“Mồ côi” khi còn bố

“Em xin lỗi chị, trong thời gian chồng em ở Pháp, nếu có gì phiền các anh chị, xin được anh chị bỏ qua ạ. Gia đình em cảm ơn các anh chị rất nhiều”. Đây là tin nhắn của vợ một “người rơm” đã gửi cho tôi khi biết tin chồng đã vượt biển từ Pháp sang Anh.

Ảnh trong bài: Cuộc sống tạm bợ của những “người rơm” ở châu Âu. Ảnh | NGUYỄN MỸ LINH
Ảnh trong bài: Cuộc sống tạm bợ của những “người rơm” ở châu Âu. Ảnh | NGUYỄN MỸ LINH

Người đàn ông ấy, như nhiều người khác đều đến từ Việt Nam và dự định đi kiếm tiền vài năm rồi về. Vài năm, cái mốc ấy ngày mỗi dài ra khi con đường kiếm tiền ngày mỗi khó khăn khúc khuỷu. Và tiền, sẽ không biết thế nào là đủ để người ta thấy muốn trở về.

Người đàn ông ấy đã ra khỏi nhà gần bốn năm. Từ Việt Nam sang Trung Quốc, từ Trung Quốc sang Nga, Nga sang Ukraina, Ukraina sang Đức, Đức sang Pháp, và cuối cùng là vượt biển sang Anh.

Sang Anh làm gì? Chưa biết.

Người phụ nữ nhắn tin cho tôi còn rất trẻ, đã ở nhà một mình từ bốn năm nay. Họ có hai con nhỏ, đứa lớn lên năm, đứa nhỏ lên ba. Người đàn ông nhớ rất rõ ngày anh ta ra đi “lúc em đi, vợ em mới mang thai được 12 ngày”. Nghĩa là đứa trẻ từ khi sinh ra chưa được tận mắt nhìn thấy bố ngày nào, chưa nói đến chuyện được bố thương yêu bế ẵm. Tình cảm cha con trông cậy hết vào chiếc điện thoại.

Tôi hỏi, “mỗi tháng em gửi được bao nhiêu về cho vợ?”. Im lặng. Câu hỏi này có lẽ là câu mà ít người thích trả lời. Nhiều thì chắc chắn do làm ăn phạm pháp, ít thì là nỗi chua xót bởi không ai nghĩ bước chân ra đi, có khi đánh cược cả tính mạng để rồi gửi về được có thế.

Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp mà tôi đã gặp tại châu Âu. Nhiều người ra đi khi con mới lên hai, người khác ra đi khi con lên mười, người vợ đang mang bầu thì đi. Tất nhiên lý lẽ để đi ra khỏi nhà đều là vì gia đình, vì một tương lai cho tụi trẻ.

Từ một vài năm trở lại đây, dòng người Việt Nam đến châu Âu, dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn không hề dừng lại. Vào khu châu Á của Paris trước đây hầu như chỉ gặp Việt kiều thế hệ cũ hoặc học sinh, sinh viên sau này, giờ nghe giọng miền trung Việt Nam khá nhiều. Cảnh những nhóm thanh niên thất nghiệp đi lang thang, ngồi ghế đá, tụ tập nhau không còn là hiếm gặp. Tất nhiên, nhiều nhóm khác làm ăn trốn thuế có tiền cũng không ít.

Tôi gặp một nhóm mấy người đàn ông khác, đến Pháp từ gần 15 năm nay. Do vẫn là người không giấy tờ, sống ngoài vòng pháp luật nên cơ hội về Việt Nam gần như không có, hoặc có là khi đã quyết trở về hẳn. Chịu phạt mà về.

“Mồ côi” khi còn bố -0
 

Điểm chung của họ là gì?

Đều là những người không phải bần cùng. Có tiền hoặc có tài sản cầm cố để có tiền chi phí sang châu Âu. Có mong muốn thoát nghèo. Tin vào những viễn cảnh được truyền miệng hoặc từ người đã đi, hoặc từ người chưa bao giờ đi mà nghe lại và cả từ những đường dây tổ chức đưa người.

Tôi hỏi Q, người đàn ông chưa bao giờ được tận mắt nhìn thấy con rằng anh ta có sợ con lớn lên mà thiếu hụt tình cảm, thậm chí gặp những vấn đề tâm lý do thiếu cha bên cạnh. Q im.

Tôi cũng hỏi một người đàn ông khác, xa nhà đã 10 năm rằng số tiền mà anh gửi về có giúp được vợ con anh nhiều không? Anh bảo có, nhà to đẹp lắm.

Tôi bảo một người đàn ông góa vợ để con lại cho cha mẹ để đi châu Âu, rằng đứa trẻ lớn lên khác gì trẻ mồ côi. Anh bảo, ngày nào cũng nói chuyện với con qua video trên điện thoại.

Như vậy, đa số họ đều yên tâm rằng chiếc điện thoại thần thánh sẽ thay vai trò của mình đối với những đứa trẻ. Đồng tiền của mình sẽ là nguồn sưởi ấm và mang lại tương lai tươi sáng.

Có lẽ chưa có thống kê nào để biết, hiện có bao nhiêu trẻ em Việt Nam sống gần như mồ côi về mặt tinh thần. Chỉ riêng tại các khu công nghiệp đã có biết bao nhiêu ông bố, bà mẹ để lại con cho người thân để đi làm trên thành phố. Số người để lại vợ, con đi ra nước ngoài và bù đắp tổn thất tinh thần bằng tiền cũng là một con số không nhỏ.

Nhà cửa khang trang hơn, đồng tiền gửi về là niềm an ủi, thậm chí là điều để tự hào, nhưng những điều không nhìn thấy như sự thiếu hụt tình cảm, khoảng trống trong giáo dục gia đình thì có lẽ chỉ đo đếm được trong những báo cáo về các vấn đề của trẻ vị thành niên.

Khi tôi đọc những báo cáo của Pháp về cái gọi là “ngược đãi trẻ em”, 42 điều được viết ra trên giấy, trong đó có điều về bỏ rơi nhiều thời gian không chăm sóc, có điều về thiếu trách nhiệm tinh thần, tôi liên tưởng tới những em bé có bố đi xa với suy nghĩ là vì con, thương con, ở Việt Nam.

Thật trớ trêu, bản chất có thể không giống nhau nhưng hình thức và thậm chí hệ quả đôi khi tương tự.

Thế hệ tôi, những đứa trẻ lớn lên trong chiến tranh gặp cảnh thiếu bố cũng không phải hiếm. Bố đi bộ đội, bố đi học nước ngoài. Điều duy nhất khiến cảnh thiếu bố ngày hôm nay và thiếu bố trước kia trở nên khác nhau là chúng tôi có mốc để đợi, ngày chiến thắng bố sẽ về, ngày bố học xong sẽ về.

Giờ thì không, hầu như là những cái mốc mông lung.

K, người đàn ông đã ở Pháp 15 năm hằng ngày vẫn gọi về cho vợ dù đã sống với người phụ nữ khác từ nhiều năm kể với tôi rằng, anh muốn cho con trai tiền sang Pháp học nhưng con từ chối. Con không chắc sẽ ở được với bố. Đứa trẻ chỉ sống với bố ba năm đầu đời sợ rằng ký ức mờ nhạt không đủ để giúp nó hòa hợp với người mà nó gọi là bố và nhà vẫn treo nhiều ảnh. K uất ức, thấy rằng mình bị ngược đãi, vô ơn, thấy rằng con thiển cận, không nhìn ra những hy sinh mà cha nó đã làm để con có tương lai tươi sáng.

Vậy là ngoài tiền ra, không phải lúc nào điều kỳ vọng của những chuyến đi cũng thành sự thật.

Và đôi khi ngay cả điều thô sơ nhất là tiền mang về cho gia đình, không phải lúc nào cũng có.

Tháng 2-2021, vào dịp Tết Nguyên đán, cảnh sát Anh và Pháp lại tiếp tục truy quét những người vượt biển Manche để đi từ Pháp sang Anh. Hơn 120 người đã bị bắt, trong đó có 22 người được xác định là người Việt Nam. 22 người đàn ông cả già lẫn trẻ. Hơn 10 ông bố. Hơn 10 gia đình mà chiếc điện thoại thần thánh vốn được coi là phương tiện để bù đắp tinh thần, tình cảm cho lũ trẻ sẽ không reo trong nhiều thời gian. Chắc chắn, nhiều thời gian nữa, những đứa trẻ ấy cũng khó mà gặp cha, ngay cả khi họ được thả ra tù.

Đường về vừa xa, vừa mông lung.

Có lẽ trong rất nhiều những cuộc nghiên cứu về tâm lý trẻ vị thành niên ở Việt Nam, chưa có cuộc điều tra nào về tâm lý của những em bé có bố mẹ mà như không có. Có tiền (hoặc vẫn không có) mà không có cha. Họ thật ra là một con số không nhỏ, nếu tính tất cả các nhóm người có chung một hoàn cảnh sống. Những em nhỏ bố đi tìm đường “cứu nhà”, khái niệm Hạnh phúc liệu có phải chỉ là có tiền?

Có ai đã hỏi các em chưa?

Nếu có một con số được định lượng về những nỗi cô đơn, những khoảng trống trong giáo dục gia đình, những hệ quả có thể xảy ra trong nhiều thời gian của đời người, biết đâu những chuyến đi xuyên rừng, vượt biển mà đích đến không rõ là đâu sẽ giảm. Điều quan trọng hơn là bớt được một thế hệ thanh thiếu niên lớn lên gần như không cha, dù rằng có.