Kiếp người này như cây baobab

Một nhà nhân học tổ chức trò chơi cho trẻ em một bộ tộc ở châu Phi. Ông đặt giỏ trái cây từ xa và bảo lũ trẻ ai chạm tới giỏ đầu tiên thắng cuộc sẽ được toàn bộ. Khi ông ra lệnh bắt đầu, không ai bảo ai, tất cả bọn trẻ nắm tay nhau chạy rồi cùng ngồi dưới gốc cây hoan hỉ nhấm nháp phần thưởng chung. Được hỏi nguyên nhân, các em đáp “Ubuntu, làm sao mà một người trong chúng cháu có thể vui khi mà những bạn còn lại buồn?”.

Âm nhạc gắn kết cộng đồng.
Âm nhạc gắn kết cộng đồng.

Tôi tình cờ bắt gặp bức ảnh kèm chú thích trên trước khi đặt chân tới lục địa đen. Tôi không thể xác thực nguồn gốc và tính chính xác của câu chuyện, chỉ biết rằng sau những năm sống và rong ruổi nơi đây, tinh thần đoàn kết Ubuntu luôn là điều làm tôi thấy vừa ngỡ ngàng vừa thấm thía.
 
 Ubuntu có nhiều tên gọi khác nhau như Ubumuntu ở Rwanda, Utu ở Tanzania và Kenya hay Butu ở CHDC Congo. Dù với tên nào, tinh thần cộng đồng vẫn thấm đẫm trong từng hơi thở cuộc sống. Ở Tanzania, tinh thần Ubuntu hiện hữu trong chính sách Ujamaa (tình đoàn kết anh em một nhà). Ujamaa kết nối 126 tộc người thông qua phổ cập ngôn ngữ chung Swahili. Từ tấm bé, trẻ em tới trường được dạy “tự hào là một công dân Tanzania của đất mẹ châu Phi” thay vì từng bộ tộc riêng rẽ.

Kiếp người này như cây baobab -0

 Người Á Đông mình về cơ bản luôn đề cao sự gắn kết gia đình và cộng đồng chặt chẽ, nhưng tới lục địa đen, nhiều lúc tôi vẫn không khỏi lặng người choáng ngợp. Vì môi trường sống từng khắc nghiệt giữa miền hoang dã, vì chung quá khứ nhọc nhằn chịu nô lệ áp bức, vì truyền thông quốc tế nhiều thiên kiến sai lệch, tình đoàn kết và lòng tự tôn của người dân các nước châu Phi lớn hơn bao giờ hết. Ubuntu xuất hiện dưới đủ mọi hình dạng của đời sống.
 
 Năm 2019, khi tới Rwanda, tôi sửng sốt về độ xanh, sạch và hiện đại của đất nước tí hon nơi hai thập kỷ trước từng trải qua thảm họa diệt chủng lấy đi sinh mạng gần một triệu người trong ba tháng. Vài tuần lưu lại đủ cho tôi hiểu thứ gì đã giúp hồi sinh miền đất tang thương này: tinh thần Ubumuntu. Rwanda là quốc gia đầu tiên cấm sử dụng túi ni-lông từ năm 2008 và ngày nay là một trong các quốc gia sạch nhất thế giới. Đã thành thông lệ bắt đầu từ năm 1998, từ nông thôn tới thị thành cứ thứ bảy tuần cuối mỗi tháng, toàn dân Rwanda tham gia Umuganda - ngày lao động cộng đồng. Vết đen lịch sử khiến con người cố gắng hàn gắn thương tổn bằng mọi cách.
 
 Tại Kenya - đất nước từng chìm trong suy thoái môi trường, mâu thuẫn sắc tộc và bất ổn chính trị, một ý tưởng đơn giản nhưng mạnh mẽ và bền bỉ đã giúp người phụ nữ châu Phi đầu tiên đoạt Giải Nobel Hòa bình: phát động cùng trồng cây. Năm 1977, bà Wangari Maathai sáng lập Green Belt Movement (GBM - Phong trào vòng đai xanh) với hy vọng chữa lành môi trường và tạo việc làm cho phụ nữ bản địa. Có cây là có sự sống cho muôn loài, có sự sống là có lương thực, có lương thực là có của cải, có của cải sẽ bớt đói nghèo và bạo loạn. Từ ý tưởng ban đầu, GBM đã lan rộng thành giáo dục môi trường, quyền công dân, kế sinh nhai rồi trở thành một biểu tượng cho tình đoàn kết. Kể cả sau khi bà qua đời năm 2011, phong trào vẫn tiếp tục. Tới nay 50 triệu cây xanh đã được trồng khắp Kenya và góp ý tưởng cho Great Green Wall, siêu dự án trồng cây xanh xuyên lục địa vẫn đang được thực hiện.
 
 Đầu năm 2020, khi “điệu nhảy quan tài” ở Ghana bỗng dưng nổi tiếng khắp mạng xã hội, tôi không hề ngạc nhiên bởi từng tận mắt chứng kiến những tang lễ như vậy ở châu Phi. Với quan niệm chết không phải là hết, chết chỉ là sự khởi đầu cho một hành trình mới và linh hồn người ra đi sẽ chở che người ở lại, lễ tang trở thành một sự kiện nơi người đã khuất cũng cần được “an ủi” và những người sống thêm gắn kết. Cõi trần hay cõi âm, Ubuntu chưa bao giờ phai nhạt. Nhiều gia đình chọn an táng người thân ngay tại nơi mình sinh sống. Ở Madagascar, con cháu nhảy múa với thi thể người quá cố trong nghi lễ bốc mộ Famadihana tương tự tục “sống cùng người chết” của tộc Toraja từ Indonesia. Âm nhạc, thể thao và niềm tin tâm linh vẫn luôn là ba trụ cột nâng đỡ con người qua nhiều khó khăn thường nhật.
 
 Bắt nguồn từ một cụm từ thuộc ngữ hệ Bantu tại Nam Phi, Ubuntu có thể hiểu như tính nhân văn và có nhiều cách diễn giải thành “I am because we are” (tôi tồn tại vì chúng ta tồn tại/tôi là tôi vì tôi thuộc về chúng ta) hoặc “I in you and you in me” (tôi ở trong bạn và bạn có trong tôi). Xuất hiện từ thế kỷ 19 nhưng tới những năm 1960 giữa cao trào giải phóng dân tộc các nước vùng hạ Sahara, Ubuntu đại diện cho chủ nghĩa nhân văn châu Phi mới được phổ biến. Dưới sự lãnh đạo của Nelson Mandela, sau khi chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid bị xóa bỏ tại Nam Phi năm 1994, tinh thần Ubuntu bắt đầu mang tầm ảnh hưởng ra khỏi ranh giới châu lục và lan đến các nước Âu Mỹ thông qua Đức Giám mục Desmond Tutu, người từng nhận Giải Nobel Hòa bình. Mandela là minh chứng cho Ubuntu khi không khuyến khích người da đen chém giết và thù ghét người da trắng mà chọn chung sống hòa bình vì một “xứ sở cầu vồng” Nam Phi. Sau 27 năm tù đày, thứ ông chọn là Ubuntu, chọn tha thứ để cùng nhau tồn tại.
 
 Người dân còn dành cả lòng thành Ubuntu cho lữ khách từ phương xa. Ở quê nhà, tôi lớn lên với nhiều nguyên tắc về nếp ăn nếp uống, vậy mà qua Đông Phi, tới nhà nào dự bữa cũng được trẻ rót nước cho rửa tay để hoan hỉ cùng ăn bốc và được gia chủ đút cho mấy miếng. Tới trường dự lễ tốt nghiệp sẽ được bé cho ăn trong lúc người chung quanh cười vang và chụp ảnh lia lịa. Album đám cưới của gia đình nào cũng có loạt ảnh khách tham dự đút cho nhau ăn. Cho trẻ em dọc đường món gì, bé lớn nhất sẽ phủi tay vào quần thật lẹ rồi bẻ hoặc gặm đều chia cho tất cả, không quên gửi lại “Mchina cô Trung Quốc” một miếng cảm ơn. Biết bao lần, tôi chia tay gia đình địa phương với miếng sắn hay củ khoai Mama gói vội trong giấy báo kèm câu chào Hakuna Matata (Vui lên, không có gì phải lo!).
 
 Mỗi ngày ra đường, rất dễ bắt gặp các thanh niên đeo vòng tết hình quốc kỳ, mặc áo phông bản đồ châu lục hoặc dòng chữ I am African (Tôi là người châu Phi). Các kênh thời sự, âm nhạc, điện ảnh đa quốc gia chiếu khắp nẻo. Giữ gìn kiểu tóc, trang phục truyền thống và gu nghệ thuật, công dân gốc Phi ra thế giới thường tự hào về nguồn gốc và gắn kết với nhau chặt chẽ, đặc biệt những cộng đồng thoát ly khỏi nơi từng qua bom đạn nội chiến như Nam Sudan, CHDC Congo, CH Trung Phi, Somalia... Các cách chơi chữ như Black Mamba (từ tên một loại rắn cực độc) ám chỉ “sức mạnh của đàn ông da đen”; Melanin Beauty (từ hắc tố Melanin) chỉ “phụ nữ da sậm màu xinh đẹp”; phong trào văn hóa Black is Beautiful (Đen là đẹp) những năm 60 hoặc làn sóng biểu tình Black Lives Matter (Mạng sống người da đen cũng đáng giá) năm 2020 tại Mỹ; câu khẩu hiệu Wakanda Forever về quốc gia châu Phi Wakanda tưởng tượng từ phim bom tấn Black Panther của Marvel..., với tôi đều là những mảnh ghép khác nhau của linh hồn Ubuntu.
 
 Con người và thiên nhiên lục địa đen đã cho tôi nhiều kinh nghiệm quý giá. Rằng một đàn voi cũng có nghi lễ đưa tang đồng loại. Một cây bụi gai Acacia tưởng cô đơn giữa savan nhưng khi bị con thú chọn để ăn, ngay lập tức lá tiết ra tannin khiến chúng trở nên đắng ngắt rồi tỏa mùi hương và pheromone vào không khí để cảnh báo nguy hiểm tiềm tàng cho cây khác. Hay một giếng nước và bóng cây giữa vùng khô hạn đủ thành điểm hội họp cho cả làng. Đứng dưới bóng cây baobab khổng lồ giữa hoàng hôn châu Phi rực lửa, tôi nhớ mãi lời cha một người bạn từng thủ thỉ: “Kiếp người này cũng chỉ như một cây baobab con gái ạ. Chẳng ai đủ sức một mình ôm nó cho trọn. Vạn vật đều cần nương tựa vào nhau mà sống và chết”.
 
 Với tôi, luôn có những miền đất rất xa, nhưng không lạ. Người bản địa có thể nói ngôn ngữ thật khác, ăn những món thật khác nhưng ở mọi ngõ ngách, kết nối gia đình, trân quý tình bạn, nâng niu con trẻ, tôn trọng người cao tuổi hay tình yêu âm nhạc vẫn luôn là vài quy ước chung gắn kết người và người. Bất cứ dân tộc nào cũng có nhiều cách nói khuyến khích tinh thần tương thân tương ái, Việt Nam ta có “Lá lành đùm lá rách” hay “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”. Bớt phân biệt định kiến, bớt cái gai sân độc trong lòng và sống nhân ái với nhau hơn, ta đang đem hạt giống Ubuntu gieo mầm xanh ở bất cứ đâu trên hành tinh này.