Khanga tấm vải mang hồn Phi châu

Như một tảng băng trôi trên đại dương, một phần nổi còn chín phần chìm, văn hóa của một vùng đất cũng có phần dễ thấy, ít thấy và khó thấy. Chỉ một tấm vải ở châu Phi cũng mang trong mình nhiều tầng văn hóa như vậy. Trang phục truyền thống nơi này cũng như nhiều mảnh đất trên khắp thế giới, có thể đánh dấu sắc tộc, đức tin, tuổi tác, giới tính, quyền lực, nghề nghiệp, thậm chí cả cá tính của chủ nhân.

Ảnh trong bài: Muôn sắc Khanga.
Ảnh trong bài: Muôn sắc Khanga.

Ở lục địa đen, họa tiết trang trí xuất hiện trong mọi ngõ ngách của cuộc sống: từ kiến trúc (vẽ tường Ndebele từ Zimbabwe, gạch phân bò Imigongo từ Rwanda) đến nhạc cụ (trống gõ Djembe và bầu lắc Shekere từ Tây Phi), từ mặt nạ (Bwa từ Burkina Faso, Teke từ Congo) đến vật dụng (rổ đan Axum từ Ethiopia, đồ gốm Zulu từ Nam Phi), từ chất liệu (vải Kente từ Ghana, Kitenge và Khanga từ Đông Phi) đến phụ kiện (vòng cườm Maasai từ Kenya, cách vẽ mặt của đàn ông Wodaabe từ Chad), v.v. Cư dân nơi đây lấy tự nhiên làm cảm hứng cho những họa tiết hình học và những biểu tượng đơn sơ nhưng giàu ý nghĩa. Chiếc rổ Axum giống cành cọ in bóng dưới nắng, mảnh vải sọc Kente giống những nếp gấp giữa núi đồi sa mạc, chiếc váy Khanga hút mắt tựa hình ảnh muôn vàn cỏ cây chim muông trên savanna bát ngát.

“Thiên nhiên là người thầy vĩ đại nhất, nếu cháu chịu khó quan sát và lắng nghe”. Chú Samsung rủ rỉ khi tôi bắc ghế ngồi cạnh xem chú may đồ, đủng đỉnh giữa quang cảnh tấp nập. Hằng ngày, chú đi về hơn 40km từ ngôi làng Marangu dưới chân núi Kilimanjaro ra trung tâm thị trấn làm việc. Gọi là tiệm nhưng thực ra chỉ là một bàn may nhỏ, nơi vài ba người thợ ngồi ngang hàng bên hiên một tiệm tạp hóa. Số đông thợ may giữa các khu chợ trời ở châu Phi là đàn ông, những người góp đôi tay tạo nên những trang phục phụ nữ ưa chuộng trong đời sống thường nhật. Bản thân phái mạnh cũng sử dụng chúng trong những dịp đặc biệt. Chính chú Samsung là người dạy tôi phân biệt các loại vải, đặc biệt là Khanga, niềm tự hào của phụ nữ vùng Đông Phi.

Chỉ là tấm vải cotton dài 1,5m rộng 1m thường bán thành cặp, Khanga mang nhiều công dụng từ làm khăn tắm, tạp dề đến địu con, từ ra đồng đến mặc đi lễ Thánh, từ đi đám cưới tới đám tang, bầu cử... Khanga có thiết kế chữ nhật, in họa tiết hình khối geometric đặc trưng, mầu sắc nổi bật, chất liệu mỏng nhẹ thoáng mát và giá thành bình dân giúp mọi phụ nữ từ nông thôn tới thị thành đều có cơ hội sở hữu ít nhất vài tấm. Phụ nữ dùng Khanga để trùm đầu nếu theo đạo Hồi; may thành váy dài nếu đã có tuổi, đã kết hôn hoặc đang làm việc nơi công sở; chọn váy ngắn ngang đầu gối kết hợp nhiều phụ kiện trang sức nếu chưa lập gia đình. Mỗi thứ sáu và chủ nhật hằng tuần, vào ngày cầu nguyện tập thể của cộng đồng Hồi giáo và Thiên Chúa giáo, vô vàn tông mầu Khanga điểm sắc trên nhiều thánh đường và nhà thờ. Khanga không phô bày da thịt nhưng lại tôn được vóc dáng khỏe khoắn nhiều đường cong của phụ nữ ở vùng đất này.

Khanga tấm vải mang hồn Phi châu -0
 

Từ thế kỷ 19, Khanga đã được phái nữ sử dụng để khẳng định vị thế của mình. Nguồn gốc của Khanga gắn liền với việc chấm dứt chế độ nô lệ cuối thế kỷ này. Khanga ban đầu được làm từ một loại vải sợi bông nhập khẩu từ bờ kia Đại Tây Dương mang tên Merikani (phiên âm tiếng Swahili từ America tức nước Mỹ). Cả đàn ông lẫn phụ nữ đều mặc Merikani, dù phụ nữ thường làm tấm vải thêm phần nữ tính hơn bằng cách nhuộm chàm, vẽ sáp ong hoặc hồ sắn. Sau  hơn 400 năm nô lệ chấm dứt trên giấy tờ, như một cách khẳng định quyền tự do và sức sáng tạo, phụ nữ sống tại hai quần đảo Zanzibar và Mombasa (nay thuộc Tanzania và Kenya) tiên phong trang trí Khanga bằng họa tiết sặc sỡ đặc trưng châu Phi. Tấm Merikani đơn điệu ngày nào không còn được sử dụng vì mang dấu ấn của quá khứ đau thương.

Tới những năm 30 thế kỷ 20, Khanga bắt đầu được in thêm câu thông điệp Ujumbe và tới ngày nay, họa tiết trang trí lẫn Ujumbe dưới góc Khanga trở nên muôn hình vạn trạng. Khanga dần mang tầm ảnh hưởng trên toàn lục địa và đánh dấu bản sắc của phụ nữ chính bởi câu Ujumbe - từ thành ngữ, câu thơ, lời bài hát hay đơn giản một dòng tin nhắn, nhiều lúc sử dụng nghệ thuật chơi chữ, ẩn dụ để tỏ bày lời muốn nói. Bởi những thông điệp đó, Khanga đã trở thành một trang phục nói hộ lòng người, tùy hoàn cảnh xã hội, tôn giáo và chính trị. Điều khiến một người chọn mua tấm Khanga nhiều lúc không chỉ bởi mầu sắc hay họa tiết mà chính là câu Ujembe trên tấm vải. Ngày ông Barack Obama trở thành tổng thống Mỹ gốc Phi đầu tiên, hàng loạt phụ nữ ra đường hân hoan khoác lên mình tấm Khanga mang dòng chữ Hongera Barack Obama, Upendo na amani ametujalia mungu (Chúc mừng Barack Obama, tình yêu và hòa bình đã ban cho chúng ta một vị thần).

Phụ nữ tại Zanzibar vốn nổi tiếng thích chơi chữ và sáng tác thơ hát. Nhiều tấm Khanga ngày nay được trích từ thơ và thành ngữ dân gian. Thamani ya taa ni giza kiingiapo (Đêm xuống mới biết quý ngày lên), Mahaba ni sumu, ni sumu katili. Mahaba ni tamu, kwa watu wawili (Tình yêu như trái đắng, nhưng tình yêu cũng ngọt ngào). Khanga phổ biến tới mức nhiều chị em còn dùng tấm vải có Ujembe gửi tặng người thứ ba để «dằn mặt»: Jamala mtuni utu (Quan trọng là nhân cách con người), Wajifanya hodari wa kupakua, kupika huwezi! (Tưởng tài giỏi mà hóa ra không biết nấu ăn!). Chẳng biết hiệu quả thực tế đến đâu, nhưng đó đúng là một cách «dọa dẫm» thú vị.

Dù công năng đa dạng, Khanga bán đại trà chủ yếu mang nguyện ước và những thông điệp tươi sáng như Mkipendana mambo huwa sawa (Mọi điều sẽ tốt đẹp nếu chúng ta yêu thương nhau), Mungu ni mwema (Chúa là phước lành), Mwanamke mazingira tunataka, usawa, amani, maendelo (Phụ nữ chúng tôi muốn bình đẳng, hòa bình và tiến bộ), Tunaipenda Afrika yetu (Chúng tôi yêu châu Phi)... Ngày tôi rời Tanzania, Mama Ramuhuri dúi vào tay tôi mảnh Khanga in dòng chữ Mungu Akupe Heri Daima (Chúa mãi ban phước cho con). Tấm vải ấy tôi không may mà đem về cất cẩn thận trong ngăn tủ chứa các món quà được bạn bè hữu duyên tặng, những kỷ niệm tôi luôn nâng niu sau mỗi chuyến đi.

Khanga tấm vải mang hồn Phi châu -0
 

Nếu Đông Phi có vải Khanga, Kitenge hoặc Kikoi thì Tây Phi có Adinkra, Boubou, Kente, Dashiki hoặc Ankara - những mảnh ghép khác nhau của một lục địa đa sắc màu. Vải Adinkra đi liền với hệ thống biểu tượng Adinkra trứ danh sáng tạo bởi tộc người Akan tại Côte d’Ivore và Ghana từ đầu thế kỷ 19. Váy trùm dài Boubou thường mặc kèm khăn đội đầu turban và khuyên tai to bản. Chiếc áo phi giới tính Dashiki phần cổ tập trung họa tiết thổ cẩm tinh xảo là niềm tự hào đánh dấu bản sắc của công dân gốc Phi vươn ra thế giới. Khi khoác lên người y phục biến tấu đa dạng nhưng chung một chất liệu, những người phụ nữ đại diện cho trí tuệ  tập thể và tinh thần đoàn kết cộng đồng Ubuntu bao trùm khắp lục địa. Người mẹ địu con say ngủ trong tấm Khanga, tay thoăn thoắt làm việc nhà. Người bà công kênh rổ hàng đến chợ, vẫn tấm vải ấy che trên đầu dưới cái nắng lửa nung. Cô gái da nâu tóc tết dài, ra phố duyên dáng trong chiếc váy Khanga. Họ là những Mama Afrika làm sáng bừng mảnh đất Phi châu còn nhiều gian khó.

Phụ nữ đẹp nhất khi lao động, yêu thương và đoàn kết. Không chỉ tới châu Phi mà đến bao miền xa xôi và ngay trên chính quê hương Việt Nam, tôi luôn khâm phục những người phụ nữ tần tảo vô danh. Họ lạc quan gánh gồng mọi hoàn cảnh sống với một sức bền bỉ lạ lùng. Những con người lam lũ đang gồng mình trên triệu vùng đất khắc nghiệt trong trang phục thường ngày bộc lộ cá tính và tâm hồn của họ luôn là dấu ấn khó phai mờ trên mọi nẻo đường tôi đi.