Một tương lai khó lường!

Một chương bi thảm

Ngày 11/9 tới, tròn 20 năm xảy ra vụ tấn công khủng bố kinh hoàng của Al Qaeda nhằm vào nước Mỹ, theo kế hoạch được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố chính thức hồi tháng 4 vừa qua, những người lính Mỹ cuối cùng (và cả những người lính đồng minh của Mỹ) sẽ rút khỏi Afghanistan.

Lễ chuyển giao từ quân đội Mỹ sang quân đội quốc gia Afghanistan tại Trại Antonik, tỉnh Helmand. Ảnh | AP
Lễ chuyển giao từ quân đội Mỹ sang quân đội quốc gia Afghanistan tại Trại Antonik, tỉnh Helmand. Ảnh | AP

Khởi đầu từ sự kiện bi thảm 11/9/2001, chính quyền của Tổng thống George Bush (con) vào tháng 10/2001 đã quyết định đưa quân vào Afghanistan, đánh dập đầu lực lượng Al Qaeda, thủ phạm của vụ khủng bố 11/9 và Taliban, chính quyền đã dung túng cho Al Qaeda cư ngụ trên lãnh thổ Afghanistan.

Với ưu thế vượt trội về vũ khí, công nghệ, lực lượng lại áp đảo, Mỹ cùng các đồng minh đã nhanh chóng đánh quỵ chính quyền Taliban để lập nên một chính quyền ở Kabul, bảo đảm sẽ không còn là mối đe dọa an ninh đối với nước Mỹ nữa. Al Qaeda bị đuổi cùng sát tận; thủ lĩnh của nó, Osama Bin Laden phải mãi 10 năm sau mới bị lực lượng đặc nhiệm của Mỹ (lúc này đã dưới chính quyền của Tổng thống B.Obama) bắn hạ trong một chiến dịch bên trong lãnh thổ Pakistan.

Ngay khi lật đổ thành công chính quyền Taliban và về cơ bản đã triệt hạ phần lớn lực lượng của tổ chức khủng bố Al Qaeda, chính quyền Mỹ khi ấy buộc phải đứng trước lựa chọn: hoặc rút ngay quân về nước để tránh nguy cơ sa lầy vào một cuộc chiến tranh kéo dài; để quân Mỹ ở lại giúp chính quyền Kabul chống lại những tàn dư của Taliban và kể cả của Al Qaeda. Mỹ đã lựa chọn phương án thứ hai.

Rất nhiều chuyên gia, sau này, khi mà quân Mỹ đã sa lầy ở Afghanistan như sa chân vào một lọ hồ chết chóc, lên tiếng chỉ trích quyết định này của Mỹ. Họ nói rằng: lẽ ra sau khi đã đánh tan nát mạng lưới Al Qaeda, Mỹ nên rút quân về ngay, thay vì để quân ở lại. Lịch sử dài lâu của Afghanistan đã cho thấy các siêu cường bên ngoài đã không ngừng can dự vào quốc gia này đều kết thúc bằng những thất bại.

Vâng, “lẽ ra”...

Nhưng trong các cuốn từ điển chính trị, không bao giờ có mục từ “lẽ ra”.

Mất cả chì lẫn chài

Bởi khi quyết định để quân lại ở Afghanistan vào những năm đầu của thế kỷ XXI, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ không phải không biết những rủi ro mà họ sẽ gặp phải. Chỉ có điều là khi ấy, họ đã cân nhắc và nhận thấy là ngay sau khi đánh sập chính quyền Taliban rồi rút quân thì rủi ro sẽ còn lớn hơn đối với an ninh của chính nước Mỹ.

Mục tiêu của Mỹ khi mang quân đánh đổ chính quyền Taliban, ngoài việc trả thù cho nỗi đau khủng khiếp ngày 11/9/2001, còn là phải bảo đảm để Afghanistan sẽ không một lần nữa trở thành nơi mà những kẻ khủng bố ẩn náu và thai nghén những âm mưu độc địa nhằm vào nước Mỹ trong tương lai.

Điều này không thể có được nếu như Mỹ rút quân ngay khi đó và chính quyền Kabul non yếu nhanh chóng bị sụp đổ trước sự trỗi dậy của lực lượng Taliban. Bằng việc để quân lại tham chiến ở Afghanistan (có những thời điểm lên đến hàng trăm nghìn quân, chưa kể của đồng minh), Mỹ hy vọng sẽ đủ thời gian để xây dựng một chính quyền trung ương hoạt động hiệu quả và người dân Afghanistan nhận thức rõ được lợi ích của việc ngăn cản Taliban cùng các lực lượng cấu kết nhanh chóng quay trở lại nắm quyền.

Bảo vệ cho quyết định này, ở thời điểm ít tháng sau vụ khủng bố 11/9/2001, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ hoàn toàn có thể viện dẫn vì lợi ích quốc gia của chính nước Mỹ.

Chỉ có điều là phương án này, với thời gian, cũng đã thất bại.

Sau 20 năm với bốn đời Tổng thống, hàng trăm nghìn quân tham chiến cùng các đồng minh, hơn 2.500 quân Mỹ cùng với khoảng 1.500 quân đồng minh NATO đã thiệt mạng ở Afghanistan. Con số thương vong này chưa gồm số lượng nhân viên của các công ty an ninh tư nhân. Mỹ cũng đã chi 2.200 tỷ USD, một con số khá lớn, cho các hoạt động ở Afghanistan.

Nhưng điều mấu chốt lại nằm ở chỗ sau chừng ấy năm và những chi phí to lớn về nhân mạng cũng như tiền bạc mà Mỹ bỏ ra, đổi lại là một chính quyền rệu rã ở Kabul, một lực lượng quân sự do Mỹ huấn luyện và tài trợ (chiếm ưu thế tuyệt đối về không quân) không đủ sức để chống đỡ trước các cuộc tấn công ngày càng mạnh hơn của Taliban.

Sau hai thập kỷ, Afghanistan vẫn trong tình trạng hỗn loạn, với lực lượng Taliban ngày càng lớn mạnh, kiểm soát tới 70% đường biên giới dài 1.400 km giữa Afghanistan với Tajikistan. Hàng trăm nhân viên an ninh của chính quyền Kabul đã chạy sang hàng ngũ Taliban trong những tháng qua.

Một khi quân Mỹ rút đi cùng với các nhà thầu quân sự, các loại vũ khí khí tài của quân chính phủ khó mà có thể vận hành được nếu thiếu đi sự hỗ trợ của các nhà thầu này. Điều đó có nghĩa là ưu thế của quân chính phủ Kabul, dựa vào vũ khí Mỹ và các máy bay trong lực lượng không quân, khó duy trì được lâu dài. Taliban có thể đánh chiếm được các thành phố lớn, các cứ điểm có ý nghĩa quan trọng và đẩy chính quyền Kabul đến bên bờ vực của sự sụp đổ.

Nghĩa là Mỹ mất cả chì lẫn chài.

Không thể khác

Vậy nhưng Mỹ đã không thể có lựa chọn nào khác, ít ra vào thời điểm này.

Trước đó, dưới thời chính quyền của Tổng thống D.Trump, Mỹ đã phớt lờ không thèm hỏi ý kiến của các nhà lãnh đạo Kabul mà lẳng lặng đàm phán với đại diện Taliban ở Qatar. Đi xa hơn, Mỹ còn yêu cầu chính quyền Kabul phải thả 5.000 tù nhân Taliban để đáp ứng yêu cầu của lực lượng này trên bàn đàm phán. Những động thái đó cho thấy Mỹ muốn bằng mọi giá phải rút chân ra khỏi Afghanistan.

Đến thời Tổng thống J.Biden, khi tuyên bố thời hạn sẽ rút hết quân Mỹ ra khỏi Afghanistan và vạch ra hẳn một lộ trình cụ thể để thực hiện quyết định này, một mặt, Tổng thống Mỹ J.Biden đã có lựa chọn chính trị can đảm; nhưng mặt khác, ông cũng ở vào tình thế không thể nào khác.

Đối mặt với những chỉ trích về việc đưa ra quyết định rút quân thiếu cân nhắc, ông Biden nói: “Hãy để tôi hỏi những người muốn chúng ta tiếp tục ở lại (Afghanistan): Bạn sẵn sàng hy sinh thêm bao nhiêu nghìn sinh mạng người Mỹ? Và bạn sẽ để họ ở lại trong bao lâu?”.

Ông Biden biết rất rõ là không ai có thể trả lời những câu hỏi của ông.

Điểm mấu chốt ở đây không phải là việc vội vàng đưa ra quyết định rút quân, mà nằm ở tác động do tốc độ rút quân Mỹ. Kể từ khi Mỹ bắt đầu rút quân từ hôm 1/5, Taliban đã mở rộng gấp đôi diện tích lãnh thổ mà lực lượng này kiểm soát ở Afghanistan. Taliban cũng xâm nhập một cách đáng kể vào những khu vực vốn không phải là thành trì truyền thống ở khu vực phía bắc và phía tây Afghanistan.

Hôm 21/7, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley thừa nhận cán cân chiến lược tại Afghanistan đang nghiêng về Taliban, nói thêm rằng lực lượng này đã kiểm soát hơn 200 trong số 419 trung tâm huyện lỵ của Afghanistan, trong khi con số này trong tháng 6 mới là 81.

Việc quân Mỹ rút đi nhanh chóng càng giúp cho Taliban phát huy những lợi thế trên chiến trường, mở rộng các vùng do lực lượng này kiểm soát.

Viễn cảnh vòng xoáy xung đột sắc tộc mới

Câu hỏi đặt ra là tương lai Afghanistan sẽ ra sao sau ngày 11/9 tới?

Trong thỏa thuận giữa Taliban với đại diện của Mỹ dưới chính quyền ông Trump có điều kiện là Taliban phải ngừng bắn và tham gia đàm phán với chính quyền Kabul để đạt tới một giải pháp chính trị, theo đó bản thân người Afghanistan sẽ quyết định các vấn đề chính trị và an ninh của đất nước. Tổng thống J.Biden cũng tuyên bố “một dàn xếp qua đàm phán là giải pháp duy nhất”, đồng thời cử đại diện của Mỹ đến Qatar khích lệ Taliban đàm phán với Kabul.

Thế nhưng về phía Taliban, họ có thể cân nhắc tại sao lại phải đàm phán với một chính quyền mà họ nghĩ rằng có thể lật đổ được bằng vũ lực?

Với xu thế ở Afghanistan hiện nay, sau thời điểm Mỹ rút hết quân, có thể xảy ra kịch bản Taliban sẽ nắm giữ chính quyền ở Kabul.

Đây có thể không phải hoàn toàn là một Taliban như thời điểm Mỹ đưa quân vào Afghanistan 20 năm trước, mà là một Taliban biết rút kinh nghiệm trong quá khứ để có thể quản trị đất nước theo một hình thức được điều chỉnh ít nhiều.

Cũng có thể là một Taliban mở rộng các khả năng đối ngoại, thiết lập nhiều mối quan hệ đa dạng hơn để tránh bị cô lập trong cộng đồng quốc tế. Bằng chứng là ngay trong những ngày cuối tháng 7 vừa qua, một phái đoàn do một thủ lĩnh Taliban đã tới thăm Trung Quốc, được Bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị tiếp đón, cam kết với Trung Quốc rằng “lãnh thổ Afghanistan sẽ không được sử dụng để chống lại an ninh của bất kỳ quốc gia nào”...

Các nước có những mối quan hệ và lợi ích an ninh trực tiếp với Afghanistan như Pakistan, Ấn Độ, Nga, một số quốc gia Trung Á, cũng sẽ phải theo dõi sát sao tình hình ở Afghanistan để có thể đưa ra những đối sách thích hợp, đáp ứng lợi ích an ninh của chính mình.

Nếu kịch bản này xảy ra thì có nghĩa là những lực lượng quân chính phủ không chịu chấp nhận sự cầm quyền của Taliban, các thủ lĩnh từng thánh chiến chống Taliban từ hai thập kỷ trước, sẽ lại cầm súng. Và như thế, Afghanistan tiếp tục rơi vào một vòng xoáy xung đột sắc tộc mới, dữ dội và khó lường.