Nhà thám hiểm chân đất

Dinan là một thành phố xinh đẹp thuộc tỉnh Bretaigne, miền tây nước Pháp. Dinan không có cái lộng lẫy của Paris, cái lãng mạn của các tỉnh miền nam Pháp, có vẻ đẹp cổ kính của những con đường lát đá, những ngôi nhà đá, trầm mặc.

Auguste Pavie
Auguste Pavie

Dinan cũng là nơi mà một nhà thám hiểm đã sinh ra và lớn lên, nhưng khi ông mất, người ta đã dựng lên bức tượng của ông - nhưng hướng về nơi mà ông vẫn đau đáu cho đến khi qua đời - Đông Dương.

Nhà thám hiểm chân đất -0
Một cuốn sách của Pavie. 

Trong lịch sử nước Pháp, ít sử sách ghi lại tên tuổi của Auguste Pavie (1847-1925) thậm chí trong lịch sử mở rộng thuộc địa của Pháp, ông gần như bị lãng quên. Auguste Pavie không phải một vị tướng có lịch sử chiến trận vẻ vang, cũng không phải là một người đã giúp cho nước Pháp mở mang bờ cõi tại Đông Dương, tuy thế, cuộc đời của ông, sự nghiệp của ông lại gắn với mảnh đất Đông Dương, cách quê hương ông hơn mười hai nghìn km.

Nhập ngũ và được cử đến Đông Dương như một nhân viên điện tín, Auguste Pavie đã đặt chân đến Sài Gòn vào năm 1869. Quãng thời gian ông ở đó, không thấy có sách vở nào ghi lại nhiều, người ta chỉ viết rằng, sau một năm thì ông trở lại Pháp, tham gia chiến đấu bảo vệ Paris trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ, để rồi năm 1871, ông xuất ngũ và ngay lập tức tìm cách trở lại Đông Dương.

Trở lại Sài Gòn vào năm 1872, Auguste Pavie bắt đầu cuộc đời tìm hiểu về Đông Dương của mình. Có một điều khá kỳ lạ là trong các tài liệu viết về Pavie, không thấy nói gì đến học vấn của ông, chỉ thấy tả: ông là một người đàn ông bé nhỏ, cao 1,62 m, đặc biệt yêu mến và khâm phục Napoleon III, có lẽ Napoleon là người đã tạo nên ảnh hưởng lớn đến Pavie - người đàn ông cũng bé nhỏ và mong muốn khai phá những mảnh đất mới để phục vụ công cuộc mở mang bờ cõi cho nước Pháp.

Nhà thám hiểm chân đất -0
 Vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn trên tấm bản đồ vẽ tay của Pavie và cộng sự.

Cũng không thấy có sách nào viết rõ (hoặc tôi chưa tìm thấy) rằng vì sao Pavie được cử trở lại Đông Dương, chỉ biết rằng, bắt đầu từ năm 1876, bên cạnh việc quản lý công việc điện báo tại Campuchia, Pavie bắt đầu công việc khám phá của mình. Có một mốc được coi là quan trọng trong giai đoạn này là Auguste Pavie đã tiếp xúc và chịu nhiều ảnh hưởng của các vị sư Campuchia, những người đã khiến ông trở nên thân thiện, gần gũi người bản xứ “từ bỏ thói kiêu ngạo của kẻ thực dân trẻ tuổi” (như ông viết trong hồi ký sau này).

Bắt đầu từ năm 1879, Pavie là người Pháp duy nhất có mặt tại Campuchia để thực hiện nhiệm vụ xây dựng đường điện thoại nối liền Bangkok và Phnom Penh và cũng từ đây, con đường thám hiểm Đông Dương của ông bắt đầu.

Trong những cuốn sách mà Pavie để lại sau này, là hồi ký về 35.000 km đường Đông Dương mà ông đã trải qua, từ Lào sang Campuchia, từ hạ nguồn sông Mekong lên thượng nguồn, từ Luang Prabang sang Hà Nội, rồi đến trung tâm xứ Annam. Không chỉ đơn thuần là một viên chức thuộc địa của ngành bưu điện, Pavie đã thật sự trở thành nhà thám hiểm khi cố gắng tìm hiểu về địa lý, lịch sử, phong tục tập quán và ngôn ngữ của các nước Đông Dương. Sau vài năm, ông đã thuyết phục nước Pháp giao cho mình một nhóm người để có thể thực hiện được nhiệm vụ thám hiểm này, bên cạnh vai trò của một nhà ngoại giao của Pháp tại Đông Dương.

Một trong những thành tựu mà Auguste Pavie đã làm được cùng với các cộng sự của mình, ông đã vẽ nên nhiều tấm bản đồ về các nước Đông Dương, đặc biệt là tấm bản đồ khổ lớn - có thể nhìn thấy toàn bộ bán đảo Đông Dương.

Có thể nói, đây là nền móng đầu tiên của công việc vẽ bản đồ tại các nước Đông Dương. Trước Pavie, đã có những tấm bản đồ Đông Dương được thực hiện, nhưng chỉ là những tấm khổ nhỏ, của từng vùng, từng miền, bản đồ Pavie không những là những tấm khổ lớn mà còn đặc biệt chi tiết đến từng tỉnh, từng huyện, từng xã.

Nhà thám hiểm chân đất -0
 Khu vực Hà Nội trên bản đồ.

Tấm bản đồ khổ lớn do Pavie và các cộng sự thực hiện được vẽ trên một tấm da súc vật được phán đoán là bò. Có điều đặc biệt thú vị là tấm bản đồ ấy được vẽ và chú giải bằng tiếng Latin, nghĩa là người Việt hoàn toàn có thể đọc và nhận ra những địa danh của Việt Nam ở thế kỷ thứ 19.

Những địa danh như Hà Nội, Huế, Sài Gòn có thể nhìn thấy trên bản đồ, những huyện như Phú Xuyên, Ứng Hòa cũng có thể nhìn thấy trên bản đồ, những xã nhỏ hơn, cũng có thể thấy.

Khó có thể diễn tả hết cảm xúc khi đứng trước tấm bản đồ này, khi nó được treo trang trọng trong một khu tưởng niệm Auguste Pavie nằm tại thư viện của thành phố Dinan. Người ta không chỉ thấy sự tận tụy kỳ công của Pavie và phái đoàn tùy tùng, còn ngỡ ngàng trước sự tài giỏi mà ông và các cộng sự đã làm được. Phải rất tha thiết với công việc này, dành nhiều thời gian, tâm huyết cho nó, vận dụng hết khả năng thiên văn, địa lý, sự tài hoa... thì Đông Dương mới có thể hiện lên, rõ ràng đến thế.

Trong những tấm bản đồ nhỏ mà những người tiền nhiệm của Pavie đã làm, vùng biển Việt Nam đã được vẽ với sự hiện diện của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng cho đến Pavie, hình hài Việt Nam mới có thể nhìn rõ với các đường biên giới mạch lạc.

Năm 1895, sau hơn 20 năm ở Đông Dương, Pavie đã trở lại Pháp ở tuổi gần 50. Nhiều thành viên đoàn thám hiểm của ông đã bỏ mạng do bệnh sốt rét và kiết lị, bản thân Pavie cũng đã bị căn bệnh sốt rét hành hạ nhiều năm.

Trở lại Pháp, Pavie đã dành nhiều thời gian để viết về hành trình của mình và những hiểu biết của ông về Đông Dương. Phần cuối cuộc đời của ông là sách và những ký ức về mảnh đất mà ông đã dành cả tuổi trẻ. Bộ sách mang tên Sứ mệnh Pavie được coi là bộ sách quan trọng trong lịch sử của Pháp tại Đông Dương nhưng dưới một góc độ khác, nhiều tính khảo cứu và văn hóa, địa lý. Bên cạnh bộ Nhiệm vụ Pavie gồm 7 cuốn, nhiều cuốn sách khác về Đông Dương của ông cũng được cho ra đời như: Chuyến đi từ Mekong đến Tonkin, Hoàng gia triệu voi, Những câu chuyện kể dân gian Campuchia, Chinh phục những trái tim... Trong một cuốn sách về Việt Nam, ông đã miêu tả “Sông Cửu Long có một sức hút khó cưỡng đối với những lữ khách không biết mệt mỏi”.

Có lẽ vì là người không biết mệt mỏi trước những vẻ đẹp của thiên nhiên và con người nên 23 năm cuộc đời của Pavie đã dành cho mảnh đất với những sức hút khó cưỡng.

Các nhà sử học của Pháp viết về Pavie như sau: Pavie không tìm kiếm vinh quang, ông là người yêu tha thiết Đông Dương, mong muốn hiểu nó, mang lại tự do, hòa bình và tiến bộ cho Đông Dương.

Có thể chính bởi việc không muốn tìm kiếm vinh quang nên dù là một nhà thám hiểm, một nhà ngoại giao, nhưng tên tuổi của Pavie cũng được biết đến ở Pháp một cách khá khiêm tốn.

Thư viện Dinan, nơi hiện lưu giữ các kỷ vật của Auguste Pavie nhưng không phải người Pháp nào cũng biết. Tuy thế, chính Auguste Pavie đã viết “Tôi đã biết niềm vui khi được yêu thương bởi những người mà tôi đã đi qua đời họ”.

Phải chăng thật may trong bộ máy thực dân của Pháp, không chỉ có những công chức hay binh lính mong muốn đổ máu hay bóc lột, mà còn có những người mong muốn đặt viên gạch cho nền văn minh Đông Dương, những nhà thám hiểm đi chân đất cho giống người bản địa và cuối đời mơ được hướng về Đông Dương yêu dấu?