Đi & thấy

Hạnh phúc tên gọi là gì?

Tháng 10 là dịp mà các cô cậu du học sinh nô nức đến Pháp, nhìn cảnh các em mới sang ngơ ngác bước vào công cuộc ăn học xa nhà, tôi lại tự đặt câu hỏi cho mình: Có bao nhiêu em sẽ thật sự tìm ra con đường đi?

Ảnh trong bài: 1. Hồng Hải, bỏ ngành kỹ sư cơ khí để học đầu bếp. 2. Linh Nguyễn, sinh viên kinh tế bỏ học và hiện là đầu bếp nhà hàng Michelin 2 sao. 3. Nguyễn Dương tốt nghiệp kỹ sư máy tính một trong những trường hàng đầu của Pháp, giờ là nghệ sĩ chơi trong nhóm nhạc Jazz của Pháp, đồng thời viết nhạc.
Ảnh trong bài: 1. Hồng Hải, bỏ ngành kỹ sư cơ khí để học đầu bếp. 2. Linh Nguyễn, sinh viên kinh tế bỏ học và hiện là đầu bếp nhà hàng Michelin 2 sao. 3. Nguyễn Dương tốt nghiệp kỹ sư máy tính một trong những trường hàng đầu của Pháp, giờ là nghệ sĩ chơi trong nhóm nhạc Jazz của Pháp, đồng thời viết nhạc.

“Lúc ấy em bé, bố mẹ cũng không hướng dẫn gì, bố làm nghề cơ khí chính xác thì muốn em theo nghề cơ khí để còn tiện xin việc”, T, cậu bé xin thực tập theo tôi làm nghề báo kể sau thời gian đã đủ quen thân để dẹp đi mặc cảm là cậu đã từng bỏ học. T không phải người đầu tiên và duy nhất mà tôi gặp ở Pháp, nhiều cô bé, cậu bé như thế. Có người kịp thoát ra, có người không kịp hoặc không dám thoát ra khỏi việc học hành mà họ hoàn toàn không mong muốn, để rồi theo đuổi một cách chật vật, không cảm hứng. H mơ ước học nấu ăn nhưng cha mẹ muốn theo nghề kỹ sư. A muốn theo nghề ngoại giao nhưng cha mẹ khuyên theo nghề môi trường vì đang thời thượng... Có em nghe theo và học xong nghề mà cha mẹ khuyên, rồi đi làm và may mắn khám phá ra niềm vui với nghề. Nhiều em không có may mắn ấy, không thể tìm thấy niềm hứng khởi. Có em bỏ học, bơ vơ mất định hướng vài năm, có em học hai, ba năm rồi bỏ và đi tìm kiếm ngành khác như mơ ước. Có em thậm chí học xong master rồi cuối cùng đi mở hàng ăn bởi chẳng tìm thấy niềm hứng khởi nào khiến mong muốn phấn đấu trong ngành nghề mà họ đã mất sáu năm theo đuổi.

Có một thực tế là từ nhiều năm qua, hàng thập kỷ qua việc khảo sát tâm lý và thiên hướng nghề nghiệp chưa hề có trong các trường phổ thông ở Việt Nam. Thường thì sát đến ngày thi, nhiều gia đình và bản thân các cô cậu 18 vẫn còn khá mông lung với việc chọn nghề gì cho mình để đi cả cuộc đời. Người may mắn thì biết mình yêu thích công việc nào để mà quyết đi theo, hầu hết tôi thấy đều mông lung và lựa chọn theo hai tiêu chí: đầu ra dễ xin việc và nghe theo lời khuyên của gia đình (thường là kèm điều kiện: học nghề này bố mẹ còn xin việc cho, không thì tự mà lo).

Việc không được giúp đỡ để tìm ra sở trường và niềm cảm hứng với ngành nghề mà mình muốn theo đuổi dẫn đến nhiều hệ lụy lâu dài. Sống mà không thấy vui, làm mà không thấy tha thiết phấn đấu, thậm chí chán chường và tất nhiên nếu thất bại là điều dễ hiểu.

Tôi đã từng nói với T là bỏ học chẳng sao, miễn phải tìm ra bằng được con đường mà cậu thật sự muốn đi. Bán nem cũng được, thợ làm bánh cũng được, lái ta-xi cũng được, làm báo hay quay phim hay viết văn càng tốt, miễn cậu thấy thật sự yên ổn với bản thân, thấy mình có thể vui, có thể chấp nhận những thử thách mà nghề cậu chọn mang lại, tất nhiên là phải sống lương thiện và tự chủ được kinh tế với sự lựa chọn ấy.

Tôi đã từng được nhiều bà mẹ chia sẻ rằng họ khóc thầm khi nghe tin con bỏ học. Thường thì tôi trấn an họ, tôi biết các em chắc chắn sẽ vất vả trong vài năm mất phương hướng, thậm chí có rủi ro là sẽ thất bại cả đời, nhưng thâm tâm tôi lại thấy cũng mừng. Mừng vì lũ trẻ đã thoát ra khỏi điều chúng không mong muốn, điều chúng đã lầm lẫn để rồi mày mò mà tìm ra một con đường khác - để thật sự có niềm vui.

H, sau khi học mấy năm đại học ngành cơ khí như ý gia đình thì quyết quay lại học trường đầu bếp như cậu mong muốn. A bỏ môi trường để quay lại ngoại giao như đã từng mơ, P bỏ sinh học để kinh doanh... N bỏ hẳn công việc của một kỹ sư tốt nghiệp trường hàng đầu của Pháp để đi theo con đường âm nhạc, niềm đam mê mà cậu khám phá ra sau này.

Những lúc ngồi nghe bọn trẻ như thế kể chuyện, chia sẻ về những e ngại mà chúng gặp khi phải nói với cha mẹ rằng chúng bỏ học hoặc bỏ nghề rồi lại nhìn thấy ánh mắt long lanh vui sướng khi nói về con đường mới mà chúng đang tìm kiếm, mày mò, nỗ lực, tôi chỉ muốn khóc. Vừa thương, vừa mừng. Thương vì thấy sự thiếu hỗ trợ định hướng nghề nghiệp khiến người ta mất thời gian thế nào trong cuộc đời, vui vì rồi thì lũ trẻ cũng đã dám bước ra khỏi vùng an toàn mà thật ra là vùng tưởng như an toàn để đến với điều mà chúng mơ ước. Tôi nhớ cách đây nhiều năm, có một bạn gái đã làm việc cùng tôi trong một thời gian ngắn, cô tốt nghiệp một trường đại học được coi là có “số má”, cô rất trách nhiệm, tận tâm với công việc. Chúng tôi làm cùng một thời gian ngắn rồi cô chuyển qua công việc khác vì dự án bất thành. Ngày cô chuyển đi, tôi chúc “mong em có công việc mới khiến em vui nhé”, nhiều ngày sau tôi nhận được một email cô viết lại cho tôi đại ý rằng: câu chị chúc làm em nghĩ mãi, em tự hỏi đã lúc nào em đi làm mà thấy vui? thường thì em làm vì trách nhiệm và coi là một công việc để kiếm sống, em chưa có cảm giác vui bao giờ. Có lẽ em sẽ cố tìm lấy việc gì khiến em thấy vui mỗi buổi sáng đi ra khỏi nhà.

Tôi biết nhiều cha mẹ đầu tư tiền bạc cho con suốt cả chục năm trời để con học trường quốc tế, để mong con thành người, có một công việc tốt trong xã hội - đã uất điên người hoặc lịm đi khi nghe con bỏ học, bỏ đại học để học trung cấp, bỏ ngành sang chảnh như toán học để học ngành bấp bênh là nghệ thuật, bỏ tiến sĩ giữa chừng để đi mở hàng ăn, ngày ngày về nhà sực nức mùi bún bò, nem rán.

Nghĩa là bỏ những khoảng (tưởng như) an toàn để bước vào một vùng bấp bênh (mà không chắc là bấp bênh).

Vâng, an toàn sao được khi ta luôn cảm giác buồn chán hoặc luyến tiếc vì đã không dám làm, bấp bênh nhưng không hẳn tuyệt vọng khi ta ngày đêm nghĩ về nó, tha thiết với nó và chấp nhận gian nan để thực hiện được nó.

Thỉnh thoảng, những lúc trò chuyện, tôi cứ thử nhìn thật sâu vào đôi mắt của những cô bé, cậu bé ấy, để xem có thấy sự cay đắng của kẻ nghĩ mình thất bại không? May mắn, thường là không. Có sự e ngại vì sợ bị phán xét, có sự lo lắng vì biết sẽ nhiều thử thách, nhưng không tủi hổ. Thường thì trái tim người mẹ của tôi chỉ muốn được ôm chúng vào lòng, bảo rồi mọi sự sẽ qua, miễn - dứt khoát phải moi cho ra bằng được trong trí não mình, trái tim mình xem điều gì khiến mình tha thiết, con đường nào mà mình biết dù có phải vất vả, khiến mình vẫn tìm thấy niềm vui.

Nếu như có lúc nào vì muốn an toàn mà chúng chọn nhầm, vì muốn cha mẹ vui lòng mà vâng lời, vì thiếu sự hỗ trợ để moi ra trong tim óc mình xem điều gì khiến mình tha thiết - thì nên cho chúng được quyền làm lại, nếu điều ấy khiến chúng hạnh phúc.

Trong những bước đường đời, tôi gặp nhiều người làm lại, người thành công, người không thành công nhưng thường tôi thấy riêng việc được chủ động thực hành cái quyền ấy đã khiến người ta có xúc cảm tích cực, một xúc cảm khiến ta gần với hạnh phúc hơn là luyến tiếc, buồn chán với sự tẻ nhạt mà công việc đang làm chỉ là để kiếm sống.

H giờ vừa học vừa làm và tự sống được bằng lương đứng bếp. P từ bỏ thạc sĩ sinh học để mở salon trà. Thỉnh thoảng tôi chỉ tiếc là cha mẹ các em có thể chưa nhìn thấy những lúc con mình rất vất vả, nhưng lại lấp lánh niềm vui. Sự biết vui với điều vất vả mà mình đã chọn, cũng là một giá trị quan trọng - của sự trưởng thành.

Đôi khi chúng ta hay tự hỏi tại sao công dân ở những nước phát triển họ trách nhiệm và tận tâm với công việc, tôi nghĩ vì đa phần họ đã được hỗ trợ để chọn đúng, và họ biết có quyền chủ động với cuộc đời.

Cái quyền ấy, nó khiến người ta bình thản sống hơn, dễ tiệm cận với xúc cảm tích cực hơn và có thể gọi tên rất rõ hạnh phúc của chính mình là gì. Tháng 10, nhìn những cánh chim non nớt đang bay vào đời, tôi chỉ nghĩ đến những quyền mà các em sẽ tự tìm kiếm trong đời, để sướng vui.