư của bác sĩ và y tá từ một số quốc gia châu Phi và châu Mỹ Latinh lên tới 50%. Ông Johan Fagan tại Đại học Cape Town ở Nam Phi cho biết, đãi ngộ ở các nước giàu càng thúc đẩy tình trạng nhân viên y tế di cư nhiều hơn.

Nhằm ngăn chặn thực trạng này, các chuyên gia y tế toàn cầu đưa ra nhiều sáng kiến để bảo vệ nhân viên y tế và động viên họ tiếp tục công việc. Mạng lưới quốc tế ủng hộ bình đẳng giới trong ngành y tế có tên Women in Global Health (Phụ nữ trong mạng lưới y tế toàn cầu) đã cùng khởi động một thỏa thuận xã hội cho phụ nữ trong lực lượng y tế và chăm sóc sức khỏe với mục đích thúc đẩy các chính sách bảo vệ người lao động. Tiến sĩ Roopa Dhatt, Giám đốc điều hành của tổ chức này cho biết: “Đầu tư vào phụ nữ là khoản đầu tư tốt nhất mà chúng tôi có thể thực hiện cho tương lai”. Thống kê trên toàn cầu, phụ nữ chiếm khoảng 90% y tá và hộ sinh. Bác sĩ nữ chiếm 50%, ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nữ chiếm 70%. Những con số này cho thấy vai trò và vị trí quan trọng của phụ nữ trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc và sức khỏe nói chung trên thế giới.

Theo OECD, để giảm tình trạng chuyên gia y tế ở các nước đang phát triển rời bỏ đất nước đòi hỏi chính sách tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là thu hút sự hỗ trợ về kỹ thuật, về cơ sở vật chất từ các nước phát triển, giúp các nước kém phát triển xây dựng lực lượng y tế và củng cố hệ thống y tế hoàn thiện hơn.