Xu hướng

“Hộ chiếu vaccine” - cuộc thử nghiệm khó khăn

Ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới thúc đẩy mô hình “hộ chiếu vaccine” với hy vọng giúp hồi sinh nền kinh tế và giúp cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhưng có điều các nước này lại chưa dành sự quan tâm đúng mức để thúc đẩy các tiêu chuẩn chung cho “tấm giấy thông hành” thời đại dịch, khiến vấn đề này tiếp tục gây nhiều tranh cãi...

Chứng nhận đã tiêm vaccine được hy vọng sẽ là biện pháp hữu ích trước mắt để phục hồi kinh tế
Chứng nhận đã tiêm vaccine được hy vọng sẽ là biện pháp hữu ích trước mắt để phục hồi kinh tế

Lựa chọn để cứu nền kinh tế

Hàn Quốc là nước mới nhất chính thức cho biết sẽ cấp “hộ chiếu vaccine” theo hình thức kỹ thuật số thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, trên đó tích hợp các thông tin về tình trạng tiêm chủng vaccine Covid-19 của người dân. Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun hy vọng khi “hộ chiếu vaccine” được áp dụng sẽ giúp người dân cảm nhận nhịp sống bình thường trở lại. Theo Thủ tướng Hàn Quốc, hệ thống chứng nhận điện tử sẽ được gấp rút hoàn thiện ngay trong tháng này.

Trước Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên hiệp châu Âu (EU) cũng đã thông qua kế hoạch này. Đặc biệt, sau rất nhiều bất đồng giữa những nước thành viên, EU cũng đã đi tới nhất trí về việc phát hành “hộ chiếu vaccine”. Dự kiến Nghị viện châu Âu (EP) sẽ phê chuẩn đề xuất về áp dụng “hộ chiếu vaccine” trong phiên họp toàn thể vào tháng 6. Trước khi EU đạt được sự thống nhất này, một số quốc gia thành viên đã cấp các giấy chứng nhận kỹ thuật số chứng nhận chủng ngừa do nôn nóng hồi phục ngành du lịch nói riêng và kinh tế nói chung sau thời gian dài lao đao vì đại dịch. Trên thế giới, một số nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, như Israel, nơi 50% dân số đã được chủng ngừa, người dân đã dần có cuộc sống bình thường trở lại vì có thể tới nhà hàng, rạp hát, phòng tập thể dục khi xuất trình “thẻ xanh” chứng minh đã tiêm vaccine.

Việt Nam cũng đã lên kế hoạch cho việc sử dụng “hộ chiếu vaccine” và tiến hành nghiên cứu hình thức áp dụng, xây dựng phần mềm quản lý đối tượng tiêm chủng bằng mã QR, nhằm bảo đảm tính xác thực của thông tin chủng ngừa. Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc để chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho việc áp dụng “hộ chiếu vaccine”. Việc triển khai “hộ chiếu vaccine” ở Việt Nam sẽ được làm từng bước, cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ. Lợi ích là tạo điều kiện phát triển kinh tế, nguy cơ vẫn có thể là lây nhiễm cộng đồng. Việc áp dụng “hộ chiếu vaccine” ở Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu tạo thuận lợi nhưng an toàn trên hết. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định “nếu tạo thuận lợi và để dịch bùng phát thì mọi nỗ lực, công sức sẽ trở thành vô nghĩa”.

Dự kiến sẽ tiếp tục có thêm nhiều nước áp dụng thử nghiệm mô hình “hộ chiếu vaccine” vì nếu thành công sẽ giúp thúc đẩy ngành du dịch và dịch vụ, mở cửa lại đường hàng không, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch Covid-19. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính sụt giảm đi lại bằng đường không vì đại dịch đã khiến GDP toàn cầu tổn hại khoảng 1.800 tỷ USD. Trong bối cảnh đại dịch chưa được kiểm soát khiến nền kinh tế thế giới và các quốc gia trải qua một thời kỳ tồi tệ chưa từng có tiền lệ, “hộ chiếu vaccine” trở thành niềm hy vọng cho sự hồi phục trong tương lai không xa.

Tiêu chuẩn nào cho “hộ chiếu vaccine”?

Tuy nhiên, trong khi ngày càng có nhiều nước trên thế giới áp dụng mô hình “hộ chiếu vaccine”, lại không hề có sự thống nhất các tiêu chuẩn chung ở cấp độ quốc tế để nâng cao hiệu quả của “tấm giấy thông hành” thời Covid-19 này. Việc áp dụng mô hình “hộ chiếu vaccine” đã bộc lộ những chia rẽ giữa các quốc gia, khi nước nào cũng đề cao lợi ích của mình. Đơn cử, “hộ chiếu vaccine” mà EU đề xuất sẽ chỉ chấp nhận các loại vaccine đã được Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt, nhưng lại để ngỏ việc chấp nhận đối với các loại vaccine khác của Trung Quốc và Nga. Chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 tại châu Âu hiện vẫn chủ yếu sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech. Tuy nhiên, do thiếu nguồn cung vaccine, một số nước EU đã tự tìm mua vaccine của Nga và Trung Quốc vốn chưa được EMA phê duyệt.

Trung Quốc cho biết, “hộ chiếu vaccine” của họ sẽ chỉ cho phép người nước ngoài nhập cảnh nếu họ tiêm vaccine của Trung Quốc. Nước này mới đây đã nới lỏng quy định cấp thị thực cho một số công dân nước ngoài muốn nhập cảnh nhưng với điều kiện họ đã được tiêm vaccine Covid-19 của Trung Quốc. Động thái này được cho là nhằm quảng bá sản phẩm của Trung Quốc vì thỏa thuận nhập cảnh này đã được đề xuất với một số nước trong đó có Ấn Độ và Mỹ, là những nước không có vaccine của Trung Quốc.

Vì vậy, vấn đề được đặt ra là liệu chính phủ các nước trên thế giới có chấp nhận các loại vaccine chưa được chính phủ nước đó phê duyệt bên trong đường biên giới của mình hay không? Theo nhà nghiên cứu John Lim, Trường Y khoa Singapore: “Sẽ cần phải có sự tương đồng về tiêu chuẩn giữa các nước, sau đó là vấn đề chia sẻ thông tin. Nếu chỉ thúc đẩy sử dụng “hộ chiếu vaccine” mà không cân nhắc các vấn đề liên quan, sẽ có rất nhiều câu hỏi được đặt ra và chúng có thể sẽ không được chấp nhận chéo giữa các nước”.

Giới chuyên gia khẳng định vấn đề này cần được giải quyết trên quy mô toàn cầu. Tháng 5 tới sẽ diễn ra cuộc họp của Đại hội đồng Y tế Thế giới của WHO và các chính phủ nên nắm bắt cơ hội này để giải quyết những bất đồng liên quan tới “hộ chiếu vaccine”. Hệ thống “hộ chiếu vaccine” nên quy định rõ những loại vaccine nào sẽ được chấp nhận và hệ thống phải được trang bị để cập nhật các yêu cầu tiêm chủng khi hướng dẫn y tế công thay đổi. Hệ thống này cũng phải ngăn cản các nước tự ý từ chối chấp nhận các chứng nhận vaccine. Theo New York Times, nếu không có sự đồng thuận quốc tế trong vấn đề này, sẽ kéo theo nhiều nguy cơ khiến đại dịch càng kéo dài. Cũng dễ hiểu vì sao việc thiết lập hệ thống “hộ chiếu vaccine” ở quy mô quốc tế không phải là điều dễ dàng vì đây hiện đang là một phần trong cuộc tranh cãi về đánh giá hiệu quả của vaccine Covid-19 giữa các nước đang trong cuộc đua quyết liệt chế tạo và sản xuất vaccine Covid-19.

Để không “nhập khẩu” virus...

“Hộ chiếu vaccine” - cuộc thử nghiệm khó khăn -0
Tiêm phòng Covid-19. 

Rõ ràng nguy cơ “nhập khẩu” virus là khó tránh khỏi khi áp dụng “hộ chiếu vaccine” mà thiếu biện pháp ngăn ngừa và bỏ qua các nguyên tắc trong phòng, tránh dịch bệnh. Hiện nay trên thế giới, trong khi một số nước muốn dỡ bỏ cách ly, hoặc giảm bớt số ngày cách ly đối với các đối tượng có “hộ chiếu vaccine” như Thái Lan, thì Việt Nam vẫn quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cũng như cách ly người nhập cảnh có “có hộ chiếu vaccine”. Theo đó, những trường hợp có “hộ chiếu vaccine”, tức là được tiêm đủ hai mũi, vẫn phải cách ly 14 ngày và lấy hai lần xét nghiệm như bình thường. Theo ông Albert Tjoeng, đại diện IATA, nếu các chính phủ muốn mở cửa biên giới và tái khởi động ngành hàng không mà không cần cách ly, họ sẽ phải tự tin với khả năng hạn chế nguy cơ “nhập khẩu” Covid-19 và xác thực được tình trạng của người nhập cảnh thông qua xét nghiệm hoặc tiêm chủng. Thực tế là những “tấm giấy thông hành” thời đại dịch rất dễ làm giả và trên thực tế đã được rao bán trên một số chợ đen ở châu Âu.

Cần biết rằng, cho đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa đưa ra bất kỳ đề xuất nào liên quan tới “hộ chiếu vaccine” do lo ngại nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là vấn đề bất bình đẳng khi còn đa số người dân trên thế giới chưa được chủng ngừa và tỷ lệ được tiêm cao phần lớn rơi vào các nước giàu. Ông Mike Ryan, Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO khẳng định, tổ chức này sẽ không đề xuất “hộ chiếu vaccine” cho đến khi vaccine Covid-19 được phân bổ rộng khắp và công bằng. WHO kêu gọi các nước cần phải thận trọng, yêu cầu không coi việc đưa ra bằng chứng tiêm chủng như một điều kiện để đi du lịch quốc tế. Trong bối cảnh đại dịch vẫn lây lan mạnh trên toàn cầu, tỷ lệ người dân được tiêm chủng còn quá thấp và thời gian tồn tại miễn dịch sau tiêm bao lâu vẫn còn đang đánh giá, sự thận trọng của WHO không phải là không có cơ sở.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, “hộ chiếu vaccine” có thể tạo ra lối thoát nào đó cho nhiều ngành kinh tế, nhưng không phải là biện pháp chấm dứt sự lây lan của đại dịch. Thậm chí, nếu không thực hiện tốt, nguy cơ phản tác dụng của “hộ chiếu vaccine” là có thể xảy ra một khi những thách thức chưa được xử lý, như sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới, vấn đề đạo đức, hậu cần, tốc độ tiêm chủng chậm chạp, nguồn vaccine thiếu... Theo chuyên gia về dịch bệnh Ben Cowling, Đại học Hồng Công, hy vọng một ngày nào đó tiêm chủng vaccine Covid-19 sẽ phổ biến tới mức thế giới đạt trạng thái miễn dịch cộng đồng và người dân trên toàn thế giới không phải lo về “hộ chiếu vaccine” và nên coi đây chỉ là một biện pháp ngắn hạn.