Hồi chuông cấp báo

Ký ức đẫm máu ngày 11/9
 

Đúng 20 năm trước, ngày 11/9/2001, nước Mỹ hứng chịu đòn đánh thảm khốc từ Al Qaeda. Kể từ đó, các lực lượng Mỹ đã săn đuổi không ngừng nghỉ tổ chức khủng bố khét tiếng này cùng với người đứng đầu của nó là Osama Bin Laden. Mãi mười năm sau, Bin Laden mới bị bắn hạ tại một khu nhà mật nằm trong lãnh thổ Pakistan.

Khói bốc lên từ vụ đánh bom bên ngoài sân bay Kabul tháng 8/2021. Ảnh | AP
Khói bốc lên từ vụ đánh bom bên ngoài sân bay Kabul tháng 8/2021. Ảnh | AP

Al Qaeda bị đánh tan nát, chỉ còn những nhóm nhỏ lẻ hoạt động lẩn khuất ở những quốc gia có tình hình chính trị xã hội bất ổn hoặc nội chiến như Iraq, Syria. Như con rắn lột xác nhiều lần, từ Al Qaeda cũng đã nảy nòi ra nhiều tổ chức khủng bố khác mà đáng sợ hơn cả là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Cũng chỉ hơn một tháng sau từ ngày 11/9 năm ấy, nước Mỹ đã bước vào một cuộc chiến dài nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh của nước này ở Afghanistan, với tham vọng xây dựng một chính quyền theo mô hình phương Tây và qua đó, triệt phá đến tận gốc nguy cơ Afghanistan là mảnh đất nuôi dưỡng những tổ chức khủng bố tương tự như Al Qaeda, đe dọa an ninh nước Mỹ.

20 năm sau, vẫn đúng dịp 11/9, các lực lượng quân Mỹ triệt thoái khỏi Kabul trong một cuộc sơ tán khổng lồ nhân viên Mỹ và những người Afghanistan từng cộng tác với Mỹ để tránh nguy cơ bị Taliban, lực lượng đã nhanh chóng tiến chiếm các thủ phủ, thành phố lớn và cả thủ đô Kabul, trả thù.

Và đúng lúc chiến dịch sơ tán đang diễn ra, hai vụ đánh bom tự sát ở bên ngoài sân bay Kabul đã giết chết khoảng 180 người, trong đó có 13 lính Mỹ, thương vong lớn nhất của các lực lượng quân đội Mỹ kể từ 2011.

Thủ phạm các vụ đánh bom ở sân bay Kabul chính là IS-K, một tổ chức khủng bố tách ra từ Al Qaeda. Như vậy là không phải đợi đến khi Mỹ hoàn thành việc rút toàn bộ các lực lượng quân sự cũng như sơ tán người của mình ra khỏi Afghanistan, những lo ngại của Mỹ mới trở thành sự thật. Vụ đánh bom ở sân bay Kabul đã gióng lên một hồi chuông cấp báo về nguy cơ các tổ chức khủng bố tái xuất hiện ở Afghanistan và nhằm vào các lợi ích của Mỹ cũng như đồng minh.

Sau 20 năm, ký ức đẫm máu ngày 11/9 vẫn chưa buông tha nước Mỹ.

Thực trạng đáng lo ngại

Kể từ tháng 2/2020, đã không có một trường hợp tử trận nào của binh lính Mỹ xảy ra ở Afghanistan. Vậy mà khi Tổng thống Mỹ J.Biden quyết định rút toàn bộ quân đội ra khỏi Afghanistan, điều đó lại xảy ra. Thương vong của lính Mỹ trong vụ đánh bom liều chết ở sân bay Kabul nặng nề đến mức mà đòn trả đũa không kích của Mỹ sau đó nhằm vào IS-K cũng khó có thể xoa dịu và làm nguôi ngoai dư luận.

IS-K, nhánh chính thức của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở tỉnh Khorasan, hình thành ở miền Đông Afghanistan cách đây 6 năm, đã nhanh chóng phát triển thành một trong những mối đe dọa khủng bố không chỉ ở Afghanistan mà còn trên phạm vi toàn cầu. Dù trở thành mục tiêu quân sự của Mỹ và liên minh do Mỹ cầm đầu trong suốt nhiều năm qua nhưng tổ chức này vẫn sống sót, hơn thế nữa còn sẵn sàng thực hiện các vụ tấn công đẫm máu, bất chấp phải chịu những tổn thất nặng nề do các đòn tấn công của Mỹ và liên quân.

Được hình thành từ các thành viên Taliban ở Pakistan nhưng IS-K không chỉ là kẻ thù của Mỹ và các lực lượng đồng minh vừa rút quân khỏi Afghanistan mà còn là kẻ thù của chính Taliban. Khi Taliban theo đuổi các cuộc đàm phán với Mỹ trong những năm gần đây, ngày càng nhiều các thành viên cực đoan trong hàng ngũ Taliban bất mãn với đường lối lãnh đạo của phong trào này, gia nhập IS-K.

Taliban và IS-K coi nhau là đối thủ chiến lược, thường xuyên mở các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của nhau. Những vụ tấn công của Taliban thường diễn ra song song với những chiến dịch trên bộ và trên không của Mỹ nhằm vào IS-K; ngược lại, IS-K cũng tấn công các cứ điểm của Taliban trên toàn quốc. Và khác với Taliban chỉ giới hạn các hoạt động của mình bên trong lãnh thổ Afghanistan, IS-K chủ trương tiến hành các hoạt động khủng bố trên toàn thế giới chống lại những người không theo đạo Hồi.

Không khó gì để nhận ra hành động đánh bom tự sát của IS-K ở sân bay Kabul là nằm trong nỗ lực nhằm “kéo” Taliban vào một cuộc chiến với Mỹ và các đồng minh. Mà ở Afghanistan, không chỉ có một tổ chức như IS-K. Liên hợp quốc đã công bố báo cáo dựa trên những thông tin tình báo cung cấp bởi các nước thành viên cho thấy Al Qaeda đang hiện diện ở ít nhất 15 tỉnh của Afghanistan. Một thực trạng đáng lo ngại.

Sự “giúp sức” từ... Mỹ!

Taliban là một lực lượng quân sự trưởng thành qua 20 năm chiến đấu chống lại các kẻ thù của mình, từ quân Mỹ và các đồng minh đến các thủ lĩnh bộ lạc, các nhóm vũ trang đối địch. Thắng lợi như chẻ tre của Taliban dễ cung cấp một cái nhìn méo mó về sức mạnh của lực lượng này.

Có một thực tế là nước Mỹ đã cung cấp các trang thiết bị, vũ khí, khí tài quân sự cho lực lượng quân chính phủ Afghanistan nhưng đã không thể trang bị ý chí chiến đấu cho đội quân này, vốn được tính là có quân số cao gần gấp 4 lần quân số các tay súng Taliban.

Mặt khác, chính quyền của Tổng thống Trump đã qua mặt chính quyền Ashraf Ghani của Afghanistan để tiến hành đàm phán với Taliban, qua đó tước đi tính chính danh của Kabul, làm suy yếu chính quyền của ông Ghani về mặt chính trị, gây khó khăn cho sự duy trì tính thống nhất các nỗ lực giữa các lực lượng chống Taliban. Tổng thống Ghani đã phải quyết định trả tự do cho 5.000 tù nhân Taliban theo yêu cầu của Washington trong một nỗ lực của Mỹ nhằm tìm kiếm thỏa thuận hòa bình với Taliban.

Taliban đã rất biết lợi dụng các cuộc đàm phán hòa bình với đại diện của Mỹ ở Doha để di chuyển quân khắp đất nước, chung quanh các khu vực trọng điểm và thủ phủ các tỉnh. Quá trình đàm phán dằng dai thành nhiều vòng cũng tạo điều kiện để Taliban hạn chế sức mạnh quân sự của Mỹ, giới hạn khả năng Mỹ tấn công các mục tiêu Taliban.

Nếu không có thỏa thuận hòa bình ký với Mỹ, Taliban sẽ không thể cô lập được các lực lượng an ninh chính phủ, qua đó tạo điều kiện cho các cuộc tiến công nhanh chóng trong tháng 8 vừa qua.

Chính nhờ có những điều kiện thuận lợi đó cùng với sự mất tinh thần không thể cứu vãn của quân chính phủ Kabul mà ngoại trừ một vài cuộc đụng độ quân sự, phần lớn quá trình chuyển giao quyền lực ở các tỉnh của Afghanistan và ngay tại thủ đô Kabul đều diễn ra thông qua đàm phán.

Mối lo ngại lớn dần

Mối lo ngại của Mỹ cũng như dư luận quốc tế về viễn cảnh một đất nước Afghanistan dưới quyền quản lý của Taliban nhưng không thể “quản lý” nổi hoạt động của các tổ chức khủng bố, đang lớn dần.

Taliban hiểu rõ là việc giành được chính quyền là một chuyện, còn quản lý xã hội, duy trì nền kinh tế một đất nước lại là chuyện khác.

Đây không chỉ đơn thuần là việc Taliban chắc chắn cần những khoản tiền tài trợ lớn để phục vụ cho nhu cầu tái thiết đất nước sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt trong bối cảnh Afghanistan nằm trong số những nước nghèo nhất thế giới. Thiết lập được mối quan hệ bình thường với các nước sẽ tạo cơ hội để Afghanistan kết nối với dòng tiền viện trợ, tiếp cận được với các nguồn vốn và nhận được các công nghệ cần thiết để khai thác nguồn khoáng sản giàu có của chính mình, phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

Ngay cả khi Taliban đã làm chủ Kabul thì các lực lượng đối kháng với Taliban vẫn có đủ năng lực tiến hành các hoạt động chống đối, đẩy đất nước vào một vòng nội chiến. Không ít trong số các lực lượng đó có mối quan hệ phức tạp, nhận sự hỗ trợ từ nước ngoài. Muốn triệt tiêu nguy cơ chống đối, điều cần thiết là phải có quan hệ tốt với các nước đứng phía sau, tranh thủ tác động và trong trường hợp tối ưu nhất là cắt đứt sự hỗ trợ đối với các đối thủ của Taliban.

Việc bị mất chính quyền năm 2001 cùng với những năm tháng chiến tranh với Mỹ đã giúp cho Taliban nhận thức ra nhiều điều. Chẳng thế mà một trong những phát biểu sớm nhất của đại diện cao cấp Taliban khi làm chủ Kabul là thừa nhận rằng “trước đây chúng tôi đã hành xử thiếu trách nhiệm”.

Taliban khẳng định sẽ không trả thù các nhân viên của chế độ cũ, bảo đảm an toàn cho người nước ngoài ở Afghanistan, nghiêm cấm tấn công các sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế, cho phép trẻ em, phụ nữ đi học và làm việc trong khuôn khổ luật Hồi giáo...

Và điều quan trọng là Taliban cam kết lãnh thổ Afghanistan sẽ không được sử dụng để chống lại bất kỳ bên nào; quốc gia Trung Nam Á này sẽ không là nơi chứa chấp các tổ chức khủng bố.

Tất cả những tuyên bố đó đều phải cần có thời gian để kiểm nghiệm trên thực tế. Mỹ buộc phải theo sát tình hình Afghanistan sau khi rút quân bởi vì chắc chắn không muốn ký ức đau thương ngày 11/9 quay trở lại một lần nữa.