Hàn gắn

Bẽ mặt

Trở lại châu Âu trong chuyến công du lần thứ hai, Tổng thống Mỹ Joe Biden có nhiều việc phải làm mà một trong những điều quan trọng nhất, cũng là khó khăn nhất, là thuyết phục các đồng minh châu Âu rằng “Nước Mỹ trở lại” (trong các liên minh với châu Âu).

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Italia. Ảnh | Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Italia. Ảnh | Reuters

4 năm dưới chính quyền của Tổng thống Trump với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” đã khiến các liên minh của Mỹ, trong đó đặc biệt quan trọng là với châu Âu, bị tổn thương nặng nề. Tổng thống Biden phải thuyết phục các đối tác châu Âu là chính quyền mới ở Washington đang nỗ lực hàn gắn những tổn thương này, để liên minh xuyên Đại Tây Dương tiếp tục là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Ở Rome, thủ đô Italia, ông Biden đã có cuộc gặp riêng với Tổng thống Pháp E.Macron. Không nói thì ai cũng hiểu rằng mục đích của cuộc gặp này là để ông Biden xoa dịu cơn giận dữ của Pháp khi hồi trung tuần tháng 9, ba nước Mỹ, Anh, Australia công bố Hiệp định đối tác an ninh tăng cường ba bên (AUKUS). Theo hiệp định này, Mỹ và Anh hỗ trợ Australia công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và vì vậy, Canberra chấm dứt hợp đồng mua 12 tàu ngầm chạy bằng dầu diesel với Pháp trị giá nhiều chục tỷ USD.

Paris có lý do để nổi sùng lên trước hành động của hai đồng minh không đơn thuần chỉ vì chuyện kinh tế do bị nẫng tay trên mất hợp đồng mấy chục tỷ USD. Dự án đóng tàu ngầm với Australia mới chỉ ở giai đoạn đầu; việc hủy hợp đồng không mấy ảnh hưởng đến tập đoàn Naval Group là đơn vị đứng ra thực hiện hợp đồng bởi trong tổng số 16.000 nhân viên của tập đoàn này chỉ có 500 nhân viên liên quan đến hợp đồng bị hủy. Phía Pháp cũng sẽ nhận được khoản đền bù hợp đồng từ phía Australia, theo ước tính khoảng từ 250 triệu USD đến 400 triệu USD.

Vấn đề sâu xa nằm ở chỗ lâu nay, Pháp đã hoạch định một chiến lược lâu dài tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo đó giữa những căng thẳng bùng nổ một bên là Trung Quốc, một bên là Mỹ, Pháp chủ trương đi theo hướng thứ ba, độc lập cả về chính trị, kinh tế, công nghệ với cả hai bên. Trong chiến lược này, Australia là một đối tác quan trọng (chưa kể Nhật Bản, Ấn Độ và cả ASEAN) mà hợp đồng mua bán tàu ngầm với Canberra là một minh chứng. Việc hủy bỏ hợp đồng này chẳng khác nào một đòn giáng nặng vào chiến lược muốn độc lập của Pháp và làm Paris bẽ mặt.

Thêm nữa, việc Australia hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp cũng có thể kéo theo những hệ lụy khác: có thể một số khách hàng khác cũng theo chân Canberra mà quay sang mua vũ khí, trang thiết bị của Mỹ. Các dự án kết hợp chế tạo vũ khí chung của Pháp với một số đối tác châu Âu cũng có thể bị ảnh hưởng.

Những vết rạn

Nhưng chính sách hướng tới “độc lập” của Pháp chỉ là bề nổi của một xu hướng gần đây của châu Âu, thể hiện qua những lời kêu gọi ngày càng nhiều về việc cần phải “tự chủ chiến lược”. Hơn nửa thế kỷ nay, sự phụ thuộc về mặt an ninh của châu Âu vào cái ô bảo vệ của Mỹ là điều không có gì phải nghi ngờ.

Thế nhưng cũng trong hơn nửa thế kỷ đó, đã xuất hiện những vết rạn nứt từ từ trong mối quan hệ tưởng chừng như bền chắc dựa trên mối lo sợ về Liên Xô kể từ thời Chiến tranh lạnh. Ngay trong thời kỳ căng thẳng đó, cũng đã từng xuất hiện những bất đồng sâu sắc liên quan tới việc Mỹ đặt tên lửa hạt nhân trên lãnh thổ một số nước châu Âu. Không ai quên rằng chính việc Mỹ đặt các tên lửa đạn đạo trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ ở phía nam Liên Xô đã dẫn tới quyết định của Moscow khi đó triển khai tên lửa ở Cuba, gây ra một trong những vụ khủng hoảng ngoại giao nguy hiểm nhất thời kỳ Chiến tranh lạnh năm 1962. Đến khi Liên Xô buộc phải rút các tên lửa đạn đạo tại Cuba thì Mỹ cũng lẳng lặng rút các tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ!

Đến cuộc chiến tranh vùng Vịnh xâm chiếm Iraq năm 2003, bất đồng giữa Pháp với Mỹ bộc lộ rõ với việc Pháp công khai phản đối cuộc chiến do Mỹ dẫn dắt. Sau tối hậu thư của Tổng thống Bush (con) nhằm vào Iraq, Văn phòng của Tổng thống Pháp khi ấy Jacques Chirac ra tuyên bố Hội đồng bảo an phản đối tối hậu thư của ông Bush, rằng việc bất chấp ý kiến của cộng đồng quốc tế sẽ phải gánh chịu “trách nhiệm nặng nề”. “Bỏ qua tính hợp pháp của Liên hợp quốc, lấy sức mạnh đè bẹp công bằng, điều đó sẽ là trách nhiệm nặng nề”, tuyên bố của Tổng thống Pháp viết.

Đến nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, quan hệ giữa Mỹ với châu Âu sa sút toàn diện, tưởng chừng như không thể cứu vãn. Ông Trump, người không có thói quen kiêng dè trong các phát biểu của mình, thỉnh thoảng lại đòi hỏi các đồng minh châu Âu của Mỹ phải tăng ngân sách quốc phòng lên cho “xứng” với đồng tiền bát gạo mà Mỹ bỏ ra để “bảo vệ” cho châu Âu, công khai tỏ ra nghi ngờ về vai trò của NATO cũng như nguyên tắc phòng thủ tập thể của liên minh này.

Cũng dưới thời ông Trump, các đồng minh châu Âu đều có quan điểm ngược với Mỹ trong vấn đề thỏa thuận hạt nhân với Iran, khi Mỹ đơn phương rút chân ra khỏi thỏa thuận này.

Tháng 8/2021, cuộc rút lui hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan mà không tham vấn với các đồng minh châu Âu lại một lần nữa gây ra cuộc khủng hoảng xuyên Đại Tây Dương, theo đó nhiều thành viên NATO đã trở tay không kịp để di tản những người đã hỗ trợ quân của các nước này trong thời gian chiến tranh ở Afghanistan.

Vụ khủng hoảng này khiến châu Âu vỡ mộng về một mối “quan hệ đặc biệt” với Mỹ và để lại một vết sẹo trong quan hệ này.

Rồi đến AUKUS.

Người hàn gắn

Ở Rome, khi gặp Tổng thống Pháp Macron, ông Biden đã thừa nhận rằng Mỹ đã xử lý “vụng về” trong vụ việc 3 nước ký thỏa thuận AUKUS sau lưng Pháp, và ông “tưởng rằng Australia đã thông báo cho Pháp về việc hủy hợp đồng mua tàu ngầm”. Lời phân bua của ông Biden cho thấy Mỹ mong muốn xoa dịu ông bạn đồng minh của mình đến thế nào.

Khi bí mật tiến hành đàm phán với Australia và Anh để đạt được thỏa thuận AUKUS, hẳn nhiên Mỹ phải dự đoán chuyện Pháp sẽ phản ứng với thỏa thuận này. Nhưng ngay cả khi biết Pháp sẽ phản ứng thì những lợi ích chiến lược mà thỏa thuận này mang lại quá đủ hấp dẫn để khiến Washington chấp nhận rủi ro trong mối quan hệ với Pháp mà ở Rome, ông Biden đánh giá là “đối tác vô cùng quý giá, cùng chia sẻ những giá trị với Mỹ”.

Trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Australia có một giá trị đặc biệt đối với Mỹ khi chính sách chiến lược của Canberra đặt nước này vào vị trí tuyến đầu trong việc thúc đẩy một chiến lược khu vực mang tính tập thể để duy trì cân bằng quyền lực và ảnh hưởng trong khu vực.

Chính sách đó giúp Australia mở rộng, vươn ra Ấn Độ Dương và Tây Nam Thái Bình Dương, hướng tới khả năng chống lại các hành vi hăm dọa của bất kỳ cường quốc nào trong khu vực. Australia ủng hộ mạnh mẽ sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thỏa thuận AUKUS sẽ mang lại cho Mỹ cơ hội hiện diện lớn hơn nhiều ở khu vực này. Ngoài ra, Mỹ có thể sẽ sử dụng cơ sở hạ tầng, cảng biển và các cơ sở vật chất khác của Australia, mang lại ưu thế rất lớn cho Mỹ trong tình huống xung đột xảy ra. Nói cách khác, về mặt chiến lược, AUKUS giúp cho Mỹ mạnh hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đấy là một lợi ích chiến lược đủ lớn để Mỹ chấp nhận rủi ro trong các mối quan hệ với Pháp nói riêng và châu Âu nói chung.

Thế nên ông Biden sẵn sàng đóng vai trò người hàn gắn quan hệ với Pháp cũng là điều dễ hiểu.